Cổ phần hóa: Nhà đầu tư nhăm nhe lợi ích đất đai

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự cuộc họp chuyên đề của Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: PV
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự cuộc họp chuyên đề của Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: PV
TP - Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, khi thực hiện cổ phần hóa, nhà đầu tư cam kết sử dụng đất đai theo quy hoạch, nhưng sau khi cổ phần hóa xong lại có chuyện chuyển đổi quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch ban đầu. Việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp nhà nước gắn với các lợi ích về đất đai đang được các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn là tăng cường năng lực quản trị sau cổ phần hóa.

Định giá chưa chính xác

Ngày 17/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự cuộc họp chuyên đề của Kiểm toán Nhà nước về công tác cơ cấu lại khối doanh nghiệp, trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước. Theo Kiểm toán Nhà nước, giai đoạn 2011- 2015, cả nước đã cổ phần hóa được 499 doanh nghiệp, đạt 96% kế hoạch. Các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều có lãi, góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước và cải thiện thu nhập của người lao động. Số vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo giá trị sổ sách đã được thoái vốn là 26.222 tỷ đồng, thu về 36.537 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ, việc thực hiện đề án còn chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra về tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; công tác chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp về SCIC chậm, hiệu quả sản xuất kinh doanh tại một số doanh nghiệp chưa cao. Qua kiểm toán tại 7 doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước nhận thấy, việc định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa của các đơn vị còn thiếu chính xác, chưa phù hợp với quy định hiện hành và làm giảm giá trị tài sản được định giá, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của nhà nước. Đặc biệt, vẫn còn những sai sót trong việc xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán. 

Từ thực tế đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Chính phủ và các bộ nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa nhiều quy định, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp và ngăn ngừa thất thoát nguồn lực nhà nước.

Thay đổi mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa

Đồng tình với những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thiện sửa đổi Nghị định 59 để trình Chính phủ ngay đầu năm 2017 theo hướng quan tâm tới xác định giá trị của doanh nghiệp nhà nước về lợi thế thương hiệu, thương mại. Phó Thủ tướng đề nghị Kiểm toán Nhà nước đánh giá sâu sát hơn việc sắp xếp đất đai trước khi cổ phần hóa. 

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, khi thực hiện cổ phần hóa, nhà đầu tư cam kết sử dụng đất đai theo quy hoạch, nhưng sau khi cổ phần hóa xong lại có chuyện chuyển đổi quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch ban đầu. Do đó, việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp nhà nước gắn với các lợi ích về đất đai đang được các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn là tăng cường năng lực quản trị sau cổ phần hóa.

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang giao các bộ, ngành nghiên cứu có cho phép doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa được chuyển đổi quyền sử dụng đất hay không? Trường hợp nào được phép và cấp có thẩm quyền nào sẽ ra quyết định cho phép chuyển đổi? Phó Thủ tướng cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu và tham vấn với Chính phủ về nội dung này. “Cổ phần hóa không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện thực hiện mục tiêu của Chính phủ. Mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và Chính phủ mong muốn Kiểm toán Nhà nước chú ý trong mọi hoạt động ở lĩnh vực này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc vừa qua, đề cập đến chủ trương cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước triển khai 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là phải xác định lĩnh vực nào nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực nào cần rút ra. Nhóm nhiệm vụ thứ hai là trong quá trình sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, mục tiêu quan trọng nhất là phải bảo đảm lợi ích cao nhất cho nhà nước, nghĩa là bán đúng giá trị thị trường thời điểm bán. Nhóm nhiệm vụ thứ ba là quản trị sau cổ phần hóa, làm rõ mục tiêu chính sách và mục tiêu kinh tế của mỗi doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ. Đó là căn cứ để doanh nghiệp nhà nước hoạt động và hạch toán, không nhập nhèm nhiệm vụ chính sách và kinh doanh.                

Thành Nam

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).