Đà Lạt... khát!

Đà Lạt... khát!
TP - Rất nhiều khu vực ở Đà Lạt bị cúp nước hoặc thiếu hụt nước sinh hoạt nhiều lần trong năm, mỗi lần có thể vài giờ, nửa ngày, thậm chí kéo dài mấy ngày liền.
Đà Lạt... khát! ảnh 1
Nhà máy thủy điện Ankroet phải tạm ngưng hoạt động để tích nước cho nhà máy nước

>> Đà Lạt... nóng

Đặc biệt, có tới vài ngàn hộ (khoảng 1,5 vạn người) bị thiếu nước sinh hoạt vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán.

Cảnh các gia đình nháo nhác đi xin nước giếng; huy động tất cả xô, thùng, thau, chậu to nhỏ và phân công nhau thức suốt đêm hứng nước trong dịp Tết đã trở nên quá quen thuộc với người dân thành phố mộng mơ này.

“Việc thiếu hụt nước sinh hoạt gây ảnh hưởng xấu đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp” - Chủ tịch Hội đồng quản trị Dalat Toserco nói. “Điều này cũng gây nhiều phiền toái cho du khách” - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Đoàn Văn Việt nhận định.

BS Nguyễn Bá Hy - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng càng bức xúc hơn, ông cho biết: Nhiều tháng qua, bệnh viện bị thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng đến việc chạy thận nhân tạo, điều trị bệnh và sinh hoạt của y bác sĩ cũng như bệnh nhân; khu khám bệnh và điều trị mới xây 1 năm nay nhưng nước không thể lên tới tầng 3.

Nhu cầu sử dụng nước của bệnh viện khoảng 200m3/ngày đêm nhưng có những ngày không có giọt nước nào. Bệnh viện có một bể chứa dung tích 60m3 nhưng ở vị trí thấp hơn tầng 3 nên hầu hết các khoa phải tự chứa nước vào thùng để dùng.

Ngày 9/3, ông Trần Đình Lãnh - Giám đốc Cty Cấp thoát nước Lâm Đồng đã có lời xin lỗi các doanh nghiệp và khách hàng bị thiếu hụt nước sinh hoạt trong thời gian qua.

Tuy nhiên, ông cho rằng các nhà máy đều đã vận hành hết công suất nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu bởi số lượng khách hàng tăng nhanh trong những năm gần đây và tăng đột biến trong dịp Tết.

Từ năm 2005, Cty đã có phương án xây dựng nhà máy nước hồ Tuyền Lâm (tổng vốn gần 74 tỷ đồng, công suất 10 ngàn m3/ ngày đêm) để phục vụ cho khu du lịch hồ Tuyền Lâm và cấp bổ sung nước cho thành phố.

Vốn đã có, đường ống chuyển tải nước nối Tuyền Lâm - Đà Lạt (chi phí 4 tỷ đồng) cũng đã làm xong nhưng vẫn chưa được cấp đất ở vị trí phù hợp để xây nhà máy.  

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất điện - cúp nước song hành, Phó giám đốc Cty Cấp thoát nước Lâm Đồng Võ Quang Tuân nói: Việc vận hành các nhà máy nước hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn điện của điện lực địa phương.

Trong khi đó, 6 năm nay chất lượng điện cung cấp cho cơ sở sản xuất nước không ổn định. Số lần mất điện và thời gian mất điện kéo dài vẫn thường diễn ra, làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác sản xuất nước.

Để khắc phục tình trạng này, tháng 9/2006 Cty đã đề nghị UBND tỉnh cho đầu tư 1 trạm phát điện dự phòng với công suất 3x1.200 KVA đặt tại nhà máy nước Đankia nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Rõ ràng lĩnh vực cấp nước sinh hoạt chưa được chính quyền và ban ngành chức năng quan tâm đầu tư thỏa đáng. Và, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hoàng Sĩ Sơn thì Cty Cấp thoát nước cũng chưa làm hết trách nhiệm của mình.

Nếu không khẩn trương tìm biện pháp tháo gỡ thì tình hình thiếu hụt nước sinh hoạt sẽ kéo dài trong nhiều năm tới, ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân và kìm hãm sự phát triển kinh tế, đặc biệt đối với ngành du lịch. 

MỚI - NÓNG