Cúng cát quay về Cửa Đại

Cúng biển nơi Cửa Đại. Ảnh: N.Linh.
Cúng biển nơi Cửa Đại. Ảnh: N.Linh.
TP - Ngó cung cách ông Sự, ông Thanh kính cẩn thắp lên những nén tâm hương cắm lên bờ cát mới mịn ướt còn chưa để lại dấu chân, nhớ tới hình ảnh những dân ngư đang tạ ơn trời biển. “Hằng hà sa số” người đời vẫn ví, là đây. Là số lượng các hạt cát không thể đong đếm. Nhưng dẫu vậy, tôi nghĩ mỗi hạt cát không hề vô danh, mà đều mang trong mình một phận số của “Đi” và “Ở”. Tùy thuộc ứng xử của con người.

Cuối năm 2014 cũng trên trang báo này, tôi viết ký sự “Cứu Cửa Đại”. Tả cảnh sáng sớm trên bãi biển Cửa Đại (Hội An) những chiếc xe cẩu hiệu Kato cũ kỹ ghì mình đứng choãi dưới mép biển mờ mịt cuộn sóng nhiều cú tung bọt trắng xóa che mất cả cabin. Để hối hả đóng lút xuống biển những lá thép dài tới 10 mét ken dài với nhau tạo thành bức tường ngăn biển khỏi nuốt mất bờ cát nay chỉ còn cụt ngủn. Rồi những chiếc xe xúc hối hả đóng cát vào những chiếc bao vải địa kỹ thuật vừa nhập khẩn cấp về từ Hà Lan. Mỗi bao chứa tới vài khối cát. Xếp lớp lên nhau tạo thành một loại gọi là “kè mềm”. Dùng cát để giữ cát… 

Bờ “công sự” giữ cát ấy giờ vẫn còn đó với những bao tải cát xếp lớp khổng lồ như lưng những chú cá voi. Chỉ có điều nay rêu đã phủ xanh rì, khiến chiến trường tàn phá của biển cả bỗng chốc nên thơ. Và bất chợt nhận ra bãi biển đã kéo ra xa hẳn ngoài mép nước, thoai thoải mịn màng, chứ không cụt ngủn lở lói hàm ếch cao lút đầu người như
dạo nọ. 

Lúc này mới 5h30 sáng. Bóng những đàn ông cởi trần xoa xuýt làm ấm người chốc lát rồi ào xuống lặn ngụp đùa giỡn với những con sóng. Trên bãi biển, từng dãy ghế gỗ ghế bạt đủ màu sắc của các nhà hàng gần đó cũng bắt đầu “dàn trận”, hình ảnh dường như không còn thấy kể từ dạo biển lở. 

Một người đàn ông dáng chắc nịch với mấy nén hương ngút khói trên tay bước dọc bờ cát rồi cúi đầu trước biển thì thầm khấn gì đó. Anh là Lê Văn Tuấn - Đội trưởng Đội quản lý bãi tắm Cửa Đại thuộc UBND phường Cửa Đại. Cặm hương lên bờ cát xong, anh cùng đồng nghiệp Trương Minh Thọ lui cui mở bạt hai chiếc xuồng máy cứu hộ đang nằm gác trên những chiếc bao địa kỹ thuật tròn căng. Anh Tuấn bảo, bãi tắm bắt đầu bồi cát trở lại từ hơn 1 tháng nay, kể từ sau Tết. Ai cũng mừng. Người dân và du khách lục tục quay trở lại bãi biển đẹp và hiền lành nhất nhì miền Trung này. Đội anh bắt đầu nhiều việc hơn. Buổi sáng tắm biển đa phần là những người có tuổi tập dưỡng sinh. Buổi trưa chủ yếu khách Tây phơi nắng. Cuối tuần càng nhộn nhịp…  

Kỳ thực tôi chạy vào Hội An giữa lúc trời đất sớm bửng tưng thế này là sau cú điện của ông Nguyễn Sự vào tối hôm trước. Báo rằng Cửa Đại đang bồi trở lại rồi. Sớm nay dân sẽ cúng mừng. Sực nhớ hôm nay 16/2 âm lịch, cũng là ngày tổ chức lễ hội cầu ngư hàng năm của ngư dân Cửa Đại.

Năm ấy khi bãi Cửa Đại đang bị biển nuốt chửng hết đường lui, công cuộc cứu bãi biển đang đến hồi cam go, thậm chí bối rối, tuyệt vọng, suốt 3 ngày đêm chính tại nơi này người dân dựng đàn cúng cầu an, cầu xin cát quay trở về bờ bãi.  

