Cụ bà nhiều lần cứu người khỏi rắn độc ở miền Tây

Bà Chanh đã cứu nhiều người bị rắn độc cần.
Bà Chanh đã cứu nhiều người bị rắn độc cần.
Gần 30 năm hành nghề, bà Nguyễn Thị Chanh (70 tuổi, thường gọi là Sáu Mía, ở Cần Thơ) đã cứu sống hàng chục người bị rắn độc cắn. Nhiều người mang tiền hậu tạ nhưng bà không lấy.

Căn nhà bà Chanh nằm lọt thỏm giữa cánh đồng lúa xanh ở khu vực Thới Bình (phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ). Ngoài 70 tuổi, nhưng bà vẫn còn rất minh mẫn. Bà là đời thứ 5 trong dòng họ có bí kiếp chữa các loài rắn độc cắn.

Mỗi lần cứu người, bà đều khấn vái cầu xin tổ nghiệp. Từ năm lên 8 tuổi, bà Chanh đã theo ngoại là bà Nguyễn Thị Mót (mẹ Việt Nam Anh Hùng) đi hái thuốc. Lúc còn sống, bà Mót cũng hành nghề trị rắn cắn cứu người.

Năm 42 tuổi, bà Chanh bắt đầu công việc cứu người khỏi các loài xà độc. Ban đầu, do cây thuốc phải đi hái xa, mất thời gian, trong khi người bị rắn cắn cần chữa trị kịp thời nên bà cùng chồng dành khoảng trống trước nhà trồng nhiều cây thuốc như é tía, đỗ trọng, chó đẻ, cỏ ống,...

"Đầu tiên, khi nạn nhân đến đây, tôi phải xem vết cắn xác định loại rắn để có liều thuốc phù hợp. Chẳng hạn, vết cắn rắn lục thì 2 dấu răng hơi thưa, hổ lát thì dấu răng khít, rắn chàm quạp thì có đến 7 - 8 dấu răng…", bà Chanh cho biết.

Bà dùng các loại cây thuốc có sẵn trong vườn giã nhuyễn vắt lấy nửa cốc uống trà cho nạn nhân dùng. Sau đó kết hợp dầu xoa bóp, sau 1 - 2 giờ nạn nhân khỏe mới cho về. Đối với những người bị rắn hổ mang, chàm quạp cắn thì liều lượng thuốc dùng nhiều hơn.

Có khi một ngày, bà Chanh "cấp cứu" 3 - 4 người bị rắn cắn nhưng bà không than phiền. Người dân ở khu vực Thới An đều nhớ rõ câu chuyện bà Chanh giành lại mạng sống cho thanh niên 22 tuổi ở nông trường Sông Hậu. Trong lúc làm việc, thanh niên này vô tình cạ tay vào răng con rắn hổ mang chúa đã chết, nọc độc chạy vào người.

"Khi thanh niên đó đến đây cũng đã xế chiều, miệng anh ta cứng đơ. Sau đó, vợ tôi ra trước nhà hái thuốc đem vào giã nhuyễn lấy nước cho uống", ông Nguyễn Văn Long (chồng bà Chanh) kể. Tuy nhiên, nạn nhân vẫn không uống được thuốc. Hết cách, bà Chanh dùng ống truyền nước biển để thuốc đi vào cơ thể người này. "Đợi vài giờ sau, anh ta khỏe lại, tôi nấu cháo cho ăn, gia đình họ mừng lắm", bà Chanh nói.

Một lần khác, bà Châu Thị Định (81 tuổi), gần nhà bà Chanh, trong lúc làm việc thì bị rắn hổ tre cắn. Bà Định vừa đến trước cửa nhà bà Chanh thì ngất xỉu, nhưng được hàng xóm chữa khỏi. Bà Định cho hay: "Từ trước tới giờ, tôi bị rắn cắn 6 lần, cứ tưởng chết rồi nhưng đều được bà Chanh cứu sống. Tôi có đưa tiền để cảm ơn nhưng bà ấy không lấy".

Tính đến nay, gần 30 năm hành nghề, bà Chanh cứu sống tất cả trường hợp bị cắn rắn khi đem đến nhà. Dần dần, tiếng tăm vang xa, nhiều người bị rắn cắn ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp… cũng tìm đến.

Chừng ấy năm, bà chưa lấy ai một đồng nào dù những người mang ơn thường mang tiền đến hậu tạ. Với tài trị rắn và nghĩa cử cao đẹp ấy, bà Chanh được mọi người yêu quý và kính trọng. "Bà ngoại tôi có bảo tuyệt đối không nhận tiền của người được chữa trị. Mình làm việc này là để cứu người, làm việc thiện thì tổ tiên, trời Phật phù hộ", bà Chanh nói.

Ông Long cho biết rất nhiều người sau khi được cứu sống, mang 2 - 3 triệu đến trả ơn nhưng gia đình không lấy. "Tôi chỉ hy vọng những người bị rắn cắn đến đây được cứu sống vì sinh mạng con người rất quan trọng. Tôi cũng truyền nghề này lại cho con gái để nó nối nghiệp, làm việc thiện cho đời".

Vợ chồng bà Chanh có 8 người con đã an cư, lạc nghiệp. Có người làm giáo viên, có người làm ruộng, vườn và cuộc sống đều dư giả.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG