Cty Thoát Nước lý giải đường ngập, máy bơm tê liệt

Trạm bơm Đồng Bông một trong các trạm bơm không có điện hoạt động sáng nay. Ảnh: Anh Trọng
Trạm bơm Đồng Bông một trong các trạm bơm không có điện hoạt động sáng nay. Ảnh: Anh Trọng
TPO - Trước việc nhiều tuyến đường bị ngập sáng 28/7, trong khi đó nhiều trạm bơm tiêu thoát nước cho thành phố Hà Nội lại bị “tê liệt”, Cty Thoát Nước Hà Nội vừa có báo cáo nhanh gửi lãnh đạo thành phố và một số cơ quan báo chí lý giải việc này.

Như Tiền Phong đã phản ánh, do ảnh hưởng của bão số 1, từ đêm qua đến sáng nay, trên địa bàn Hà Nội xảy ra mưa và lốc lớn. Cùng với đường bị ngập, nhiều người đến công sở vào giờ cao điểm sáng nay đã bị gió lốc xô ngã ra đường. 

Cũng vào thời điểm trên, nhiều người dân phát hiện, trong khi đường bị ngập, sông hồ đầy nước nhưng các trạm bơm tiêu úng cho Hà Nội lại nằm bất động. Ví như, trạm bơm đập Thanh Liệt - tiêu thoát nước cho khu vực Hoàng Mai, Thanh Trì; trạm bơm Thiền Quang - tiêu thoát nước cho khu vực Hai Bà Trưng; trạm bơm hồ Ba Mẫu - tiêu thoát nước cho khu vực Trung Tự; trạm bơm Giảng Võ – tiêu thoát nước cho khu vực Ba Đình… trong sáng 28/7 có nhiều giờ không hoạt động.

Chiều nay, Cty Thoát Nước Hà Nội đã có báo cáo nhanh gửi lãnh đạo thành phố và một số cơ quan báo chí. Theo lãnh đạo Cty Thoát nước Hà Nội, từ 22h ngày 27/7 đến sáng qua, địa bàn Hà Nội mưa liên tục kéo dài. Tổng lượng mưa đo được tại các trạm của Công ty gồm: Hoàng Mai 102,6mm; Yên Sở 89mm; Vân Hồ 67,6mm; Cầu Giấy 61,2mm; Mễ Trì 82,5mm; Ngã Tư Sở 74,5mm; Xuân Đỉnh 62,4mm; Hồ Tây 30,5mm; Lương Định Của 60,4mm; Trúc Bạch 66mm; Nam Từ Liêm 67,6mm; Thanh Liệt 66,5mm; Hoàng Quốc Việt 52,4mm và các nơi khác xấp xỉ 200mm.

Theo Cty Thoát nước Hà Nội cho biết thêm, do lượng mưa lớn diễn ra liên tục, cùng với ảnh hưởng của các công trình hạ tầng kỹ thuật đang thi công như mương Vĩnh Tuy, mương Thụy Khuê, mương Nghĩa Đô, mương Tây Sơn, mương Trắng Chẹm, mương Y Khoa, mương Phương Mai, (mương N1, mương N2 lưu vực Ba Xã)… nên tại thời điểm 6h ngày 28/7 đã xảy ra úng ngập tại một số tuyến đường. 

Trong đó có đường Phạm Văn Đồng (trước Công ty Cầu 7, ngã Xuân Đỉnh – Tân Xuân), Mạc Thị Bưởi, Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy), Hoàng Mai, Nguyễn Chính, Thanh Đàm, Trường Chinh (từ Viện Y học Hàng không đến Tôn Thất Tùng), Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng, Cự Lộc… với mức độ từ 0,2m đến 0,3m. “Ngay từ sáng sớm ngày 28/7, Công ty đã huy động 100% cán bộ, công nhân viên triển khai ứng trực tại hiện trường, thực hiện công tác tua vớt rác tại miệng thu hàm ếch, khơi thông dòng chảy. Đến thời điểm 11h ngày 28/7, chỉ còn đường Phạm Văn Đồng, đoạn tại ngã ba Xuân Đỉnh - Tân Xuân, phố Nguyễn Chính bị ngập nhẹ và dự kiến đến 11h30 phút sẽ rút hết”, ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó tổng giám đốc Cty Thoát Nước Hà Nội thông báo.

Điện không đảm bảo để trạm bơm hoạt động

Về việc các trạm bơm không thể hoạt động tronng nhiều giờ, lãnh đạo Cty Thoát Nước Hà Nội cho rằng, lý do chính là sáng qua tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố bị mất điện, dẫn đến các máy bơm không thể hoạt động như thông thương. 

Cụ thể, từ sáng ngày 28/7, đập Thanh Liệt mất điện lúc 5h58; trạm bơm Đồng Bông I mất lúc 7h30; trạm bơm Trần Phú mất lúc 5h20; trạm bơm Thiền Quang lúc mất 7h115; trạm bơm Hầm chui Kim Liên mất lúc 5h40; trạm bơm Giảng Võ lúc mất lúc 5h00; trạm bơm Ba Mẫu mất lúc 5h30; trạm bơm Đồng Bông II mất lúc 5h15; trạm bơm Hầm chui đường sắt, trạm bơm Hầm chui Tây Nam mất lúc 2h45; trạm bơm Cầu Bươu mất lúc 2h; trạm bơm Kim Liên mất lúc 7h05. “Sau đó, để mực nước không dâng cao, Công ty đã phải cho vận hành hệ thống máy phát điện dự phòng tại các trạm bơm để kịp thời tiêu thoát nước cho khu vực”, ông Sương nhấn mạnh.

Lý giải vì sao sáng 28/7, nhiều khu vực trong đó có trạm bơm tiêu úng nước bị mất điện, chiều nay đại diện Cty Điện lực Hà Nội cho biết, nguyên nhân là do mưa và gió lớn đã làm cho nhiều hệ thống đường dây bị đứt hoặc chập, dẫn đến mất điện cục bộ. Theo Cty Điện lực Hà Nội, đến trưa 28/7, việc khắc phục các sự cố trên đã cơ bản và đã đóng điện cho toàn bộ khu vực trong nội thành.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.