“Cười ra nước mắt” chuyện nông thôn mới

Các tiêu chí NTM trong giai đoạn tới sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo vùng miền. Ảnh: Quốc Khánh.
Các tiêu chí NTM trong giai đoạn tới sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo vùng miền. Ảnh: Quốc Khánh.
TP - Con số nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới hiện khoảng 15.212 tỷ đồng. Sơ kết 6 tháng đầu năm về nông thôn mới có nhiều điều bất cập được chỉ ra.

Xử lý nơi nào “vẽ vời”, gây nợ đọng nông thôn mới

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM ngày 28/6, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, đến hết tháng 5/2016 cả nước có 1.965 xã (22%) đạt chuẩn NTM, còn 326 xã đạt dưới 5 tiêu chí. 

Bình quân cả nước đạt 13 tiêu chí/xã, tăng 8,3 tiêu chí so với năm 2010 và 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2015. Cả nước huy động được khoảng 263.130 tỷ đồng từ các nguồn lực để thực hiện Chương trình, trong đó ngân sách T.Ư bố trí trên 7.370 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề nợ đọng trong xây dựng cơ bản NTM tại nhiều địa phương đang là vấn đề lớn, chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Số liệu từ 52/62 địa phương (Đồng Nai chưa báo cáo) cho thấy, tổng số nợ đọng (tính đến hết 31/1/2016) trên 15.200 tỷ đồng. Các tỉnh nợ nhiều nhất chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, miền núi phía Bắc.

Ngoài ra, sau 5 năm thực hiện, đến nay cả nước có 42,4% số xã đạt tiêu chí môi trường. Tuy nhiên, theo đánh giá, trong 19 tiêu chí, chất lượng đạt chuẩn tiêu chí môi trường chưa thực sự bền vững. Đây là vấn đề bức xúc của xã hội, kể cả đối với huyện, xã đạt chuẩn NTM.

Một trong những tiêu chí đánh giá cao là quy hoạch NTM. Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, dù đạt 98% số xã có quy hoạch, nhưng có tình trạng chạy theo thành tích, chất lượng quy hoạch có vấn đề. Một số xã, chẳng hạn như ở Sơn La cán bộ xã không đọc được quy hoạch. Người làm được quy hoạch kết hợp cả “3 trong 1” về tài nguyên, sản xuất, không gian rất ít.

Vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói: “Có nơi chạy theo phong trào, nên quy hoạch copy xã này sang xã kia mà không dựa vào thực tế địa phương. Do vậy, khi xem quy hoạch xã này lại có tên xã kia…đúng là cười ra nước mắt”.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, có tình trạng các xã xin “nợ tiêu chí” để được công nhận xã NTM trước, nhưng đạt rồi, “đòi nợ” rất khó. Chẳng hạn, các tiêu chí liên quan đến thu nhập, văn hóa, thể thao, môi trường, nước thải… luôn đạt thấp, cần đánh giá sâu hơn. Ông Long cũng đề xuất, tới đây, cần bổ sung tiêu chí 20 là an toàn thực phẩm, vì đây là vấn đề toàn xã hội đang quan tâm.

Về nợ đọng NTM, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, trong khoảng 16.000 tỷ đồng, cần phân tích kỹ, không cào bằng. Những nơi nợ đọng “không có chuyện khen thưởng gì”, chỗ nào sai phạm, cố tình chạy theo thành tích phải xử lý dứt điểm, không để nợ đọng phát sinh. 

“Anh nào cố tình vẽ ra, công trình này kia thì phải xử lý đến nơi đến chốn. Có chỗ anh em tâm huyết, giật gấu vá vai để làm… cần xem xét, xử lý để không làm ảnh hưởng đến phong trào chung cả nước”- Phó Thủ tướng nói. Dự kiến, tới đây, Chính phủ trình sẽ Quốc hội ban hành Nghị quyết về xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong NTM.

Tệ nạn xã hội thì có phải là nông thôn mới?

Ông Lê Huy Ngọ, Nguyên Bộ trưởng NN&PTNT, cố vấn cao cấp Ban chỉ đạo T.Ư về NTM cho rằng: “Anh nào đạt được xã NTM  rồi, không nên ngồi sờ sẩm tiêu chí, nó không phải sơn son thiếp vàng… Quan trọng từ bức xúc dân chúng, cuộc sống thôi thúc, anh phải thúc đẩy, tái cơ cấu sản xuất để  tăng thu nhập, đời sống cho dân, gắn với chuyển giao khoa học công nghệ”.

Cũng theo ông Ngọ, chưa làm được đường sá, nhà văn hóa, nhà công sở… thì làm gì trước để cải thiện đời sống, thu nhập cho người dân đã. “Khi xuống kiểm tra, các anh chỉ lôi chúng ta ra để khoe công sở, đường to…. rằng đây là NTM, cái đó đúng nhưng chưa đủ”.

“Có nơi chạy theo phong trào, nên quy hoạch copy xã này sang xã kia mà không dựa vào thực tế địa phương. Do vậy, khi xem quy hoạch xã này lại có tên xã kia…đúng là cười ra nước mắt”. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Nguyên Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng, NTM (như ở Nam Định) phải làm từ đồng về làng, từ xóm, thôn lên xã, làm cái người dân cần nhất, chứ không phải cứng nhắc là làm theo tiêu chí. Về đầu tư, ông Ngọ cho rằng, nên để dân làm, nhà nước hỗ trợ. Chẳng hạn làm đường, anh chỉ cần đưa xi măng về, rồi giám sát chất lượng. Còn hãy để người dân bàn và làm, như thế có thể giảm 30% “tích tắc” nếu để người khác làm con đường đó.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ NN&PTNT cần họp, thống nhất các ban ngành trước khi trình Thủ tướng ký thông qua bộ tiêu chí quốc gia NTM trong giai đoạn tới cho cả huyện, xã. Trong đó, phải làm rõ thêm  nội hàm một số tiêu chí, linh hoạt đặc thù đến từng vùng miền cho phù hợp, nhất là phần cứng, công trình.

 Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí “xã NTM kiểu mẫu”- những xã đã được công nhận NTM trong giai đoạn trước. “Nói cứng khó làm, nhưng phần mềm mới quan trọng. Cuối cùng là người dân sinh sống thế nào, an ninh trật tự, văn hoá còn giữ truyền thống không. NTM mà tệ nạn xã hội, nghiện hút… thì có phải là NTM không”- Phó Thủ tướng nói.

Về chuyện đóng góp của người dân làm NTM, Phó Thủ tướng nói: “Người dân họ cũng chất vấn, rằng sao ở thành phố sướng thế, đường được làm tận nơi mà không cần đóng góp, trong khi chúng tôi là dân ở quê, đã khó khăn rồi, nhưng phải đóng góp đủ các khoản”.

MỚI - NÓNG