Cuộc chiến với 'ma Chạ'

Khu sinh hoạt của người Chơ-ro ở Mã Đà
Khu sinh hoạt của người Chơ-ro ở Mã Đà
TP - Trong khi những người anh em trên đất Tây Nguyên gọi những người mà họ cho là có khả năng rút ruột ra khỏi cơ thể, khiến họ chết đau chết đớn, là “ó ma lai”, thì người Chơ-ro ở vùng rừng núi Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai gọi đó là “ma Chạ”. Trong cuộc chiến chống “con ma” này, đã có rất nhiều chuyện đau lòng. Để tiêu diệt “ma Chạ”, người ta ném đá, chôn sống người bị nghi là ma để trừ hậu họa. Rất may là gần đây những hủ tục này đã biến mất.

Cách TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai 70km, nhưng Mã Đà là một vùng đất hoàn toàn khác. Trong khi Biên Hòa ngợp người xe, khói bụi thì nơi đây không khí thoáng đãng, vừa thơ mộng vừa nhuốm màu hoang sơ của núi rừng với một cộng đồng người Chơ-ro sinh sống.

Những luật tục ngàn xưa ở các buôn làng của người Chơ-ro hiện hữu, trong đó có những chuyện liên quan đến “ma Chạ” được xem là rùng rợn, khủng khiếp nhất. Những ai đã đến vùng đất này thường không thể không ghé qua nhà già làng Năm Nổi để nghe chuyện “ma Chạ” hoành hành như thế nào, có thực hay chỉ là con ma có trong truyền thuyết.

Cơn ác mộng

Qua những cánh rừng với cây cao bóng cả phủ lối, qua những con sông con suối róc rách không ngừng, rồi chúng tôi cũng đến được ấp Lý Lịch, địa bàn cư trú của người Chơ-ro. Đón khách trong ngôi nhà sàn truyền thống với sàn lồ ô, mái tranh nằm bên con suối Sa Mách thơ mộng, già làng Năm Nổi ở tuổi xế chiều nhưng giọng nói vẫn sang sảng, khỏe khoắn.

Trong sương lạnh, giữa bếp lửa bập bùng, già làng nổi tiếng với nhiều chiến công hiển hách, dùng ná bắn bà đầm thép (máy bay trực thăng), múa xà-gạc đánh cọp 3 móng chuyên ăn thịt người… chậm rãi nhớ về một thời quá vãng, cái thuở mà bóng “ma Chạ” ám ảnh buôn làng, gây nhiều khiếp đảm cho những đứa con của rừng già.

Già Năm chép miệng: “Như đồng bào người Mạ, Stiêng ở vùng Đông Nam bộ, người Chơ-ro mình quan niệm, ngoài thế giới của những người đang sống còn có thế giới của các thần linh. Như núi có thần núi, nước có thần nước, cây có thần cây… Những vị thần ấy được đồng bào mình gọi chung là Yang. Cùng với Yang còn có những hồn ma, gọi là Chạ”.

Cũng theo già Năm, Chạ là những người chết bất thường như bị thú dữ vồ, bị té cây chết sông… xác không còn nguyên hay bị mất xác. Ngày trước dân làng tin những người chết như vậy không được đoàn tụ với ông bà nên hồn vất vưởng chuyên đi bắt hại người làng. Ban ngày “ma Chạ” là người bình thường nhưng đêm đến nó rút đầu ra khỏi thân, đi bắt người. Ai bị “ma Chạ” hại sẽ đau bệnh không rõ lý do, không ăn được ngủ được, cơ thể suy nhược rồi chết đau đớn. Làng nào có “ma Chạ” thì người cứ chết dần, gia súc cũng chết dần. Muốn thoát khỏi “ma Chạ” chỉ có một cách giết nó cho bằng được, sau đó đốt làng rồi di cư sang nơi khác lập làng mới.

Xuyên những cánh rừng Mã Đà, những người lớn tuổi trong làng mà chúng tôi tiếp xúc phần lớn đều có chung tâm tình, đồng bào ngày trước phải sống trong tăm tối, âu lo kéo dài bởi nỗi khiếp đảm “ma Chạ”. Lục lại trong trí nhớ già nua của mình, già làng Điểu Pích, tuổi ngoài 80 mùa rẫy nhớ lại quá khứ hãi hùng một thời, cái thuở mà già chứng kiến cảnh “ma Chạ” là những người bị đuổi ra khỏi làng, bị ném đá cho đến chết.

Già kể rằng, khi nghi bị “ma Chạ” hãm hại và nghĩ ai đó là “ma”, nạn nhân sẽ báo với trưởng làng và thầy cúng. Để có cơ sở kết tội một người là “Chạ”, thầy cúng sẽ lấy đồng xu nung lửa thật nóng thả lên lòng bàn tay người bị tình nghi. Nếu người đó không bị sao thì họ là người bình thường. Bằng không thì họ sẽ bị làng kết tội. Già Bích, khẽ thở dài: “Khi thử như thế, người bình thường cũng hóa ra ma. Nhưng lúc đó do đầu óc còn u mê nên dân làng cứ tin đó là phép thử hiệu nghiệm. Có đâu ngờ gây oan cho người vô tội”.

