Cuộc chiến “diệt hổ, săn cáo, đập ruồi” đã đến hồi kết?

Lý Đông Sinh
Lý Đông Sinh
TP - Việc hội nghị lần thứ 4 Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc khóa 18 kết thúc với việc công bố khai trừ khỏi đảng 6 ủy viên trung ương, nhưng không có cựu Ủy viên thường vụ BCT Chu Vĩnh Khang khiến dư luận khá ngạc nhiên. 

Ngày 23/10 vừa qua, Hội nghị lần thứ 4 Trung ương ĐCS Trung Quốc khóa 18 đã kết thúc sau 4 ngày họp với việc công bố Thông cáo đề ra 6 nhiệm vụ “y pháp trị quốc”, bầu bổ sung 3 ủy viên trung ương (UVTW) dự khuyết, khai trừ khỏi đảng 6 UVTW (3 UV chính thức, 3 dự khuyết), nhưng điều gây chú ý nhất cho dư luận là việc không hề nhắc gì đến cựu Ủy viên thường vụ BCT Chu Vĩnh Khang, khác với những tin đồn trước đó rằng Hội nghị này sẽ quyết định vấn đề sinh mạng chính trị của Chu. 

Việc chỉ mới chưa hết nửa nhiệm kỳ Đại hội 18 đã có tới 6 ủy viên trung ương và ủy viên dự khuyết bị khai trừ đảng tịch là điều chưa từng có ở Trung Quốc. Theo thống kê của tờ “Tân Kinh báo”, trong cả 4 nhiệm kỳ từ Đại hội 14 đến Đại hội 17 chỉ có tổng cộng 13 ủy viên trung ương và dự khuyết bị kỷ luật, trong đó 11 bị khai trừ, 2 bị lưu đảng.

Đó là chưa kể, vẫn còn 2 ủy viên trung ương dự khuyết khác đã bị “song quy” để điều tra nhưng chưa bị kỷ luật đảng trong hội nghị TW4 là Trần Xuyên Bình, Bí thư thành ủy Thái Nguyên và Phan Dật Dương, Phó Chủ tịch Khu tự trị Nội Mông. 

Theo giải thích của một quan chức Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương thì “do công tác điều tra vấn đề của 2 người này chưa kết thúc, chưa quyết định được việc xử lý kỷ luật đảng đối với họ nên chưa đưa tên họ vào nghị trình hội nghị lần này”…

Những “cái chết” được biết trước 

Trong số 6 người bị khai trừ đảng tịch, 5 người đã bị “song quy” (tạm giam để điều tra) và cách chức từ trước, những tội lỗi đều đã được báo chí đề cập đến, hầu hết đều dính líu đến Chu Vĩnh Khang.

Tưởng Khiết Mẫn, sinh 1955, Ủy viên TW, nguyên Bí thư tỉnh ủy Thanh Hải, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban quản lý giám sát tài sản quốc gia, thành viên “Bang dầu khí” của Chu Vĩnh Khang, bị “song quy” từ tháng 9/2013 vì tội tham nhũng, tội danh lớn nhất là bán với giá 10 triệu tệ mỏ dầu Liễu Hà trị giá 300 tỷ tệ cho công ty của Chu Bân (con Chu Vĩnh Khang) để chia chác nhau.

Cuộc chiến “diệt hổ, săn cáo, đập ruồi” đã đến hồi kết? ảnh 1

Tưởng Khiết Mẫn

Lý Đông Sinh, sinh 1955, Ủy viên TW, nguyên Phó TGĐ Đài Truyền hình TW Trung Quốc (CCTV) Phó ban Tuyên truyền TW, Ủy viên thường vụ quốc hội, Thứ trưởng, Phó Bí thư đảng ủy Bộ Công an.

Lý Đông Sinh bị “song quy” từ tháng 12/2013, bị cách chức từ tháng 2/2014 vì “vi phạm kỷ cương, pháp luật nghiêm trọng”.

Báo chí phanh phui Lý Đông Sinh là kẻ đã biến Đài CCTV trở thành “hậu cung” của Chu Vĩnh Khang và được Chu ban thưởng bằng cách cho ngồi vào vị trí quyền lực thứ ba trong Bộ CA dù chả có chút kiến thức nghiệp vụ gì.

Vạn Khánh Lương, Ủy viên dự khuyết TW, sinh 1964, Tiến sỹ, nguyên Phó tỉnh trưởng Quảng Đông, Bí thư thành ủy Quảng Châu, người được coi là “nhân tài đầy tiềm năng” nổi tiếng về những phát ngôn “có cánh” và hành vi bốc đồng kiểu như tham gia cuộc thi bơi vượt sông Chu Giang và về… Nhì.

