Cuộc chiến kinh tế mới, trí thức là chủ lực

Cuộc chiến kinh tế mới, trí thức là chủ lực
Làm thế nào để khơi dậy truyền thống đại đoàn kết trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, để huy động khối tri thức tiềm năng này phục vụ đất nước? TPO xin giới thiệu tâm sự của ông Bùi Kiến Thành - Việt kiều Mỹ.

Ngày nay nguồn tri thức của dân tộc ta không phải chỉ giới hạn trong số các chuyên gia trong nước, mà còn có một đội ngũ không nhỏ trải khắp năm châu. Gần 3 triệu người Việt Nam sống tại nước ngoài là một thành phần có khả năng đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo tồn nền độc lập kinh tế trong thời đại mới.

Lịch sử đã tạo ra cho anh em một nhà nhiều cảnh chia ly cách biệt. Kẻ ra đi, người ở lại. Mỗi người một tâm tư, chưa hàn gắn được. Sách lược      nào để mọi người xích lại gần nhau, xóa bỏ cách biệt đối xử, để đoàn kết quyết tâm một lòng vì dân vì nước?

Chuyện kể rằng, một lần ở biển Đông, Quốc Tuấn đã mời Chiêu Minh Vương Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải sang thuyền mình trò chuyện, chia cờ và sai người nấu nước thơm tự mình tắm cho Trần Quang Khải, vĩnh viễn xóa nỗi hiềm khích giữa hai người, tạo nên sự thống nhất ý chí của toàn bộ vương triều Trần, đảm bảo đánh thắng quân Nguyên hùng mạnh.

Ôn cố tri tân. Đất nước và dân tộc đã trải qua bao nhiêu cuộc chia ly sầu hận, nhưng sau cơn bão tố trời lại yên lành, sau đêm tăm tối âm u trời lại   sáng.

“Quán thiên chi đạo, chấp thiên chi hành”(Quán triệt nguyên lý của đạo trời, theo đó mà hành động)

Người lãnh đạo nhân đức chỉ cho dân con đường sáng. Người lãnh đạo nhân nghĩa coi việc phải hơn điều lợi. Người lãnh đạo trí biết lẽ đời sẽ dẫn đến đâu. Người lãnh đạo dũng biết tạo điều kiện cho toàn dân đoàn kết một lòng vì đại cuộc.

Hiểm họa lệ thuộc kinh tế

Ngày nay đất nước đã độc lập tự do, nhưng hạnh phúc vẫn còn mong manh, nguy cơ lớn vẫn còn trước mắt. Hơn bao giờ hết sứ mạng khơi dậy truyền thống đại đoàn kết dân tộc được đặt ra để phát huy sức mạnh toàn dân, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trước thềm thế kỷ 21, chiến cuộc không còn phải như những năm nào. Dân quân, du kích, xe tăng, tên lửa... tuy rằng cần thiết để ngăn chặn xâm lăng biên giới nhưng không giải quyết được tiến thủ trên chiến trường kinh tế toàn cầu.

Đầu thế kỷ 21, thế giới lại đang chuyển đổi các cơ cấu kinh tế và xã hội. Nguyên nhân là sự phát triển nhanh chóng tri thức qua công nghệ thông tin và hệ thông Internet. Tác động của nó là toàn cầu và đang thay đổi bộ mặt xã hội và kinh doanh nhanh chóng hơn và đột ngột hơn bất kỳ sự đổi mới công nghệ nào khác trong lịch sử.

Những thuật ngữ mới được sử dụng để miêu tả điều này là: “Nền kinh tế mới”, “Kỷ nguyên thông tin” hoặc “Nền kinh tế Internet”. Do đó, các Cty công nghiệp chủ lực phát triển trong thế kỷ 20 hiện nay được gọi là “Các Cty nền kinh tế cũ”.

Nền kinh tế của Việt Nam hiện nay đang trong tiến trình công nghiệp hóa – chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp. Tuy nhiên, công nghiệp hóa chỉ có nghĩa là chuyển sang “Nền kinh tế cũ”. Vậy Việt Nam cần phải làm thế nào để chuyển đổi sang “Nền kinh tế mới”?

Hiểm họa lệ thuộc kinh tế ngàn cân đang treo trên tiền đồ của dân tộc, một lần nữa truyền thống đại đoàn kết được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết. Chúng ta không còn có thể đối kháng với hiểm họa kinh tế trong thời đại Internet bằng chiến lược trường kỳ du kích để xây dựng lực lượng bước sang thế phản công. Thời gian không còn đo lường bằng năm tháng mà bằng phần tỷ giây đồng hồ. Trong cuộc chiến này tri thức là chủ lực.

MỚI - NÓNG