Cứu voi như cứu hỏa - Kỳ III: Bảo tồn voi, nhìn ra thế giới

Bãi thả voi ở trại voi mồ côi Pinnawela - Sri Lanka. Ảnh: Phạm Văn Thịnh.
Bãi thả voi ở trại voi mồ côi Pinnawela - Sri Lanka. Ảnh: Phạm Văn Thịnh.
TP - Đến nay, các khoa đào tạo thú y tại Việt Nam vẫn chưa có giáo trình nào đi sâu nghiên cứu, giảng dạy về chuyên ngành thú lớn như voi. Mỗi khi voi gặp sự cố nghiêm trọng, Trung tâm Bảo tồn Voi phải mời chuyên gia nước ngoài sang hỗ trợ,  đồng thời tranh thủ mọi cơ hội thuận tiện cử cán bộ đến các nước có nghề nuôi voi phát triển, tìm hiểu xem họ đã bảo tồn voi như thế nào! 

Hiện trạng voi Châu Á trên toàn cầu

Theo đề án tổng thể bảo tồn Voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020,  trong khi voi rừng châu Phi (Loxodonta cyclotis) còn đến hơn hai trăm nghìn cá thể, dù tại một số quốc gia đã ghi nhận sự tuyệt chủng của loài voi này ngay trong thế kỷ 20, như Burundi năm 1970, Gambia năm 1913, Mauritania năm 1980… thì voi châu Á là một di sản văn hóa sinh vật học vô cùng quý giá hơn 4.000 năm của người dân châu Á, lại đang phải đối mặt với sự thờ ơ trong nhận thức bảo tồn của phần đông dân chúng. Các quần thể voi châu Á đang ngày càng suy giảm ở tất cả các nước có voi trên thế giới, ước tính chỉ còn khoảng  35.000 - 50.000 con voi hoang dã, và khoảng 15.000 con voi nhà, quá ít so với voi châu Phi.

Phạm vi phân bố voi Châu Á gồm 13 nước, trong đó Ấn Độ có số lượng voi lớn nhất, khoảng 20.000 con - 25.000 con; Myanmar có khoảng 4.000- 5.000 con; trên đảo Sumatra (Inđônêxia) ước có 2.800 - 4.800 con; Sri Lanka có 2.500 - 3.000 con; Sabah có thể có 2.000- 3.000 con; Thái Lan khoảng 2.000 con; Lào khoảng 1.000 con; bán đảo Malaysia có 1.000 con; Việt Nam có khoảng 70- 130 con và các nước còn lại có quần thể voi rất nhỏ, phân bố rải rác.

Việc voi bị giết hại bừa bãi không là chuyện riêng ở Việt Nam, mà phổ biến ở tất cả các nước vốn có nhiều voi. Tuy nhiên, một số nước đã sớm có nhận thức và đi đến hành động hiệu quả, trở thành những điểm sáng cho công cuộc bảo tồn voi châu Á.

Các điển hình về bảo tồn voi 

Số voi hoang dã ở đất nước Ấn Độ rộng lớn chiếm tới 50-60% quần thể voi châu Á trên thế giới.

Vấn nạn thu hẹp môi trường sống tự nhiên đối với voi Ấn Độ cũng dẫn đến vô số vụ xung đột giữa voi với người. Từ năm 1992, Chính phủ Ấn Độ đã cho xây dựng Đề án bảo tồn voi. Đến nay, Đề án này đã thành lập được 25 khu bảo tồn voi với tổng diện tích 58.000 km2, triển khai chương trình giám sát giết hại voi bất hợp pháp theo Công ước CITES. 

Đề án cho phép thuần dưỡng một số lượng voi đủ để sử dụng vào các mục đích khác nhau trong đời sống của người dân địa phương như: Khai thác gỗ, vận chuyển vật liệu xây dựng, tham gia lễ hội voi, phục vụ du lịch và công tác tuần tra, bảo vệ rừng, dạy nghề làm xiếc, nuôi trong vườn thú.

Thật khó có thể hình dung một ngày nào đó trên đất nước ta vắng bóng những con voi trong rừng già hay bản làng Việt Nam. Vậy mà điều đó đang trở thành hiện thực rất gần, với thực trạng số lượng voi đã thuyên giảm đến thảm hại. Việc bảo vệ các loài động vật quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng là trách nhiệm chung của cộng đồng, nhưng riêng với loài voi, giới sử học và văn hóa còn quan tâm đến nó như một phần tâm thức gắn liền với truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc…

Nhà sử học Dương Trung Quốc  

Tại Thái Lan, từ năm 1993, dưới sự bảo trợ hữu hiệu của Hoàng gia, Chính phủ đã cho thành lập Trung tâm bảo tồn voi, Viện voi quốc gia Thái Lan, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất bảo đảm thực thi tốt các chức năng nhiệm vụ như đẩy mạnh hoạt động du lịch, văn hóa lễ hội, mở bệnh viện voi để khám di động và điều trị miễn phí cho các con voi bị bệnh hiểm nghèo. Đặc biệt, Thái Lan chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học về voi, triển khai thành công đề tài giúp voi sinh sản nhân tạo, đào tạo kỹ năng thuần thục cho đàn voi nhà đông đúc tới 2.700 con voi đã thuần dưỡng.