Một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến Vạn Khánh Lương ngã ngựa là lối sống trụy lạc, cặp bồ bừa bãi, cặp bồ chung với quan chức khác, có con riêng với người tình, bỏ vợ.

Ngày 9/10/2014, Vạn Khánh Lương bị “song quy” vì “vi phạm kỷ cương, pháp luật nghiêm trọng, lợi dụng chức quyền mưu lợi cho người khác, đòi và nhận hối lộ khoản tiền lớn, vi phạm nghiêm trọng 8 điều quy định”.

Lý Xuân Thành, sinh 1956, Ủy viên dự khuyết TW, nguyên Bí thư thành ủy Thành Đô, Phó Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên, bị điều tra từ tháng 12/2013 vì liên quan đến tội lỗi của Bạc Hy Lai, bị cách chức, chuyển cơ quan tư pháp xử lý từ tháng 4/2014.

Cuộc chiến “diệt hổ, săn cáo, đập ruồi” đã đến hồi kết? ảnh 2

Lý Xuân Thành

Vương Vĩnh Xuân, sinh 1960, Ủy viên dự khuyết TW, Phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí quốc gia, thành viên “Bang dầu khí” của Chu Vĩnh Khang, bị “song quy” để điều tra từ tháng 8/2013.

Dương Kim Sơn- cái “chết” bất ngờ

Trong 6 người bị khai trừ lần này, nhân vật gây bất ngờ nhất chính là Dương Kim Sơn, Ủy viên TW, Trung tướng, Phó Tư lệnh (đại) quân khu Thành Đô. 

Cuộc chiến “diệt hổ, săn cáo, đập ruồi” đã đến hồi kết? ảnh 3

Dương Kim Sơn

Sinh năm 1954, Dương Kim Sơn cùng hàng trăm viên tướng khác bị điều tra do có liên quan đến vụ án tham nhũng của nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Từ Tài Hậu và cả nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai.

Dương Kim Sơn từng là Cục trưởng Tác chiến, Cục trưởng Trang bị quân khu Thành Đô, Tư lệnh quân khu Tây Tạng, sau khi vào trung ương tại Đại hội 18, tháng 7/2013 được đưa lên giữ chức Phó Tư lệnh, nguồn Tư lệnh quân khu Thành Đô.

Trước Dương Kim Sơn, quân khu Thành Đô đã có 2 viên tướng bị mất chức, bị bắt là Thiếu tướng Diệp Vạn Dũng, nguyên Chính ủy quân khu tỉnh Tứ Xuyên, Ủy viên Chính Hiệp (Mặt trận) toàn quốc và Vệ Tấn, Phó chính ủy quân khu Tây Tạng.

Có tin Dương Kim Sơn bị gọi về Bắc Kinh từ tháng 7 để điều tra về việc liên quan đến vụ án Từ Tài Hậu, sau đó cả thư ký và một số thân nhân của ông ta cũng bị bắt.

Số phận Chu Vĩnh Khang sẽ ra sao?

Việc Hội nghị TW4 kết thúc mà trong Thông cáo không nhắc đến cái tên Chu Vĩnh Khang làm dấy lên những bàn tán và suy đoán trong dư luận. Tuy nhiên, một nguồn tin từ trung ương giải thích: Chu Vĩnh Khang đã bị đánh đổ, không còn là ủy viên trung ương nữa thì không xử lý trong hội nghị trung ương, vụ án của Chu có lẽ sẽ được kết luận tại Hội nghị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương khai mạc vào ngày 25/10 này. 

Việc dư luận chờ đợi Hội nghị TW4 đưa ra kết luận về vụ án Chu Vĩnh Khang là có cơ sở bởi hôm 20/10, đúng vào ngày hội nghị khai mạc, Nhân dân Nhật báo đã đăng bài khẳng định: vụ án Chu Vĩnh Khang sẽ phá bỏ quy tắc ngầm “hình bất thượng thường ủy” (Ủy viên thường vụ không bị truy cứu hình sự), việc xem xét về vi phạm kỷ cương của Chu sẽ được kết thúc tại Hội nghị TW4.

Nhà sử học nổi tiếng Chương Lập Phàm bày tỏ “kinh ngạc” về việc Hội nghị TW4 không đưa ra quyết định khai trừ đảng đối với Chu Vĩnh Khang.

Ông cho rằng có khả năng là do trong đảng còn bất đồng, chưa thống nhất, điều đó gây lo ngại là phong trào “đánh Hổ” phải chăng đã kết thúc?

MỚI - NÓNG