Cuối 2016 hoàn thành gói dịch vụ y tế cơ bản

Cuối 2016 hoàn thành gói dịch vụ y tế cơ bản
TP - Ngày 31/8, tại Hội thảo tham vấn Hội đồng Tư vấn Quốc gia về Chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) trong xây dựng Gói dịch vụ y tế cơ bản (DVYTCB) do quỹ BHYT chi trả, ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, cuối năm 2016, Bộ Y tế sẽ gấp rút hoàn thành việc xây dựng gói này.

Bộ Y tế cho biết, việc xây dựng gói DVYTCB được thực hiện trên nguyên tắc đặt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người tham gia BHYT là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Chính vì vậy quyền lợi của người tham gia BHYT không bị cắt giảm mà ngược lại, quyền lợi của người có thẻ BHYT trong khám chữa bệnh ở tuyến huyện, xã sẽ được mở rộng; bệnh nhân BHYT được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh tại tuyến xã và hưởng theo tỷ lệ quy định ở các tuyến trên là 100% - 95% - 80% chi phí khám chữa bệnh tùy từng đối tượng theo quy định của Luật BHYT sửa đổi.

Gói DVYTCB là danh mục các dịch vụ kỹ thuật/thuốc/vật tư y tế được Bộ Y tế quy định cho từng tuyến, thuộc các lĩnh vực chuyên môn: khám chữa bệnh thông thường, điều trị ngoại trú, điều trị nội trú, hồi sức cấp cứu, phẫu thuật, phục hồi chức năng, thuốc/vật tư y tế, dịch vụ xét nghiệm/chẩn đoán hình ảnh, khám chữa bệnh y học cổ truyền; chú trọng tới việc mở rộng danh mục dịch vụ cho tuyến y tế cơ sở. Việc lựa chọn dịch vụ được thực hiện dựa trên một quy trình minh bạch với các tiêu chí cụ thể là: đáp ứng được nhu cầu sức khỏe, quỹ BHYT có khả năng chi trả, cơ sở y tế có khả năng cung ứng, phù hợp với các ưu tiên về chính sách.

Tại hội thảo, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, tình hình sử dụng quỹ BHYT đã chi hơn 30.000 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, năm 2016 phải bù chi cho Thông tư 37 về “Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc”, ước khoảng 10.000 tỷ đồng do kết cấu thêm tiền trực, trợ cấp phẫu thuật thủ thuật vào giá. Dự kiến, năm 2017 phải bù chi 23.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng đây là bài toán khá hóc búa vì trong bối cảnh kinh tế thị trường như hiện nay, người dân có thói quen vượt tuyến để khám chữa bệnh, tạo gánh nặng chi phí cho hộ gia đình, khiến hệ thống y tế hoạt động kém hiệu quả, quản lý quỹ BHYT còn hạn chế, chưa có biện pháp hữu hiệu để thúc đẩy quản lý theo hướng chi phí hiệu quả, kiểm soát gian lận dịch vụ khám chữa bệnh BHYT.

MỚI - NÓNG