Đà Nẵng: Xây mới ga hàng không, di dời ga đường sắt

Dự án di dời nhà ga Đà Nẵng được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: Trí Quân.
Dự án di dời nhà ga Đà Nẵng được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: Trí Quân.
TP - Khởi công xây dựng nhà ga hàng không quốc tế mới Đà Nẵng và hoàn thành phê duyệt phương án di dời nhà ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố ngay trong quý IV/2015 là chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng sáng 12/8, trong cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cùng các bên liên quan.

Ga hàng không mới: “Phải có sẵn tiền !” 

Nhà ga hành khách quốc tế mới tại Cảng HKQT Đà Nẵng sẽ được khởi công xây dựng tháng 12/2015, tổng diện tích 44.000m2 sàn gồm 2 cao trình đi và đến tách biệt với 4 tầng lầu. Công suất nhà ga 4 triệu khách/năm, tổng mức đầu tư dự kiến 3.200 tỷ đồng. Như vậy đây sẽ là nhà ga thứ hai tại Cảng HKQT Đà Nẵng, sau nhà ga thứ nhất hoàn thành cuối năm 2011.

Theo Tổng GĐ Tổng Cty Hàng không VN (ACV) Lê Mạnh Hùng, việc xây nhà ga mới giúp tách riêng biệt quy trình khai thác ga quốc tế và quốc nội. Lượng khách đi máy bay thông qua Đà Nẵng tăng liên tục. Chỉ 6 tháng đầu năm 2015, lượng khách đã tăng trưởng tới 35%. Việc Cảng HKQT Đà Nẵng “cán đích” từ 6 triệu đến 6,5 triệu lượt khách trong năm 2016 đã thấy rõ, mặc dù con số này được quy hoạch cho đến năm 2020.

“Chúng ta phải kéo dài từ năm 2004 đến hết năm 2011 mới xong cái nhà ga bây giờ. Còn với nhà ga mới này, phải làm nhanh, đúng tiến độ, chất lượng, và phải đẹp về kiến trúc. Bởi quý I/2017 hoàn thành, cũng là lúc Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Đà Nẵng. Để làm được, chủ đầu tư phải có sẵn tiền, phải ký ngay các hợp đồng tín dụng, tài trợ vốn” - Bộ trưởng Thăng yêu cầu.

Di dời ga: “Các nhà đầu tư không phải nói cho vui”

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng các đơn vị liên quan đã cùng Đà Nẵng tháo gỡ một “nút thắt” lớn về giao thông suốt nhiều chục năm qua. Đó là việc di dời nhà ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố, và xây dựng hầm đường sắt qua đèo Hải Vân.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn, đây là “ga cụt” nằm ngay giữa trung tâm thành phố, ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển quy hoạch đô thị, cũng như gây ách tắc giao thông nội thành.

Thực tế, trên cơ sở phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ các năm 2001-2003, Bộ GTVT đã cho phép nghiên cứu tiền khả thi 2 dự án trên. Tuy nhiên, lý do duy nhất chưa thực hiện được là thiếu kinh phí. Nay dự án hầm đường sắt Hải Vân đang được kêu gọi vốn ODA từ JICA (Nhật Bản). Còn dự án di dời ga hiện có 4 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, gồm Tập đoàn Vingroup, Cty Nam Việt Á (Đà Nẵng), Cty CP Tập đoàn Đức Bình và Tập đoàn T&T.

Theo đại diện lãnh đạo Cty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT (Bộ GTVT) – đơn vị được giao lập dự án di dời ga Đà Nẵng, nếu thực hiện đồng bộ cả hai dự án, thì quy mô và chi phí xây dựng ước tính 16.477 tỷ đồng. Trong đó, dự án xây hầm đường sắt chiều dài toàn tuyến 22km, kinh phí 9.510 tỷ đồng; Di dời ga chiều dài toàn tuyến 16km, kinh phí 6.967 tỷ đồng.

Bộ trưởng Thăng kết luận, trước mắt tách dự án hầm đường sắt ra, vì liên quan đến ODA. Còn dự án di dời ga, phải làm xong phương án sơ bộ trong quý III/2015, để quý IV duyệt phương án chính thức. “Với dự án này, các nhà đầu tư quan tâm thực sự chứ không phải nói cho vui”.

Tại chuyến thăm, làm việc với Cty Ô tô Trường Hải (Chu Lai, Quảng Nam) sáng 12/8, khi tham quan các dây chuyền sản xuất lắp ráp của Trường Hải, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặc biệt lưu ý với vai trò là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô lớn, Cty phải chú trọng đảm bảo ATGT phương tiện, bảo vệ môi trường, kiểm soát tải trọng… ngay từ khâu sản xuất.  

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.