Trung tâm Cứu hộ Gấu Tam Đảo:

Cứu hộ gấu chưa được bao nhiêu

Cứu hộ gấu chưa được bao nhiêu
TP - Dưới chân Tam Đảo, trên một diện tích 12 ha ở thung lũng Chắt Dậu thuộc vườn quốc gia Tam Đảo (VQGTĐ) có rừng cây, có suối chảy, là nơi tọa của Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam (VBRC), giai đoạn 2.
Cứu hộ gấu chưa được bao nhiêu ảnh 1
Gặm khối căm hờn trong cũi sắt  - cảnh phổ biến tại hầu hết các trại nuôi gấu tư nhân ở VN

Đây là dự án của Tổ chức Động vật châu Á (AAF) và VQG Tam Đảo làm, với tổng giá trị là 3,3 triệu USD.

24 con gấu bị thương tích có nguy cơ bị nguy hại tính mạng trong các trang trại được sơ cứu tại chỗ rồi đưa về đây, một con số rất nhỏ so với mong muốn.

Từ giờ, mỗi con đều có tên riêng, có lí lịch kèm theo, có y bạ hẳn hoi, có một bác sĩ thú y sau khi tiêm thuốc mê, hai y tá thú y chăm sóc, được kiểm tra sức khỏe toàn diện rồi đưa vào khu vực cách li nuôi tạm thời, xử lý cho đến khi hồi phục sức khỏe mới đưa về chuồng.

Chuồng rộng rãi, gấp hai chục lần cái chuồng tôi và các bạn nhà báo Úc và Lào đã xem ở Sơn Tây ngày nào. Trong chuồng có chỗ cho gấu leo trèo, có đu để khi nào nổi hứng thì đong đưa, có giường võng treo cao cho chúng trèo lên ngủ khì.

Chúng tôi phải xỏ cả giày dép vào một đôi tất để đảm bảo không mang mầm bệnh vào chuồng, cũng không được đến gần chuồng, vừa an toàn cho khách vừa không xâm phạm đến đời tư của chúng. Trong chuồng có cửa sổ mở thông ra ngoài.

Ấy là những khu vườn bán hoang dã rộng 2.500 m2, xung quanh có rào sắt, lưới điện bảo vệ, có hồ nước tha hồ vầy, có cây cao leo trèo (ốp tre xung quanh không cho móng vuốt của chúng cào xước hết vỏ cây).

Lại có những người chuyên làm đồ chơi cho gấu, có hai chuyên gia dinh dưỡng đảm bảo chế độ ăn của chúng được cân đong, đảm bảo đúng định lượng 2,5 kg rau quả và 0,5 kg mazuri/ ngày. Đấy là một loại thức ăn khô cho riêng gấu được sử dụng trong tất cả vườn quốc gia thế giới.

4.349 con (đã được gắn chíp, tức là đang được ngành kiểm lâm quản lý theo dõi) vẫn tiếp tục bị cầm tù trong những cũi, chuồng chật hẹp, tù túng, bị tước đoạt hoàn toàn tập tính leo trèo, nghịch ngợm, vật lộn vốn có, và vẫn bị hút lấy mật bán, dù giá chỉ còn 30-50 ngàn đồng/cc. 

Các công trình phụ trợ, trong đó có hệ thống xử lý nước thải của cả người và gấu, hiện đại nhất Việt Nam bởi chủ nhà đã ngửa cổ uống ừng ực như nước tinh khiết đóng chai vốn do người và gấu thải ra.

Một sự chăm sóc như thế là lí tưởng đối với 24 chú gấu đã được đưa về đây cứu hộ. Chúng được cư xử, bảo vệ kỹ đến nỗi tôi nghĩ, khu vườn bán hoang dã này là trại dưỡng lão cho gấu thì đúng hơn.

Hỏi chuyện TS Tuấn Bendixsen, người Mỹ gốc Việt, Trưởng Đại diện AAF tại Việt Nam, mới biết, chúng được dưỡng lão như thế cho đến chết. Nếu sống đời hoang dã thì tuổi thọ chúng khoảng 30 năm, nuôi nhốt như chúng đang bị nhốt ở khắp nơi thì chỉ chừng mười năm trở lại. Chết thì được đem chôn.

Tôi thấy nét mặt đau buồn của bà Jill Robinson, sáng lập viên và là Tổng Giám đốc AAF, cắm một cây thập tự lên mộ một chú gấu ở Trung tâm Cứu hộ gấu Tứ Xuyên, Trung Quốc, mà bà dày công xây dựng cách đây gần 10 năm.

Một con chết tại đây được chôn trong một nghĩa địa gấu sau khu nhà kia. Chúng không bị lấy mật, cũng không được sinh sản (người ta phải thiến gấu đực để triệt sản) vì cho rằng điều kiện nuôi dưỡng nhân tạo sẽ làm thoái hóa giống nòi chúng.

Đến khi đã hoàn toàn khỏe mạnh cũng không được thả về rừng, vì sợ rằng chúng đã mất bản năng kiếm ăn tự nhiên nên lại mò đến nơi con người sinh sống gây nhiễu loạn.

Mục tiêu của dự án, bắt đầu từ 20/3/2008, là cứu hộ gấu bị đối xử tàn bạo trong các trang trại và từ việc buôn bán lén lút gấu săn bắt trong thiên nhiên. VBRC có thể tiếp nhận tối đa 100 con. Tương lai (giai đoạn 2) nhận tối đa 250 con.

Một số trung tâm cứu hộ gấu đang được xây dựng ở Củ Chi, Cát Tiên, Kiên Giang, v.v…, có thể tiếp nhận thêm vài trăm cá thể gấu nữa. Nhưng như thế vẫn chưa thấm tháp vào đâu so với nhu cầu giải phóng càng sớm càng tốt trên 4.000 con gấu đang trong cảnh “gặm khối căm hờn trong cũi sắt”. 

MỚI - NÓNG