Lễ cúng năm nay tổ chức tại lăng Tiêu Diện sát mũi Cửa Đại. Đây còn gọi là “Tứ chính vạn lăng”. Hồi trước, sau khi lăng Ông ở bãi Lở sát biển bị sóng đánh trôi mất, đã được dời về thờ cúng chung ở đây.

Đến nơi, đã thấy ông Sự cùng Phó chủ tịch tỉnh Lê Trí Thanh đang đứng nói chuyện về chuyện “cát bồi cát lở” với dân. Ông Thanh là con trai của cựu chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Tập. Ông Tập, kỹ sư thủy lợi, được coi là “người hùng” trong vụ cứu đập Phú Ninh cùng sinh mạng hàng vạn dân dưới đập cuối năm 1999. Nghe kể rằng, trận lũ lịch sử năm ấy, giữa quay cuồng mưa gió, bão lũ, đại công trình thủy lợi Phú Ninh nước ào ạt dâng lên, hơn 300 triệu khối đã dập dềnh vượt mặt đê bao, sắp bục vỡ. Giữa thế hiểm nghèo, ông Tập bằng căn cứ khoa học cùng kinh nghiệm thực tiễn đã quyết định không cho phá đập phụ theo yêu cầu của cấp trên, mà trực tiếp chỉ huy toàn lực ngay trong đêm đôn mặt đập cao thêm 30cm. Thật tài tình, cánh tay cuồng nộ của “Thủy Tinh” đã phải dừng lại rồi buông xuôi đúng vào những xăng-ti-mét cuối cùng ấy. Cả tỉnh thoát hiểm trong gang tấc không một thiệt hại nào. 

  *  *  *

Có gì đó như là quy luật. Lục lại ảnh cũ, thấy từ năm 1964 phố cổ Hội An đã lóp ngóp trong lụt. Dưới góc máy kỳ cựu phố Hội, nhiếp ảnh gia  Vĩnh Tân, từng đoàn thuyền lá chèo chống bơi lội trên đường phố cổ. Những bức ảnh trắng đen gợi ký ức đến nao lòng. Chỉ khác chút là không phải áo mưa tiện lợi, mà những chiếc áo tơi chằm bằng lá dừa nước ven sông ven ruộng bao quanh phố Hội kia. Có hẳn một rừng dừa nước bát ngát ở Cẩm Thanh, nơi chôn nhau cắt rốn ông cựu Bí thư Hội An Nguyễn Sự. Nhà ông Sự giờ vẫn ở đấy, ngôi nhà “ông truyền cháu nối” cũng mới hơn chục năm trước thôi còn lợp lá dừa nước. Ông Sự bảo ở nhà ông còn đang giữ cái áo tơi chằm từ lá dừa nước của mẹ. Chiếc áo che mưa che nắng cho người mẹ nghèo suốt đời không có ruộng phải làm thuê, rồi nhủi tôm mò cá nuôi nấng đàn con…. Rừng dừa nay đã bị chặt hạ đáng kể để nhường chỗ cho cầu, cho đường và những khu du lịch.

Đó là quy luật con người kính trọng thiên nhiên. Tôi nghĩ, người buôn kẻ bán nơi phố cổ sầm uất nay phải cám ơn người nông phu vùng ven. Với những cánh đồng, ruộng rau, rặng dừa, hói nước nguyên sơ. Mà chắc thu hoạch hàng năm cũng chẳng cho gì nhiều. Nhưng đó là nơi chốn để du khách đến đây sau nửa ngày ngồi tàu bay được thoả thích rửa mắt, hít căng lồng ngực. Chứ chưa hẳn họ đến đây chỉ vì phố cổ nhà cổ đâu. Mà có lẽ bởi đan dệt ôm ấp phố cổ chính là những ruộng đồng, bờ nước, rừng dừa… còn đang nguyên sơ, quyến rũ.

Tôi hôm nọ có nói với ông Sự như vậy. Hôm ấy tôi được nghe ông kể chuyện này mà chưa có dịp viết ra. Đó là chuyện ông tha thiết “van nài” bà con nông dân ngoài đảo Cù Lao Chàm đừng bán ruộng. Với quyền hành của mình thời đương chức, ông cũng không cho phép làm chuyện này. Bởi tưởng tượng Cù Lao Chàm nếu “thả cửa”, thì chỉ ngày mai thôi đã chi chít xanh đỏ nhà cửa, đền lầu tân thời. Kín bưng tầm mắt là những bê tông mái ngói, cửa hàng cửa hiệu.

Cúng cát quay về Cửa Đại ảnh 1

Ông Nguyễn Sự thắp nén tâm hương nơi bãi biển mới được bồi đắp trở lại.

