Công an đề nghị không giao quyền điều tra cho thuế, chứng khoán

Các tướng ngành công an đề nghị không giao thẩm quyền điều tra cho cơ quan thuế, chứng khoán. Ảnh DN.
Các tướng ngành công an đề nghị không giao thẩm quyền điều tra cho cơ quan thuế, chứng khoán. Ảnh DN.
TPO - Thảo luận về Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự chiều 2/6, hầu hết các ý kiến trong ngành công an đều cho rằng, không nên mở rộng, trao thẩm quyền điều tra cho một số cơ quan thuế, chứng khoán…

Có giao cũng không làm được

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung – Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, tội danh liên quan đến ngành thuế, chứng khoán chủ yếu thuộc vấn đề trách nhiệm. Số vụ việc các đơn vị này chuyển cho cơ quan điều tra rất ít, nếu có cũng chỉ từ tố giác tội phạm, việc điều tra phát hiện chứng khoán ngầm rất khó khăn. Trước thực tế đó, Tướng Chung đề nghị không nên mở rộng thẩm quyền điều tra cho các cơ quan này.

Cùng đề cập đến mở rộng thẩm quyền điều tra, Thiếu tướng Trịnh Xuyên – Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho rằng, có thể bổ sung thêm lực lượng kiểm ngư, còn cơ quan thuế, chứng khoán thì không cần. 

“Kiểm ngư có thể bắt quả tang như nổ mìn, phá hoại tài nguyên biển… cần bắt giữ ngay rồi chuyển cho cơ quan điều tra. Tuy nhiên thuế thì hành vi không diễn ra, phải qua thanh kiểm tra, xác minh mới xác định vi phạm hình sự hay hành chính. Chứng khoán cũng vậy, có giao cũng không làm được do tính chất, hành vi vi phạm không đơn giản như tội phạm khác”, ông Trịnh Xuyên nói.

Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu cũng đề nghị không nên bổ sung thuế, chứng khoán và cả lực lượng kiểm ngư là cơ quan điều tra. Theo ông Hiếu, Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp và kết luận của Bộ Chính trị đã yêu cầu giữ nguyên số cơ quan điều tra và sắp xếp, tinh gọn đầu mối lại. Mặt khác việc điều tra đòi hỏi phải có bài bản, có học, có kiến thức. “Điều tra viên chúng tôi ít nhất cũng phải qua một khâu đào tạo”, Thứ trưởng Hiếu nói.

Công an xã cần được điều tra?

Băn khoăn trước quy định giao thẩm quyền điều tra cho lực lượng công an xã, ông Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, nếu giao thẩm quyền này cho công an xã dễ gây đảo lộn hiện trường vụ án. Do vậy, ông Quyền đề nghị không nên giao cho lực lượng công an xã thực hiện nhiệm vụ điều tra.

Ngược lại, Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) thì cho rằng, việc trao thẩm quyền cho công an xã, phường, thị trấn được điều tra là hợp lý, vì đây cũng chỉ là điều tra ban đầu. Theo ông Thảo, lực lượng này giờ đã công chức hóa rồi, lại cũng được đào tạo nên có thể đảm đương được nhiệm vụ.

Ủng hộ phương án này, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết, 62% tội phạm do công an phường, xã bắt giữ, chủ yếu là bắt quả tang. Thực tế, Hà Nội đã phải bổ nhiệm Trưởng công an phường là điều tra viên. Nhiều địa bàn, từ huyện xuống xã cách nhau vài chục km, ở các tỉnh miền núi còn xa hơn, việc đi lại càng vất vả. Nếu giao cho lực lượng công an xã được quyền điều tra, lực lượng này có thể bảo vệ hiện trường và cũng có thể tiếp nhận, thu thập thông tin ban đầu. Mặt khác, đối với công an phường bây giờ đã chuyên nghiệp, còn công an xã hàng năm được đào tạo qua 15 ngày nên hoàn toàn có thể đảm đương nhiệm vụ này.

MỚI - NÓNG