Cúng lúa mới cùng tiếng Pí lè

Dâng cúng tổ tiên bát cơm lúa mới. Ảnh: Duy Chiến.
Dâng cúng tổ tiên bát cơm lúa mới. Ảnh: Duy Chiến.
TP - Người Dao trên đỉnh núi cao Công Sơn (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) thường ăn tết sớm. Một trong những nghi lễ trong dịp này là tục cúng lúa mới, tạ ơn trời đất, dâng tổ tiên sản vật tươi tốt. Gia chủ tổ chức giao lưu, ăn uống; tiếng kèn Pí lè được dịp gọi mời, đắm say chếnh choáng hồn người.

Lão nghệ nhân Triệu Sáng Vảng tuổi gần bảy mươi vui vẻ ra tận đầu ngõ, nơi có những đóa hoa cúc quỳ đang nở rộ, đón khách. Để đến nhà ông Vảng ở thôn Cốc Tranh, xã Công Sơn, chúng tôi phải vượt qua nhiều con suối, con đồi, quả núi ngoằn ngoèo chạy dọc theo biên giới Việt- Trung.

Giọng trầm ấm, ông Vảng chào khách bằng tràng thổ ngữ rất rộn rã rồi cầm tay từng người mời vào căn nhà nghi ngút hương khói. Rồi ông thay y phục truyền thống của người Dao, xin phép mọi người cho hành lễ “Cúng lúa mới” (Síp siằng mấy).

Đàn trời thiêng

Nơi trang trọng, bài trí công phu nhất là bàn thờ tổ tiên. Những hoa văn họa tiết bằng giấy đỏ được dán xung quanh, nhiều lang lớp, nom như “Đàn trời”. Ông Vảng trân trọng đón lấy con gà sống thiến béo ngậy vừa luộc, phả hơi nóng cùng tập giấy bản từ tay con cháu đặt vào vị trí chính giữa bàn thờ.

Lão nghệ nhân tiến đến khu để lương thực, vớ lấy chùm thóc chi chít hạt mẩy, nhanh tay cắm vào bức liếp xung quanh gian thờ tổ; sau đó lấy bát cơm trắng phau, nóng hổi cùng 5 chén rượu men lá Mẫu Sơn đặt trước di ảnh cha ông, cất tiếng khấn.

Lễ cúng chừng 3 tiếng đồng hồ thì kết thúc. Ông Triệu Sáng Vảng hồ hởi nói với con cháu và khách phương xa: “Bủa ông dẳn rất phấn khởi” (ông cụ về rất phấn khởi). Ông vui vì năm nay gia đình được mùa, cuộc sống may mắn. Nào, chúng ta cùng uống rượu chúc mừng.

Ông Vảng ra lệnh cho đám thanh niên trai tráng mang gà đi chặt, sắp mâm đãi khách. Về phong tục cúng lúa mới, ông giải thích: Vào lúc bông lúa bắt đầu mẩy hạt hoặc lúa bắt đầu chín, người Dao Công Sơn lựa những hạt gạo to, tròn nấu cơm; nếu như lúa chưa chín thì hái bông lúa, hấp lên cơm gạo cũ để lấy hương thơm. Cơm chín, đến giờ đẹp thì xới lên bát đặt cùng các món thịt, rau, rượu lên bàn thờ.

Ông Vảng bảo, nếu chủ nhà không biết cúng thì mời thầy Mo, thầy Tào về giúp. Nội dung bài cúng kể công ơn tổ tiên cùng các thánh thần đã phù hộ cho mùa màng bội thu và cầu mong tiếp tục giúp đỡ cho gia đình làm ăn gặp nhiều may mắn trong năm mới.

Cúng lúa mới cùng tiếng Pí lè ảnh 1

Ông Triệu Sáng Vảng thổi kèn Pí lè mừng mùa màng bội thu.

Hồn đá

Món thịt lợn quay nhồi lá mác mật thơm lừng, gà sáu cựa là những đặc sản vùng cao không thể thiếu trong những lần tổ chức lễ trọng như thế này. Ông Triệu Sáng Vảng tỏ vẻ phấn khích khi được đón tiếp những vị khách người Kinh dưới phố lên chơi trong dịp đón chào năm mới. Ông cầm chén rượu đầy ngọn, đi đến từng người mời “Hấp piu” (uống rượu- câu nói quen thuộc của người Dao- PV). Chưa hết, ông lấy chiếc kèn Pí lè được cất giữ cẩn thận trong chiếc tủ lớn ra và nói: “Đây là tiếng kèn tâm tình của người dân Công Sơn. Cũng chính vì nó mà những cây xanh cho hoa, quả; những trái núi thâm u cho những bản tình ca kỳ diệu”.

Chiếc kèn Pí lè có thể thổi 72 giai điệu khác nhau. Trong cuộc sống đời thường của người Dao, kèn có vai trò hết sức quan trọng và nó luôn có mặt trong lễ cưới, lễ cấp sắc, lễ cầu may, gọi mùa.