Lật mặt thủ phạm

Thuở hồng hoang, người Chơ-ro tin “ma Chạ” là có thật. Để thoát khỏi bóng ma ấy, người trong làng đã có những hành xử lạnh lùng để tiêu diệt những “con ma” do hủ tục sinh ra bằng cách ném đá, chôn sống để quyết diệt ma cho bằng được. Ẩn sau từng bóng ma, chúng tôi thấy thấp thoáng dáng hình của những thầy cúng, bà bóng quyền lực, những người mà dân làng tin họ có nhiều bùa phép, có quyền sinh sát, có quyền kết tội một người là ma. Dân buôn làng sợ “ma Chạ” một, thì sợ thầy cúng, bà bóng đến mười. Nếu sống để thầy bóng, thầy cúng ghét, họ sẽ cho rằng người đó là “Chạ”, nạn nhân khó tránh khỏi cái chết.

Nhớ lại chuyện “ma Chạ” năm nào, bà Điểu Phi không khỏi rùng mình: “Ở làng ngày trước thầy cúng, bà bóng có uy lắm. Vì mọi người tin họ có thể sai âm binh, trừ ác quỷ, đại diện dân làng nói chuyện với thần linh, thương lượng với ma quỷ. Gặp thầy cúng xấu bụng dân làng khổ lắm! Nó vẽ bệnh, bày vẽ mình phải làm lễ cúng ma tốn kém. Nhiều nhà giàu gặp chuyện xui xẻo, con cái đau bệnh liên tục nhờ bà bóng cúng thần tìm hiểu nguyên nhân, bao giờ cũng được trả lời bị “Chạ” ám. Tin theo lời bà bóng, gia chủ phải mổ gà, giết trâu, bày nhiều ghè rượu cúng ma. Cúng đến khi nhà chẳng còn gì nhưng đau bệnh vẫn còn. Nếu hết bệnh bà bóng càng được làng tin tưởng. Không thì bà bóng bảo do không có lòng thành, cúng chưa đủ lễ”.

Cuộc chiến với 'ma Chạ' ảnh 1

Ông Năm Nổi và dụng cụ săn thú thời còn trẻ.

Qua lời kể của những người già, chúng tôi như thấy hiện lên trước mắt quang cảnh buổi lễ xử tử một người bị nghi là “ma Chạ” ở đây. Trong đêm tối, người làng quần tụ bên lửa cháy bùng, lửa cháy soi rõ những gương mặt căm phẫn con ma hại người năm nào, soi rõ cả ánh mắt hãi hùng của một con người bình thường bỗng dưng bị kết tội là “ma” và sắp bị hành hình với án phạt tàn khốc. Một người bị kết là “ma”, họ bị giết chết, người thân bị trục xuất ra khỏi làng, vĩnh viễn không được trở lại. Khi không còn là người của làng nữa, họ cũng khó thoát khỏi cái chết trước sự rình rập của thú dữ, các bộ tộc thù địch.

Theo già Năm Nổi, hồi đó trong buôn có người bị bệnh nặng, tưởng bị “ma Chạ” bắt nên gia đình nhờ bà bóng làm lễ cúng. Cúng nhiều lần nhưng bệnh không giảm mà còn nặng hơn. Lúc này may mắn bộ đội Việt Minh hành quân qua làng cho rằng người đó bị sốt rét nên giúp thuốc chữa trị. Từ đó dân làng bớt sợ “ma Chạ”. Già làng Năm Nổi trải lòng: “Nhờ ánh sáng của bộ đội Bác Hồ, người Chơ-ro học được nhiều điều hay, điều khôn. Từ đó, người Chơ - ro sống văn minh hơn rất nhiều, bà con biết được mùa màng thất bát là do thiên tai chứ không phải do con ma nào làm hại. Bà con cũng biết một người chết bất thường như bị thú vồ, bị chết sông chết núi là do tai nạn chứ chẳng có thế lực ma quỷ nào”.

Tạm biệt người Chơ-ro, giã từ núi rừng Mã Đà, trên đường về chúng tôi mang theo hình ảnh gương mặt những người già Chơ-ro hân hoan khi bóng ma hủ tục chỉ là chuyện quá vãng. Khép lại những nỗi ám ảnh bóng ma kinh hoàng, khép lại cả những cái chết đầy đớn đau của những người bị kết tội là ma… người Chơ-ro nay dồn sức cho việc xây dựng cuộc sống bình yên.

Trong đêm tối, người làng quần tụ bên lửa cháy bùng, lửa cháy soi rõ những gương mặt căm phẫn con ma hại người năm nào, soi rõ cả ánh mắt hãi hùng của một con người bình thường bỗng dưng bị kết tội là “ma” và sắp bị hành hình với án phạt tàn khốc. Một người bị kết là “ma”, họ bị giết chết, người thân bị trục xuất ra khỏi làng, vĩnh viễn không được trở lại.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.