Có nên giải tỏa chợ Âm Phủ?

Có nên giải tỏa chợ Âm Phủ?
Là chợ đêm duy nhất tồn tại hàng chục năm nay ở phố núi Đà Lạt; là địa điểm ẩm thực, tham quan ấn tượng…, vậy mà chính quyền thành phố vừa thông báo sẽ giải toả chợ Âm Phủ từ ngày 1/ 5 tới.
Có nên giải tỏa chợ Âm Phủ? ảnh 1
Một góc chợ Âm Phủ

Chợ Âm Phủ họp ngay trung tâm thành phố (từ cửa chợ Đà Lạt đến bùng binh hồ Xuân Hương) từ 6-7 giờ đêm đến rạng sáng  hôm sau. Mấy chục năm trước, khu vực này chưa có đèn đường, mỗi gánh hàng được thắp sáng bằng ngọn đèn hột vịt .

Đêm đêm, những đốm sáng từ đèn dầu và bếp than hồng bập bùng , le lói  trong màn sương trông có vẻ huyền ảo, kỳ bí  ấy  đi vào tâm thức người Đà Lạt và du khách bằng tên gọi đầy ấn tượng “chợ Âm Phủ”.

Ít  khói bụi, còi xe, khí trời dịu mát  nên đi dạo, ngắm hoa và  thưởng thức cái  nóng ấm đầy hương vị  bên gian hàng ăn khuya ở chợ Âm Phủ từ lâu không chỉ là cái thú mà còn mang ít nhiều hồn phố của những đêm mù sương.

Tản bộ thả hồn lãng đãng trên hồ Xuân Hương và khi  chân đủ mỏi, du khách có thể dừng lại bên hàng ốc, kêu dăm ba trứng vịt lộn, vài đĩa ốc bươu, nghêu luộc ăn với chuối xanh, rau thơm chấm nước mắm gừng; nhấp vài ngụm rượu hoặc uống ly sữa thơm lừng mùi đậu xanh, đậu nành  ấm nóng cả người.

Có lẽ vì hiếu kỳ, muốn tìm cảm giác lạ nên không ít du khách  hạng sang, kể cả người nước ngoài bấy lâu cũng tìm đến chợ bình dân này… Chỗ nào bán thức ăn cũng  kèm thêm trà gừng nóng  mà dư vị còn ấm mãi lòng người. Chợ đêm còn có những gian hàng hoa, hàng len, thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là tranh chạm bút lửa, tranh hoa  khô khắc chữ nghệ thuật được chế tác từ loại gỗ bạch tùng rất đẹp và lạ mắt tạo nên  những sản phẩm  xinh xắn, dễ thương, riêng có ở Đà Lạt.

Tuy nhiên nhìn tổng thể, chợ Âm Phủ với hơn 40 hộ kinh doanh được đầu tư manh mún, chưa xứng với vị trí , cảnh quan  tuyệt đẹp: ở ngay trung tâm thành phố, bên cạnh thắng cảnh quốc gia hồ Xuân Hương và các KS hạng sang như Golf 3, Hải Sơn … 

Có lạ lùng không khi mà mấy chục năm qua địa phương duy trì hoạt động chợ một cách tạm bợ theo kiểu đếm “gánh hàng” thu lệ phí chứ không cấp phép kinh doanh ? Mặt khác, phải thừa nhận đôi lúc chợ Âm Phủ còn để lại  ấn tượng xấu bởi kiểu làm ăn chụp giựt, chém đẹp khách hàng; sử dụng  “cò” để lôi kéo, tranh giành khách; dây dưa tiền thuế…

Một số đối tượng bất hảo tụ tập  ăn nhậu, đánh chém nhau  làm náo động nơi công cộng. UBND tỉnh không ít lần chỉ đạo “xử phạt đối với những hộ vi phạm lần thứ nhất và xem xét rút giấy phép kinh doanh với những trường hợp tái phạm” song dường như vẫn chưa được ban ngành chức năng triển khai rốt ráo, xử lý kiên quyết và dứt điểm.

Trước tình hình đó, thay vì chỉnh trang, nâng cấp để chợ đẹp hơn, kinh doanh có văn hoá hơn thì vào hạ tuần tháng 3 này, UBND TP. Đà Lạt ra thông báo(số 30) chấm dứt hoạt động chợ Âm Phủ (kể từ ngày 1/ 5/ 2005) để đảm bảo an toàn trật tự và tiến hành chỉnh trang đô thị tại khu trung tâm.

Thông tin đó không chỉ làm nhiều hộ kinh doanh hoang mang mà ngay cả những người trót yêu phố núi, nặng tình với Đà Lạt cảm thấy hụt hẫng, mất mát và… buồn. Liệu rồi đây Đà Lạt còn lưu giữ được mấy “nét xưa”?

Chợ Âm Phủ hoạt động chưa ngang tầm, chưa đi vào nề nếp, chưa  thực sự trở thành điểm kinh doanh ẩm thực có văn hoá… là do hạn chế về tầm nhìn, chiến lược cũng như công tác quản lý của một số cá nhân, cơ quan chức năng. Do đó, nên qui hoạch, sắp xếp lại, đầu tư hạ tầng, lựa chọn đơn vị quản lý có năng lực, có biện pháp chế tài  đủ mạnh để ngăn ngừa, xử lý vi phạm chứ không nên “khai tử” chợ Âm Phủ với nét văn hoá phố núi  đặc thù của xứ lạnh đã có thương hiệu trong lòng du khách.  

MỚI - NÓNG