Tại Indonesia, các Trung tâm bảo tồn voi được thành lập và phát triển nhanh chóng vào cuối năm 2000, đến nay đã bảo tồn được hơn 350 con voi.

Láng giềng của Việt Nam, Vương quốc Lào từng được gọi là đất nước Triệu Voi gần đây đã được một số tổ chức quốc tế tài trợ, giúp đỡ đáng kể để mục đích bảo tồn voi trở nên hiệu quả. Campuchia, nhiều gia tộc trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Phnong cũng giỏi nghề thuần hóa, nuôi dưỡng voi.

Đôi lần có dịp sang Campuchia, chỉ cần đặt chân sang bờ Tây biên giới Mondunkiri, tôi đã được đứng ngây người ngắm những đàn voi cao lớn, khỏe đẹp, còn đủ cả những chùm lông đuôi dài thậm thượt và cặp ngà dài óng chuốt. Đến trung tâm du lịch ở Siêm Riệp, càng thấy thêm nhiều đàn voi xoay vòng phục vụ hàng chục triệu lượt du khách mỗi năm mà dáng vóc vẫn thong dong tự tại, uy nghi dũng mãnh. Lòng tự hỏi : Vì sao bạn giữ được cho voi vẻ đẹp ấy, còn ta thì không?

Cứu voi như cứu hỏa - Kỳ III: Bảo tồn voi, nhìn ra thế giới ảnh 1

Đàn voi Đắk Lắk 10 năm trước cúi chào quan khách và công chúng dự lễ. Ảnh: H.T.N.

Ngày đàng, sàng khôn

Từ năm 2013, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đã cử cán bộ tham gia khóa tập huấn Chăm sóc dinh dưỡng, sinh sản và quản lý đàn voi nhà tại Sri Lanka, do trường Cao đẳng Thú y Hoàng gia Anh phối hợp với Đại học Chiang Mai (Thái Lan), cùng các chuyên gia thú y và động vật của Sri Lanka tổ chức. Được may mắn chọn tham gia khóa học này, thạc sĩ thú y Phạm Văn Thịnh xác nhận: những điều mắt thấy tai nghe và khối tri thức mới mẻ vừa thu nạp được, với anh, thật quý giá.

Cùng tôi đi ra vạt rừng nơi cột chú voi Cu Sứt Em bị dính bẫy, thương tích đầy mình để chăm sóc, thạc sĩ Thịnh chia sẻ: Srilanka đầu thế kỷ thứ 19 có khoảng 19.500 voi hoang dã, cũng bởi không ngăn chặn được rất nhiều cách sát hại voi của những kẻ thiếu ý thức như bên ta, mà nay chỉ còn chưa tới 3.000 con voi tồn tại.

 Tuy nhiên, nhờ Chính phủ Srilanka rất cố gắng nỗ lực thực hiện các giải pháp bảo tồn voi hiệu quả, mà đất nước này đã trở thành thủ phủ của Trung tâm bảo tồn voi châu Á, được nhiều chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới chọn làm điểm đến để tham quan học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.

Nhiều bài học về bảo tồn voi từ Srilanka mà chúng ta có thể tiếp thu, ứng dụng trong thời gian tới, cải biến cho phù hợp với thực tế địa phương đã được ghi nhận vào đề án bảo tồn voi Việt Nam, như: Ngăn chặn việc sử dụng tiếng ồn, ánh sáng và các thiết bị gây sốc khác làm ảnh hưởng đến sinh cảnh sống của voi; Thành lập công viên quốc gia mới và mở rộng diện tích khu bảo tồn; Thiết lập hành lang bảo tồn voi để tạo điều kiện cho voi đi lại được thuận lợi; 

Làm giàu môi trường sống các khu vực có voi phân bố; Di chuyển voi đến khu vực ít dân cư; Phát triển hình thức bảo tồn chuyển vị để phục vụ công tác nhân giống voi; Tăng cường kiểm soát nạn săn bắn trộm; Bảo tồn voi gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Riêng việc đầu tư xây dựng hàng rào điện giữa khu vực đất sản xuất nông nghiệp và sinh cảnh sống của voi, thì đã được làm thí điểm ở Đồng Nai từ 3 năm trước.

Ông Huỳnh Trung Luân- Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết: Do nguồn kinh phí hoạt động rất hạn hẹp, cho tới nay Trung tâm vẫn chỉ mới có mỗi một cán bộ là anh Phạm Văn Thịnh được cử đi tập huấn ở nước ngoài. 

Tuy nhiên mấy năm gần đây, trung tâm đã liên hệ mời được các chuyên gia giỏi sang giảng dạy, khám sức khỏe, chẩn đoán bệnh, điều trị tại chỗ cho voi để cán bộ nhân viên tranh thủ học hỏi, rút kinh nghiệm. Những kiến thức này hết sức bổ ích cho công tác bảo tồn voi sắp tới, mà trung tâm giữ trọng trách là đơn vị đầu tàu triển khai.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến bảo tồn voi, trong đó có : Chỉ thị số 359/TTg ngày 29/5/1996 về những biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã. Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 16/05/2006 phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn trương đến năm 2010 để bảo tồn voi; Quyết định số 940/QĐ-TTg ngày 19/7/2012 phê duyệt kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn voi. Quyết định số 763/QĐ-TTg ngày 21/5/2013 phê duyệt Đề án tổng thể bảo tồn Voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.