Đại biểu QH nói về bất cập trong việc mua sắm thiết bị y tế

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan
TPO - “Bây giờ đang có sự lạm dụng. Cha chung không ai khóc, rồi quỹ BHYT chi trả, nên ai nấy cũng cắm đầu đi mua ngay trang thiết bị y tế”, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan nói.

Bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 25/5, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM), đại biểu hoạt động trong lĩnh vực y tế, trao đổi với báo chí xoay quanh kết quả kiểm toán việc thất thoát, lãng phí trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế mà KTNN vừa công bố.

Bà Lan cho biết, kiểm toán có quan điểm của họ, song trên tổng thể, giữa đơn vị kiểm toán và người được kiểm toán phải có trao đổi, thống nhất ý kiến. Nhưng qua theo dõi, bà Lan chưa thấy sự thống nhất.

Có những mặt hàng kiểm toán kết luận có sự chênh lệch quá lớn giữa các bệnh viện, có sản phẩm chênh tới 6-7 lần, nhưng đơn vị cũng có giải trình, cho rằng kiểm toán so sánh như vậy chưa thoả đáng.

Đại biểu này cho rằng, kiểm toán làm sao để khi có kết luận người ta tâm phục khẩu phục thì hay hơn, để từ đó họ nhận thức được mình sai chỗ nào, để khắc phục, làm cho tốt. Còn nếu kiểm toán cứ kết luận mà đơn vị cho rằng không thoả đáng, không đúng, người ta còn ấm ức thì cũng chưa trọn vẹn.

“Khi kết quả đưa lên, dư luận nhìn thấy những mức giá chênh lệch như vậy, tôi hiểu là sẽ hướng đến nghi ngờ có tiêu cực vì đây là thực hiện theo cơ chế thị trường mà không loại trừ sự bắt tay nên dẫn đến chênh lệch giá”, bà Lan nêu, đồng thời nhấn mạnh, sự chênh lệch ấy có thể do tiêu cực, nhưng cũng có thể do nguyên nhân khách quan, mà phải đi sâu vào từng vụ việc mới nói được, chứ không thể kết luận, áp đặt.

ĐB đoàn TPHCM đặt vấn đề: Hãy nhìn các bệnh viện tư nhân có phải mua máy đắt không? Tại sao cứ dính đến tiền nhà nước là có chuyện? Cho nên phải coi lại, càng đấu thầu, càng chi ly chừng nào thì nguy cơ càng lớn. Hoặc là bắt tay nhau đề đẩy giá lên, hoặc sẽ làm sao để rẻ nhất, thì chất lượng lại có vấn đề. Điều này không thể hiện được tính tự chủ.

“Theo tôi, tự chủ của bệnh viện nói riêng và đơn vị sự nghiệp nói chung không phải là nhà nước không chi tiền nữa, mà tự chủ phải thể hiện ở khâu tổ chức, tự chủ trong trọng dụng người tài. Người nào làm không được anh có thể đuổi ngay.

Rồi phải tự chủ về tài chính. Nếu nhà nước không cho tiền, phải tự trang trải, phải đầu tư chất xám, trí tuệ. Với các bác sĩ, công việc khó khăn như khám chữa bệnh mà còn làm được thì chuyện này dư sức làm, nếu giải quyết được sức sáng tạo của họ”, bà Lan nhìn nhận.

Đại biểu QH nói về bất cập trong việc mua sắm thiết bị y tế ảnh 1 Thiết bị y tế mua về đắp chiếu do mua bằng tiền ngân sách (Ảnh minh họa)

ĐB hoạt động trong ngành y tế cho rằng, cần phải quản tận gốc, tăng cường tính tự chủ của bệnh viện, cho ra định mức hàng năm khám chữa bao nhiêu bệnh nhân và chỉ trong mức đó thôi.

“Hãy tưởng tượng như bệnh viện tư nhân, có cả hội đồng quản trị, theo dõi từng đồng thu chi. Nhưng ngay cả bệnh viện tư nhân nếu không quản lý tốt cũng có sự bắt tay giữa người trực tiếp làm và các công ty để hưởng lợi”, bà Lan nói.

ĐB Lan còn cho rằng, ở TPHCM đã có trường hợp khi khui ra thì vỏ châu Âu, nhưng ruột Trung Quốc, bác sĩ không thẩm định được. Sản phẩm mua về đắp chiếu là chuyện mua bằng tiền ngân sách. Họ cứ nghĩ là mua sẽ dùng, sẽ có lợi, nhưng người sử dụng chưa chuẩn bị, lượng bệnh nhân chưa tính toán… nên rất khó quản lý, nhất là với những bệnh viện năng lực còn hạn chế.

“Cái sợ nhất là mua về rồi lạm dụng. Bây giờ đang có sự lạm dụng, cha chung không ai khóc. Rồi quỹ BHYT chi trả, nên ai nấy cũng cắm đầu đi mua ngay trang thiết bị.

Có những chuyện không cần đến máy, một bác sĩ kinh nghiệm còn hay hơn nhiều, nhưng bác sĩ cũng không rời được máy. Rồi khi xét nghiệm, bệnh viện này không công nhận kết quả của bệnh viện khác, cũng có lý do chuyên môn nữa, nhưng rõ ràng là rất lãng phí”, bà Lan nêu bất cập.

MỚI - NÓNG