TT-Huế:

Coi hành lang an toàn đường bộ như... đất mặt tiền

Các biển báo an toàn giao thông Quốc lộ 49 qua phường Thủy Xuân (Huế) bị “quây” kín bởi các điểm tạp hóa, tiệm hoa kiểng, biển hiệu.
Các biển báo an toàn giao thông Quốc lộ 49 qua phường Thủy Xuân (Huế) bị “quây” kín bởi các điểm tạp hóa, tiệm hoa kiểng, biển hiệu.
TPO - Rất nhiều gia đình sinh sống dọc theo các tuyến giao thông huyết mạch xem hành lang an toàn đường bộ như là đất mặt tiền của nhà mình. Thế nên họ cứ “vô tư” sử dụng vào mục đích mở nhà xưởng, hàng quán kinh doanh, buôn bán.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, trên các tuyến đường tỉnh và Quốc lộ 49B qua địa bàn TT-Huế xảy ra hơn 120 vụ vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ (HLATGTĐB). Đây thực sự là thực trạng đáng báo động, gây nguy cơ mất an toàn giao thông trên hàng chục tuyến đường chính, với chiều dài gần 460km.

Theo hồ sơ, thông tin từ Cty CP Đường bộ I TT-Huế (đơn vị quản lý Quốc lộ 49 và hơn 20 tuyến đường tỉnh), thời gian gần đây, trên 24 tuyến giao thông lớn nhỏ do đơn vị này quản lý, tháng nào cũng ghi nhận có những trường hợp vi phạm HLATĐB.

Coi hành lang an toàn đường bộ như... đất mặt tiền ảnh 1
Coi hành lang an toàn đường bộ như... đất mặt tiền ảnh 2

Các công trình xây dựng bê tông cốt thép kiên cố nằm ngay trên hành lang đường bộ, chồm sát ra tỉnh lộ 10 qua địa bàn huyện Phú Vang, TT-Huế.

Vi phạm xảy ra dày đặc, liên tiếp chủ yếu là trên tuyến Quốc lộ 49B, chiều dài 104,5km, với điểm đầu đấu nối từ Quốc lộ 1A qua địa bàn huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) về đến chân đèo Phước Tượng (huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế). Đây là cung đường “nóng” về vi phạm hành lang an toàn đường bộ tại TT-Huế hiện nay; tiềm ẩn nhiều hiểm họa về tai nạn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Chỉ riêng trong hai tháng 3 và 4/2016, tuyến đường quốc gia này xảy ra đến 34 vụ vi phạm hành lang an toàn, với nhiều hình thức như dựng nhà cấp 4 trái phép, tùy tiện xây nhà tạm, lều quán, sân phơi, cổng chào, bình phong, tường rào, khám thờ…

Cũng trên tuyến đường quốc gia trọng yếu này, có nhiều vi phạm xảy ra ngay trong giới hạn 7 mét hành lang an toàn tính từ đường giao thông trở ra. Đơn cử như trường hợp hộ ông Võ Xuân An (ngụ huyện Quảng Điền) ngang nhiên xây dựng nhà ngay trong hành lang sát với đường quốc lộ xảy ra hồi tháng 5. Có trường hợp còn “chiếm dụng” hàng chục mét hành lang bảo vệ Quốc lộ 49B để xây hàng quán, như hộ Lê Công Đạt (xã Quảng Công, huyện Quảng Điền)…

Không chỉ cá nhân, hộ gia đình, mà nhiều tổ chức, doanh nghiệp cũng đua nhau vi phạm. Trong đó, phải kể đến trường hợp công nhân của Cty CP Điện lực TT-Huế tổ chức dựng trụ điện ngay trong giới hạn hành lang 7 mét bảo đảm an toàn đường bộ thuộc tuyến Tỉnh lộ 11B xảy ra vào ngày 14/3, buộc cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, đình chỉ thi công.

Coi hành lang an toàn đường bộ như... đất mặt tiền ảnh 3

Hàng quán, biển quảng cáo “trùm” kín hành lang an toàn giao thông tuyến Quốc lộ 49 đoạn trước đàn Nam Giao, Huế.

Không chỉ Quốc lộ 49B hay Tỉnh lộ 11B, vi phạm lấn chiếm, xâm hại hành lang an toàn đường bộ còn xảy ra thường xuyên và phức tạp trên rất nhiều tuyến đường tỉnh như Tỉnh lộ 4, 6, 8A, 9, 10C, 11A, 11 C, 15, 22… Rất nhiều gia đình sinh sống dọc theo các tuyến giao thông huyết mạch này xem hành lang an toàn đường bộ như là đất mặt tiền của nhà mình, nên cứ “vô tư” sử dụng vào mục đích mở nhà xưởng, hàng quán kinh doanh, buôn bán.

Một cán bộ UBND huyện Phong Điền nhận xét: Nhiều hộ kinh doanh dọc tuyến đường quốc gia, đường tỉnh qua địa bàn chưa thực sự tự giác, dù không ít người đã ký cam kết không vi phạm hành lang đường bộ.

“Những vi phạm lấn chiếm cứ dẹp vào ban sáng thì đến buổi chiều lại tái phạm. Các hộ kinh doanh còn sẵn sàng nộp phạt để… tiếp tục vi phạm lấn chiếm. Đây thực sự là vấn đề nan giải cho công tác phối hợp bảo đảm an toàn hành lang các tuyến đường”, vị cán bộ này cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Đức Luyện, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Đường bộ I TT-Huế, xét về mặt hồ sơ địa chính, hành lang an toàn giao thông tại nhiều tuyến đường do đơn vị quản lý vẫn còn nằm trên đất của dân, chưa được đền bù thu hồi. Thế nên chủ hộ nghiễm nhiên sử dụng để làm hàng quán kinh doanh, buôn bán, khiến công tác quản lý, bảo trì hạ tầng đường bộ, cũng như xử lý vi phạm hành lang gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng.

MỚI - NÓNG