Công viên tràn ngập hàng rong, “chợ tình”

Hàng quán ăn uống tràn ngập quanh hồ Ba Mẫu. Ảnh: Tuấn Minh
Hàng quán ăn uống tràn ngập quanh hồ Ba Mẫu. Ảnh: Tuấn Minh
TP - Hà Nội bỏ ra cả trăm tỷ đồng cải tạo, nâng cấp các công viên. Tuy nhiên, gần đây, nhiều công viên, vườn hoa bị biến dạng bởi tình trạng bùng phát hàng rong, quán ăn nhếch nhác. Thậm chí “chợ tình” di động tại nhiều công viên đã hoạt động trở lại.

Nhìn dãy hàng rong nhộn nhịp đêm ngày bám quanh hồ Ba Mẫu, nhiều người dân trong khu vực không khỏi xót xa. Hàng chục tỷ đồng do ngân sách bỏ ra đầu tư kè hồ, làm hạ tầng, vệ sinh môi trường đã không còn mấy tác dụng.

Hàng chục dãy hàng quán kinh doanh từ bia hơi, bún chả, trà đá “bao vây” quanh hồ. Bãi đỗ xe ô tô lậu khi cao điểm lên tới cả trăm chiếc chiếm hoàn toàn phần diện tích vỉa hè của hồ ở phía tây khiến người dân có muốn đi dạo cũng đành bó tay.

Hàng quán ăn uống mọc lên tùy tiện đã kéo theo nhiều hệ quả xấu như xả rác bừa bãi ra quanh hồ, nhiều phần tử xấu, nghiện ngập tụ tập. Chỉ cách hồ Ba Mẫu chừng trăm mét, một gia đình tại ngõ 42 cạnh hồ, cho biết từ lâu đã không dám dắt con ra dạo chơi quanh hồ do những hiện tượng tiêu cực ở đây gây ra.

PV Tiền Phong đã khảo sát thực địa quanh hồ và nhận thấy việc kinh doanh tai đây diễn ra khá công khai. Nhiều hộ dân còn đào sâu xuống vỉa hè, đổ cột xi măng làm nơi cắm ô hằng ngày. Bãi đỗ xe buýt cạnh cửa công viên trên đường Trần Nhân Tông từ lâu trở thành nơi phóng uế rất ô nhiễm. Dọc theo tuyến đường Lê Duẩn, khu vực gần công viên Thống Nhất ngay gần vào giờ trưa, cả chục cô gái bán dâm di động đi xe máy chạy lòng vòng bắt khách.

Tại khu vực hồ Thiền Quang cũng có tới hàng chục quán nước, hàng rong bám quanh hồ. Vào buổi chiều, nhiều người dùng tấm ni lông kê sát lại, biến một góc hồ giáp đường Trần Nhân Tông thành chợ đồ cũ nhộn nhịp. Tại đây bán từ bật lửa, giày da, thắt lưng, mũ nỉ, đồng hồ các loại…

“Đá ném ao bèo”

Trao đổi với Tiền Phong, ông Cao Xuân Lâm, Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Công viên Thống Nhất cho biết, đúng là thời gian vừa qua tình trạng bán hàng rong, “chợ tình” đã tái xuất hiện tại khu vực quanh công viên Thống Nhất, tập trung chủ yếu đoạn bờ rào công viên tiếp giáp đường Lê Duẩn.

Ông Lâm cho biết, Công viên Thống Nhất thuộc địa bàn phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng quản lý. “Phường Lê Đại Hành cũng ra quân liên tục nhưng vẫn chỉ như đá ném ao bèo. Được một vài hôm rồi hàng quán lại mọc lên. Trong khi đó, đơn vị quản lý công viên là doanh nghiệp nên không có thẩm quyền xử phạt hành chính với các trường hợp bán hàng rong, gái bán dâm”, ông Lâm nói.

Ông Lâm cho biết thêm nhiều khi lực lượng chức năng cứ đuổi bên này đường thì hàng quán lại nhảy sang bên kia đường. Các đối tượng mở hàng quán, bán rong khi thấy lực lượng chức năng thì lại xách hàng từ vỉa hè công viên chạy sang hồ Ba Mẫu, là địa bàn do phường Phương Liên, Trung Phụng (quận Đống Đa) quản lý, nên gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Một điểm khó trong quản lý tại đây là một hồ Ba Mẫu nhưng có đến ba phường cùng quản lý. Phường Trung Phụng quản lý phía bắc hồ Ba Mẫu còn phường Phương Liên, Trung Phụng quản lý phía tây và phía nam hồ nên rất khó trong phối hợp lực lượng xử lý.

Cty Công viên Thống Nhất đã phản ánh tình trạng bất hợp lý của bãi đỗ xe buýt ngay sát cổng công viên trên đường Trần Nhân Tông khi thường xuyên gây ùn tắc, mất vệ sinh. “Chúng tôi đã đề xuất di dời bến xe nhiều lần nhưng chưa được giải quyết”, ông Lâm nói.

MỚI - NÓNG