Cử tri e ngại vay tiền Trung Quốc

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh HL.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh HL.
TPO - Khi nhận viện trợ hay vay vốn ODA của Trung Quốc cho dù rẻ thì sau này có kiện để đòi lãnh thổ được không?

Trong phiên chất vấn sáng 17/11, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết có một số câu hỏi đã gửi bằng văn bản cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng song ông vẫn muốn chất vấn trực tiếp một câu hỏi. Đó là vấn đề nền kinh tế Việt Nam đang có xu hướng phụ thuộc ngày càng sâu vào Trung Quốc trên hầu hết lĩnh vực, mà theo đại biểu điều này đang đe dọa chủ quyền và kinh tế đất nước.

ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu: "Cử tri đề nghị không vay tiền và không nhận viện trợ từ Trung Quốc, ít nhất là trong thời điểm này bởi vì Trung Quốc đang tranh chấp, thậm chí là chiếm lãnh thổ của Việt Nam và đe dọa tiếp tục chiếm nhiều hơn".

Đại biểu Nghĩa chất vấn: Khi nhận viện trợ hay vay vốn ODA của Trung Quốc cho dù rẻ thì sau này có kiện để đòi lãnh thổ được không?. Ông khẳng định: "Nếu trưng cầu ý dân thì tôi tin đa số nhân dân sẽ không đồng ý nhận viện trợ hay vay tiền từ Trung Quốc vì còn nhiều nguồn khác để vay”.

Cũng liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) gửi câu hỏi chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước việc Trung Quốc bồi đắp và xâm lấn nghiêm trọng hơn trên biển Đông, Chính phủ sẽ có chủ trương, giải pháp nào? Đại biểu đồng thời đề nghị Thủ tướng cho biết việc thực hiện nghị quyết Quốc hội đối với ngư dân, cảnh sát biển và kiểm ngư.

Trước đó cũng tại phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cũng bày tỏ quan ngại trước vấn đề chủ quyền biển đảo, vì cho rằng việc bảo vệ chủ quyền biển đảo cho đến nay vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời trọn vẹn.

Các câu hỏi chất vấn Thủ tướng, dự kiến sẽ được người đứng đầu Chính phủ trả lời trong phiên họp toàn thể sáng mai, 18/11.

Trước đó, Báo cáo Quốc hội, Ủy ban Dân nguyện cũng cho biết, cử tri phản ánh diễn biến tại Biển Đông rất phức tạp. Cử tri bức xúc trước những vi phạm của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là hành động bồi lấp phi pháp đảo nhân tạo tại một số điểm thuộc quần đảo Trường sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Đặc biệt cử tri của 28 tỉnh thành còn đề nghị Bộ Ngoại giao có các giải pháp đấu tranh khả thi, quyết liệt hơn, rõ ràng hơn để giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, dư luận quốc tế trong việc đối phó với các hành động nêu trên của Trung Quốc. Đồng thời cần sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế.

MỚI - NÓNG