Bí thư Đảng ủy xã Công Sơn, ông Triệu Sáng Suẩn tiết lộ với tôi: “Trong vùng có khoảng 10 người biết thổi kèn Pí lè, nhưng Triệu Sáng Vảng thổi có hồn, hay hơn cả. Chính vì điều này, gần nửa thế kỷ về trước, Vảng đã lấy được một cô sơn nữ xinh đẹp trong lễ hội Lồng tồng ngày xuân”.

Ông Sảng say mê với điệu Pí lè đón khách. Tiếng kèn vọng vào vách núi lan tỏa. Không gian tĩnh lặng và có tiếng chim hót bên đầu hồi. Mọi người chăm chú lắng nghe và khi bản nhạc kết thúc, ai nấy đều muốn được uống rượu chúc mừng.

Tôi xin phép được cầm cây kèn và ngắm nghía. Chiếc kèn thật mộc mạc nhưng dáng hình rất đẹp. Ông Vảng đến bên cạnh và giảng giải: “Người thổi kèn Pí lè hay là phải biết cách lấy hơi, giữ hơi, đổi hơi thì thanh âm phát ra mới du dương, trầm bổng. Đổi hơi là một kỹ thuật rất khó, phải qua khổ luyện công phu và chỉ có những ai thực sự tâm huyết, đam mê mới thực hiện được”.

Theo ông Vảng, chiếc kèn Pí lè có thể thổi 72 giai điệu khác nhau. Trong cuộc sống đời thường của người Dao, kèn có vai trò hết sức quan trọng và nó luôn có mặt trong lễ cưới, lễ cấp sắc, lễ cầu may, gọi mùa. Với vai trò là “vật thiêng” xua đi sự xui xẻo, cản trở, mang lại sự may mắn, bình an và thể hiện sự uy nghi, hoành tráng trong ngày lễ năm mới nên tiếng Pí lè không thể thiếu, nó tạo cho mọi người xích lại gần nhau hơn,  nhắn nhủ tha thiết…

Cúng lúa mới cùng tiếng Pí lè ảnh 2

Đến đâu, kèn Pí lè cũng dìu dặt, thu hút lũ trẻ. Ảnh: Duy Chiến.

Truyền lửa cho thế hệ sau

Ông Triệu Sáng Suẩn, Bí thư Đảng ủy xã Công Sơn cho biết: Ông Vảng là một nhà giáo lâu năm, đã từng 23 năm là Hiệu trưởng trường Tiểu học - THCS xã Công Sơn. Là người có uy tín, ông Vảng thường vận động mọi người làm ăn, canh tác nông nghiệp theo khoa học kỹ thuật, tiên tiến nhưng luôn luôn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.       

Ông Triệu Sáng Vảng cười, bảo: “Giờ về hưu tôi lại muốn mang tiếng kèn này truyền lại cho các cháu, hy vọng bọn chúng tiếp tục lưu giữ cái hồn của núi rừng”. Tuy vậy, thoáng thấy mắt ông đượm buồn vì hiện nay trên vùng núi Công Sơn này còn rất ít người biết thổi kèn Pí lè.

Tiếng hát, tiếng kèn Pí lè dập dìu trên biển lúa đầu xuân trên đỉnh Công Sơn (Núi cha), lan sang bên Mẫu Sơn (Núi mẹ). Chập tối, chúng tôi đi theo chân của cô Bí thư đoàn xã Công Sơn tuổi ngoài đôi mươi xinh đẹp để đến một ngôi nhà khác mé bên phải đồi thuộc thôn Nhọn Nặm. Theo phong tục, người Dao đón xuân mới luân phiên, đi từ nhà này đến nhà nọ.

Đi trước là nghệ nhân Triệu Sáng Sảng với tiếng Pí lè gọi bạn, đằng sau là lũ thanh niên trai tráng. Họ đã hẹn ước với nhau, mỗi làng nghỉ lại vài ba hôm. Ông Sảng nói vui với tôi: “Bây giờ các làng quan tâm nhất là tập hợp được nhiều cô gái, nhất là cô gái hát hay, biết biến tấu nhanh nhẹn để chọi đám trai tráng của chúng ta”.

Bước chân rầm rập trên non cao. Đến đầu làng, một thanh niên xin ông Vảng thổi một điệu Pí lè dìu dặt. Trong xóm có tiếng Pí lè đối lại và xuất hiện nhiều ánh đèn pin lung linh, mời gọi.

Tôi chếnh choáng đi theo đoàn người đi mừng xuân mới. Mùi hương lúa mới vẫn đi theo bước chân chúng tôi trên những thửa ruộng bậc thang trải dài. Có thể, năm nay tôi sẽ ở trên đỉnh Công Sơn qua Tết Nguyên đán...

Xứ Lạng, cận xuân Ất Mùi

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.