Phó Chủ tịch  Quốc hội Trương Quang Được:

Đã được dân tín nhiệm thì đều vào “ống kính”

Đã được dân tín nhiệm thì đều vào “ống kính”
TP - Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XII Trương Quang Được với báo chí xung quanh việc chuẩn bị cho cuộc  bầu cử ĐBQH khóa XII.
Đã được dân tín nhiệm thì đều vào “ống kính” ảnh 1
Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XII Trương Quang Được

Về đề nghị tăng số lượng ĐBQH là người  ngoài Đảng từ 10% lên 20% và mở rộng phạm vi cho những người tự ứng cử như đề xuất của UB T.Ư MTTQ Việt Nam, ông Trương Quang Được nói:

Quan điểm của UBTVQH là hoan nghênh và tiếp thu những ý kiến đóng góp, kiến nghị của Đoàn Chủ tịch T.Ư MTTQ Việt Nam sau cuộc Hiệp thương lần 1, xem xét số lượng, cơ cấu, thành phần dự kiến ĐBQH khóa XII.

Đây mới là dự kiến, chứ không cứng nhắc áp đặt, dự kiến số lượng ĐBQH từ khối các cơ quan báo chí, truyền thông cũng vậy.

Thưa Phó Chủ tịch, tại sao chúng ta không tăng số dư ứng cử viên  lên từ 3-5 người/đơn vị bầu cử, thay vì 2 như quy định hiện nay?

Tất cả đều phải theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH hiện hành. Cũng còn phải căn cứ  diễn biến thực tế của khu vực bầu cử, số lượng cử tri, sau đó Hội đồng bầu cử sẽ cân nhắc.

Có ý kiến sao không mở rộng “chỗ” cho người tự ứng cử (quy định cụ thể % ĐBQH)?

Trúng ĐBQH là do lá phiếu tín nhiệm của người dân. Người dân quyết định chứ không thể áp đặt được. Theo tôi thì người dân rất trí tuệ  và công bằng, họ bỏ phiếu cho người đảm đương được công việc và tâm huyết thực sự với công việc của dân.

Trường hợp một người khi ứng cử  đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh trong vận động tranh cử đã có hàng ngàn tờ rơi dán ở nhiều nơi và đưa tận tay cử tri đề nghị ai muốn bày tỏ nguyện vọng đều có thể đến nhà riêng của ông nếu ông trúng cử.  Hình thức này liệu có được áp dụng cho ứng viên ĐBQH kỳ này?

Đối với những người tự ứng cử, cũng như những người được đề cử đều có những buổi tiếp xúc trực tiếp với cử tri, báo cáo trước cử tri chương trình hành động của mình sau khi trúng cử là ĐBQH... Tất cả đều công khai, kể cả quy định bắt buộc kê khai tài sản, để cử tri giám sát.

Mỗi ứng viên do cơ quan tổ chức, đoàn thể giới thiệu hoặc tự ứng cử đều phải qua quy trình hiệp thương do MTTQ, Hội đồng Bầu cử các địa phương tổ chức theo quy định, chứ không phải cứ tự ý diễn thuyết, họp báo tranh cử... Tất cả đều phải làm theo luật, chứ nếu mỗi ứng viên đều đề ra một cách tiếp xúc cử tri khác nhau, sẽ rất khó cho Hội đồng bầu cử và ngay cả cử tri cũng không thể biết  thông tin của ứng viên nào là trung thực, chính xác.

Vậy làm thế nào để mọi cử tri có thể nắm rõ và biết thông tin đầy đủ về người ứng cử để quyết định bỏ phiếu bầu cho thật chính xác?

Quy trình bầu cử hiện nay đều trải qua 5 bước và 3 vòng hiệp thương trước khi Hội đồng bầu cử tỉnh, thành niêm yết công khai danh tính, lý lịch tiểu sử của họ. Với mỗi ứng cử viên đều phải lấy ý kiến nhân dân nơi cư trú, lấy ý kiến cơ quan nơi làm việc...

Ra hội nghị hiệp thương do MTTQ tổ chức còn phải được đồng thuận của các thành phần đông đảo và đa dạng tham gia hiệp thương. Sau đó ứng viên còn có bài phát biểu trước hội nghị tiếp xúc cử tri về cam kết của mình khi trúng cử. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, Hội đồng bầu cử địa phương phải mời đúng thành phần cử tri tham dự  chứ không phải bất cứ ai cũng có thể vào hội nghị.

Tính cơ cấu liệu có hạn chế tính tiêu chuẩn trong lựa chọn ứng viên ĐBQH, thưa Phó Chủ tịch?

Tôi cho rằng hai điều này hỗ trợ cho nhau. Nhưng không nên cực đoan về phía tả hoặc phía hữu. Nên vừa phải bảo đảm cơ cấu vừa phải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng.

Nếu chỉ nặng về tiêu chuẩn thì tính đại diện trong Quốc hội sẽ thiếu đi. Nhưng nếu nặng quá về cơ cấu thì chất lượng đại biểu Quốc hội sẽ giảm. Cho nên chỉ có thể châm chước một vài chỗ, ví dụ nơi này hơi mất cân đối một chút nhưng bảo đảm được chất lượng.

Vậy liệu kỳ bầu cử ĐBQH lần này có giảm bớt được những đại biểu mà phải “gánh” trên vai tới 5-6 cơ cấu như người ta vẫn nói hay không?

Kỳ này cũng có lưu tâm đến chuyện đó. Nhưng cũng phải nói thẳng là việc hoàn toàn không có nữa thì cũng chưa hết. Bởi vì bản thân một con người đã đại diện cho một giới rồi! Vì thế, mỗi người ít nhất đã có 2 cơ cấu. Và vì thế có những người họ phải thêm mấy “cái mũ” nữa.

Cơ cấu không phải để nặng nề mà chính là để tăng tính đại diện của các giới, các tầng lớp, các dân tộc trong Quốc hội. Đất nước chúng ta có 54 dân tộc, dần dần sẽ phải có đại diện trong Quốc hội. Kỳ này cũng sẽ có thêm một số đại biểu của các dân tộc mà trước đây chưa có, làm theo kiểu luân phiên anh này làm mấy nhiệm kỳ rồi thì anh kia được vào. 

Còn quan điểm về người ngoài Đảng ứng cử ĐBQH thì sao thưa Phó Chủ tịch?

Nhiệm kỳ QH XI vừa rồi có tỷ lệ người ngoài Đảng là 10,2%, khóa XII này cố gắng để tỷ lệ này nhiều hơn số đó. Người đại diện cho tôn giáo cũng là người ngoài Đảng. Nhiều người ngoài Đảng hoạt động rất tốt, nhưng quan trọng là phải được người dân tín nhiệm và đảm đương được công việc.

Một khi đã được dân tín nhiệm thì  người đó đều vào “ống kính” (được giới thiệu ứng cử và có khả năng trúng cử-PV) hết! Trừ trường hợp có những người  giỏi mà tính cách hơi ngang thì đã có cách khác là khuyến khích để họ tự ứng cử. 

Đó là cách để tránh định kiến trong phạm vi hẹp của tổ chức, cơ quan mà người đó đang công tác, vì ra hiệp thương thì  có chỗ rộng rãi hơn  để tránh được định kiến, mặc cảm của cơ quan trong phạm vi hẹp kia. Thì người giỏi mà ngang kia vẫn có thể được bầu nếu họ trình bày tâm huyết và chương trình hành động của họ được cử tri tín nhiệm.

Quang Đông ghi

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.