Đà Nẵng: Tiếp tục bán siêu thị duy nhất của thành phố

Đà Nẵng: Tiếp tục bán siêu thị duy nhất của thành phố
TP - “Bán, bán, bán...” - Đó là câu thường trực trong mọi câu chuyện của cán bộ, công chức và nhân dân thành phố Đà Nẵng những ngày này, khi thành phố đưa ra chủ trương bán hàng loạt trụ sở của các Sở, ban ngành và cả nhiều công trình văn hóa.
Đà Nẵng: Tiếp tục bán siêu thị duy nhất của thành phố ảnh 1
Giới kinh doanh tại siêu thị Đà Nẵng đang tập trung ra yêu sách trước trụ sở Sở thương mại.

Bán siêu thị duy nhất của thành phố, giới kinh doanh “nháo nhác”

Chiều 8/2, hàng chục tiểu thương tại khu B – Trung tâm thương mại siêu thị Đà Nẵng đại diện cho khoảng 500 hộ đang kinh doanh tại đây, đã kéo đến trước trụ sở Sở Thương mại với tâm thế hết sức bức xúc sau khi được tin thành phố đang triển khai bán đấu giá siêu thị.

Đại diện cho các hộ kinh doanh, bà Võ Thị Nhì - Tổ trưởng ngành cá tươi tại đây, giận dữ nói : “Chúng tôi kinh doanh ở đây 5 năm rồi. 3 năm đầu ế ẩm vì địa điểm lại mới, 2 năm lại đây mới kinh doanh tốt. Đùng một cái trước Tết, thành phố bán luôn siêu thị, chúng tôi biết sống bằng gì bây giờ?”.

Chúng tôi tìm gặp bà Bùi Diệu Thanh - GĐ Sở Thương mại TP Đà Nẵng. Bà Thanh liền thú thực: “Sở chưa nghe có chỉ đạo gì về việc này, chỉ biết qua báo chí”.

Đây là siêu thị đầu tiên của thành phố, nên thành phố đầu tư rất nhiều để tạo cho người dân và giới kinh doanh quen dần với phương thức kinh doanh mới.

Qua khoảng 3 năm đầu khó khăn, 2 năm trở lại đây siêu thị đã hoạt động tốt, kể cả kinh doanh lẫn các hoạt động quảng bá, thu hút nhiều doanh nghiệp khác đến thuê và là hình mẫu để một số tư nhân mở các siêu thị nhỏ vệ tinh”.

Về quan điểm của Sở, bà Thanh nói: “Nếu thành phố có chủ trương thì Sở phải chấp hành. Nhưng theo tôi, siêu thị đang kinh doanh hiệu quả, thì nên giữ lại, vừa là một điển hình mới, vừa là vị trí đắc địa nhất nhì của thành phố về kinh doanh”.

Theo nhiều người dân, những năm trước, sở dĩ hàng trăm hộ dân nơi đây sẵn sàng di dời khỏi vị trí đắc địa này để dành đất cho thành phố xây siêu thị, vì họ được thành phố thuyết phục sẽ xây dựng nơi đây một công trình phúc lợi công cộng. Nay mới qua 5 năm, và đã “đổ” vào đây hơn 40 tỷ đồng, thành phố lại “bán tắp lự” địa điểm “vàng” này cho tư nhân, khác nào lừa dân.

Bà Bùi Diệu Thanh đã trực tiếp đến siêu thị Đà Nẵng để tiếp xúc với các hộ kinh doanh. Vài trăm người đã đưa ra hàng loạt yêu sách với Sở, như phải có văn bản chính thức của UBND TP về việc này và đòi được gặp gỡ trực tiếp với Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh.

Bán rạp chiếu phim và hàng loạt công trình văn hóa quen thuộc

Mới đây, ngày 5/2/2007, báo Tiền phong đăng bài “Đà Nẵng - Bán rạp chiếu phim cuối cùng của thành phố ?”, phản ánh sự bức xúc của người dân khi rạp phim Lê Độ bị đem bán đấu giá, đặc biệt đây là rạp cuối cùng, sau khi 6 rạp trước đã bị bán và thu hồi.

Bà Huỳnh Thị Tuyết - GĐ FAFIM tại Đà Nẵng (thuộc Cục Điện ảnh VN) thẳng thắn: “Tôi chưa biết lý do vì sao thành phố lại bán rạp cuối cùng này, nhưng dù với bất kỳ lý do gì, thì đây cũng là việc không nên làm. Sinh ra Trung tâm phát hành phim, thì phải có nơi cho họ phát hành và quảng bá văn hóa chứ, nhất là đây là nơi được chọn để phục vụ nhiệm vụ chính trị”.

Trả lời PV Tiền phong, ông Lê Ngọc Thạnh – GĐ Trung tâm thương mại siêu thị Đà Nẵng (thuộc Sở Thương mại), cho biết :

“Hiện tại siêu thị đang có 14 đối tác, và 497 hộ kinh doanh. Mỗi năm chúng tôi thu ròng 12 tỷ tiền thuê mặt bằng và nộp ngân sách 3,1 tỷ (năm 2006). Ngoài ra, như năm 2006, các hộ tiểu thương tại đây đã nộp thuế cho Nhà nước là 4,68 tỷ đồng.

Với Đà Nẵng, đây là khoản thu không nhỏ. Là người trực tiếp gắn bó ở đây, tôi thấy rất tiếc. Phải bao nhiêu khó khăn, giờ mới sôi động thì lại bị đem bán...”.

Ngày 31/1/2007, Sở VH-TT TP Đà Nẵng cũng đã gửi văn bản số 85 lên Chủ tịch UBND TP, tha thiết đề nghị thành phố không thu hồi bán đấu giá rạp Lê Độ.

Tuy nhiên, ngày 6/2/2007, Chủ tịch UBND TP Trần Văn Minh đã ký văn bản số 669/UBND-QLĐTh gửi các Sở Tài chính và Tài nguyên - Môi trường, yêu cầu trước ngày 10/2/2007, các Sở này phải hoàn thành việc đề xuất giá khởi điểm để trình ủy ban thành phố quyết định bán một loạt khu đất.

Đáng thất vọng, các “khu đất” - chữ dùng trong văn bản của thành phố, lại là hàng loạt các công trình văn hóa quen thuộc của Đà Nẵng. Đó là Trung tâm Văn hóa - Thông tin (84 Hùng Vương), là Bảo tàng Đà Nẵng (78 Lê Duẩn), Thư viện Đà Nẵng (33 Trần Phú), Công viên nước Đà Nẵng, Siêu thị Đà Nẵng...

Được biết, thành phố sẽ đưa bảo tàng về khu vực Thành Điện Hải, nhưng nay đã qua mấy năm, công trình bảo tàng này mới là 2 tầng nhà xây dang dở và bỏ hoang phế, cây cỏ mọc lút đầu.

Còn Công viên nước, mấy năm trước, dù có nhiều ý kiến phản bác, nhưng thành phố vẫn quyết tâm “đổ” ra hơn 64 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, nay thất bại nên đem bán.

Với siêu thị Đà Nẵng, thuyết phục dân để lấy đất, nay đang “ăn nên làm ra”, cũng đem bán nốt. Đáng nói hầu hết những “khu đất” trên đều là những “mảnh đất vàng” nằm ở trung tâm của Đà Nẵng, nên được “ưu tiên” bán trước, trong bối cảnh hàng ngàn lô đất mặt tiền khác ngoại vi thành phố đang chỏng chơ ế ấm chẳng ai dòm ngó.

MỚI - NÓNG