Cựu bộ trưởng Vũ Ngọc Hải & 'khúc ru đời'

Sau 20 năm sóng gió cuộc đời, cựu Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải luôn lạc quan, tin vào những điều tốt đẹp.
Sau 20 năm sóng gió cuộc đời, cựu Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải luôn lạc quan, tin vào những điều tốt đẹp.
TP - Hà Nội, mùa hè năm 2014, tròn 20 năm đường dây 500Kv kết nối Bắc- Trung - Nam. Một buổi, ông mời một số nhà báo đến… ăn trưa. Phố Phan Đình Phùng, trong căn nhà mà bạn bè nói là nhà “tình nghĩa” của ông, cựu Bộ trưởng Năng lượng hát say sưa.

Cây sấu già bên hiên cũng xào xạc như đồng điệu với người nghệ sĩ già Vũ Ngọc Hải. Đã qua tuổi bát tuần, đôi cánh tay ông như run lên cố ghìm giữ  những phím đàn ghi ta như đang muốn nhảy múa. Hát là vậy, hết mình, quên cả tuổi tác. Giọng hát ông da diết, nồng nàn. “ Đến từ đâu, từ đâu, từ đâu? Một đôi mắt gợi mở, một đôi môi đợi chờ. Một nụ hôn xao xuyến, một nụ cười dành riêng…”.

Hát xong, ông nói, mình già rồi, đôi chân không muốn đi nữa, nhưng tâm hồn thì chưa bao giờ muốn ngơi nghỉ cả. Hát, làm thơ. Và đâu dễ để những bài hát của ông được các nghệ sĩ có tên tuổi xướng lên trong các Album nhạc. Nào là Thu Hiền, Trọng Tấn, Việt Hoàn, Hồ Quỳnh Hương, Tấn Minh…Những ca khúc của ông luôn lấp lánh chất thơ, thấm đượm tình người xứ Huế - quê ông.

Ông kể, ngày Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn sống, nhân sự kiện 30 năm mừng ngày thống nhất đất nước năm 2005,  anh Sáu Dân nói: “Hải hát đi, mừng cho đất nước, Nam Bắc một nhà”. Và ông đã hát: “…Từ đâu? Một tâm hồn trong sáng! Một tâm hồn lãng mạn! Một khát vọng mơ xa, một niềm tin bao la, một tình yêu vẹn tròn, một tình yêu nồng nàn, thủy chung! Đến từ đâu, từ đâu, từ đâu?...”. Khi ông vừa dứt lời, anh Sáu Dân đến bên rồi đặt  tay lên ngực và nói: “Đến từ đây, đến từ trái tim”!

Thấm thoắt cũng 20 năm kể từ ngày ông vướng vòng lao lý. Ghi lại cảm xúc khi ông được Thủ tướng Võ Văn Kiệt trao kỷ niệm chương đường dây 500Kv ngay tại trại giam, ông xúc động nghẹn ngào.

Người chúc nhân hậu, quả cảm phải nén lòng/ Người nhận xúc động, niềm vui trong nỗi buồn sâu lắng…

Tôi thuộc thế hệ nhà báo không được chứng kiến bản hùng ca của đường dây 500Kv, nhưng qua báo chí được biết đến ông. Cảm phục. Được gặp ông khi không còn mũ áo quan trường hóa lại là điều hay. Mong ở ông điều gì? Phút trải lòng sau biến cố khi chẳng còn cấn cá sự đời. Lạ thay, không một lời cay nghiệt, chẳng trách cứ, oán giận. Ông bộc bạch những thơ, những nhạc đều ăm ắp tình người làm lòng ta thêm sáng, thêm yêu, tin vào những điều tốt đẹp… Trong bài thơ “Hương tình người” ông viết:

Tôi đã từng gặp nạn,/ hứng chịu những ngày gian nan,/ bị nhấn chìm trong vòng xoáy áp đặt…/ Trong ma trận vận hạn, / tôi xúc động lâng lâng,/đón nhận tình người…/ Và, trong bài thơ “Giận làm chi”, ông viết:

Đời ngắn thôi, giận làm chi em ơi!/ Để đời lỡ hẹn, sống trong trống vắng.

Cựu bộ trưởng Vũ Ngọc Hải & 'khúc ru đời' ảnh 1

Thủ tướng Võ Văn Kiệt gắn Kỷ niệm chương đường dây 500kv cho phạm nhân Vũ Ngọc Hải tại trại giam Thanh Xuân.