… Dâng hương tại lăng Tiêu Diện xong, ông Sự kéo tôi đi theo con đường nhỏ phủ dương liễu ra biển. Mặt trời bắt đầu lên. Bức tường sắt dài ngăn cát trôi dạo nào ngâm trong muối mặn nay đã nhuốm màu gỉ sét. Nhưng điều mong ước đã hiện ra. Cát đã bồi thành một bãi dài bên này bức tường. Bên kia tường sóng vẫn dập dềnh. “Bờ đã liền rồi”, ông Sự nói. Ngó cung cách ông Sự, ông Thanh kính cẩn thắp lên những nén tâm hương cắm lên bờ cát mới mịn ướt còn chưa để lại dấu chân, nhớ tới hình ảnh những dân ngư đang tạ ơn trời biển. “Hằng hà sa số” người đời vẫn ví, là đây. Là số lượng các hạt cát không thể đong đếm. Phật dạy, những thời gian trôi qua đời sống muôn loài còn nhiều hơn những hạt cát trôi từ ngọn nguồn đến cửa sông Hằng. Nhưng dẫu vậy, tôi nghĩ mỗi hạt cát không hề vô danh, mà đều mang trong mình một phận số của “Đi” và “Ở”. Tùy thuộc ứng xử của con người.

Đoàn rước lễ nghinh thần trên bờ và dưới nước rộn ràng cờ xí, trống chiêng sau khi tạ lễ bốn phương hướng trở về lăng làm lễ cúng. Tôi để ý đầu bài tế, phần giới thiệu thổ ngơi, bản quán sau mấy chữ “Việt Nam quốc”, còn thêm mấy từ “Hải khẩu xứ”. Xứ cửa biển là đây. Từ bao đời đã mênh mông rộng dài hơn hết trong tâm thức mỗi vạn chài, vạn câu, mỗi đời ngư phủ. Khi nãy tôi theo đoàn rước nghinh thần về lăng Ông Lãnh. Lăng đơn sơ trong con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo ở tổ 2 Phước Thịnh, phường Cửa Đại giữa khu dân cư đông đúc xưa vốn là làng chài, lưng dựa sông, mặt hướng ra biển. Ông Lãnh tên là Nguyễn Đắc Lớ, người làng đây, làm Chánh quản Lãnh binh cai quản 9 cửa biển, gồm cả Lăng Cô (Huế), Chu Lai (Quảng Nam). Ông đã nằm lại giữa biển khơi, được dân vạn câu lập đền phong Thần. Ông Nguyễn Đắc Đống - tộc trưởng tộc Nguyễn Đắc cho hay bữa nay dòng họ Nguyễn Đắc tề tựu cúng chạp mả tổ tiên. Trong lăng thấy đặt một con thuyền buồm nhỏ theo kiểu xưa. Như một biểu tượng, dáng hình đọng lại của bậc tiền hiền đã sống vì biển, chết cũng vì biển. 

Cụ Lê Nhân 87 tuổi làm chánh chủ lễ ở lăng Tiêu Diện từ nhiều năm nay. Cụ bảo đã hai đợt dân làng làm lễ cúng cầu xin bãi biển bồi trở lại. Và cầu cho cửa ra thuyền bè của ngư dân không bị bồi lấp, thuận đường đi lại. Sau lần cúng hồi cuối tháng 10/2014, lần tiếp theo mới đây vào mùng 2 tháng Chạp, hơn hai tháng trước. Làng sẽ cúng nghinh thần hậu tạ, nhưng cũng để đợi thêm ít bữa nữa cho việc cát trở về được hoàn toàn hơn.

Cửa Đại, 3/2017

Tôi quay lại bãi tắm Cửa Đại. Anh Huỳnh Den bán giải khát bên hàng dừa còn sót lại. Cái xe đẩy, mấy chiếc ghế, bàn nhựa, buồng dừa non, két nước…, đủ mưu sinh suốt mấy mươi năm nơi này. Anh bảo, từ khi biển lở, khách vắng đến ngơ ngác. Hai năm rồi. Thất thu nặng. Nay có vẻ đã hồi sinh cùng bờ cát mịn đang lấn ra xa dần. “Cũng đỡ lại rồi, nhưng chắc không thể trở lại được như xưa. Bãi ngày trước ra xa tới mấy trăm mét chứ ít ỏi chi…”, anh Den bần thần. 

Lúc này mới để ý hai chiếc tàu hút cát đang cần mẫn làm việc, hút chỗ này đổ chỗ kia suốt ngày như con thoi. Trông thật nhỏ nhoi giữa biển sóng ầm ào... 

MỚI - NÓNG