Khi kể về cái ngày ông nhận bản án và được đi “ăn dưỡng” tại trại Thanh Xuân, ông rất mực tin vào mình. Hơn ai hết, ông hiểu chính con người ông, hiểu sự tình đó và giờ thì ông chẳng muốn nhắc lại nhiều. Điều an ủi với ông khi đó là lực lượng quần chúng tin ông. Một năm ngồi trong trại giam, đã có ngót ngàn đoàn khách đến thăm ông. Trong đó có nhiều văn nghệ sỹ, nhà báo và cả công an. Ông cũng vinh dự là phạm nhân được nhiều quan chức Chính phủ đến viếng thăm nhất, có tới 28 bộ trưởng, thứ trưởng, rồi Phó Thủ tướng và Thủ tướng. Tình cảm! Đúng rồi. Nhưng đó còn là trách nhiệm là thái độ giữa cái đúng, cái sai. Ông thầm cảm ơn điều đó ngàn lần.

Bài học trường đời và lớp học trại Thanh Xuân giúp ông ngộ ra nhiều điều. Lúc lâm hoạn nạn là thước đo lòng người. Ông đã suy nghĩ và nhìn nhận lại chính mình về lẽ sống về tình người. Có nhiều người không chỉ một lần thăm ông, họ thăm ông không phải khi ông đường đường là vị bộ trưởng mà khi ông đã sa cơ, đến quyền công dân cũng không còn nữa.  Vị giám thị trai giam đã thở phào: “Khi thấy bác Kiệt, bác Khải vào thăm anh thì tôi yên tâm lắm rồi”. Ông được chọn việc nuôi gà, bà xã mua gà giống để ông nuôi. Nhưng chỉ cho gà ăn thôi, việc dọn dẹp vệ sinh có người khác làm. ông được bố trí một phòng tiếp khách mà ở đó những vần thơ ấm áp tình người đã tuôn chảy…

Tâm hồn nghệ sĩ đã giúp ông “lãng mạn” để thoát ly thực tại ngay cả khi rơi vào tột cùng đau khổ. Tâm hồn thơ có lẽ đã nâng tầm và mở rộng lòng bao dung của “người tù” Vũ Ngọc Hải.

Ở đời ai cũng có những khúc thăng trầm, nghịch cảnh, nhưng cái cách ông vượt qua tai ương đáng để suy ngẫm. Tôi cảm nhận được ở ông một sức mạnh đến từ lòng nhân hậu, sự lạc quan. Sự lạc quan đó xuất phát từ cái tâm trong sáng. Tâm hồn nghệ sĩ đã giúp ông “lãng mạn” để thoát ly thực tại ngay cả khi rơi vào tột cùng đau khổ. Tâm hồn thơ có lẽ đã nâng tầm và mở rộng lòng bao dung của “người tù”  Vũ Ngọc Hải.

Ngày ra trại ông mong đợi điều gì? Đã 20 năm trôi qua, quãng thời gian đủ dài để người ta vượt qua chính mình, dù không dễ chút nào. Ông nói, ông xác định rồi, không cho phép được nhu nhược, không được phép gục ngã. Duy nhất một lần ông tìm đến thuốc ngủ và cũng uống duy nhất một viên. Đó là cái đêm đầu tiên vào trại giam Thanh Xuân. Không phải dùng thuốc theo nghĩa tiêu cực, mà ông nghĩ, lạ nhà không biết có ngủ được không nên cứ uống lấy một viên…

Chiều cuối đông năm Giáp Ngọ, con phố Phan Đình Phùng nhộn nhịp người qua, ngẫm lại nếu thiếu tình người, vị Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải giờ này không biết ở đâu? Ngôi nhà cũ được tu sửa đúng 20 năm trước. Ngày ông vào trại, từ căn hộ hơn 30m2 tại khu tập thể Kim Liên, ngày trở về xe đưa ông thẳng đến căn nhà mới trên phố Phan Đình Phùng. Đó là món quà của anh em, bạn hữu thương ông nên xúm tay giúp ông khi gặp nạn.

Lần giở ba cuốn thơ và một sê-ri các album nhạc, ông dừng lại ở bài thơ “Khúc ru đời” ở tập thơ “Những hồi ức xanh”. Chất giọng Huế lại dìu dặt:

Ta ru đời để vượt qua nỗi gian truân…/ Ta ru đời là để yêu ta và để yêu em/ Để quyết đi đến cùng trời cuối đất/ Để nuôi sống mãi những giấc mơ xa/ Ta ru đời, đời lại ru ta.

Đọc xong ông cười. Bạn bè vẫn đùa ông mỗi khi đọc bài thơ này: “Ta ru đời, sao đời chẳng ru ta”!.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.