Đại biểu Quốc hội phải trung thực, bản lĩnh

TPO - Ngày 22/10, Quốc hội dành phần lớn thời gian thảo luận, cho ý kiến về Luật Tổ chức Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội phải trung thực, bản lĩnh ảnh 1 Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Tổ chức Quốc hội. Ảnh: Vnexpress. 

Các đại biểu Quốc hội (ĐB) nhấn mạnh, dự án luật cần làm rõ hơn vai trò của ĐBQH – người đại diện cho cử tri và nhân dân, đại diện cho lợi ích của đất nước, dân tộc. 

Bản lĩnh của đại biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương cho rằng, tiêu chuẩn của ĐBQH, xuất phát từ vị trí vai trò của ĐBQH được Hiến pháp ghi nhận là đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Ông Đương cho rằng, tiêu chuẩn ĐBQH trong dự thảo còn chung chung, giống như tiêu chuẩn của cán bộ, công chức khác. “Do vậy, tôi đề nghị bổ sung cụm từ "phải trung thành với lợi ích của quốc gia, dân tộc và lợi ích của nhân dân". Để mỗi khi phát biểu vấn đề quan trọng của quốc gia, như tới đây xem xét cho chủ trương đầu tư sân bay Long Thành, ĐB phải trên lập trường lợi ích của quốc gia, dân tộc và lợi ích của nhân dân để mà quyết định”- ĐB Đương nêu ý kiến.

Về trình độ, năng lực của ĐBQH, ông Đương cho rằng dự thảo cũng quy định chung chung. Trong khi đó, thực tiễn cho thấy các đại biểu có rất nhiều thành phần,

Cũng theo ông Đương, cần quy định rõ, ĐBQH phải có chính kiến, độc lập trong suy nghĩ và hành động, phải có năng lực làm đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. ĐB phải dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cử tri, trước quốc hội về hành vi và lời nói của mình.

Ông Đương và một số ĐB cũng cho rằng, tiêu chuẩn về đại biểu chuyên trách phải cao hơn đại biểu thông thường. Ngoài năng lực, học vấn, ĐBQG chuyên trách phải từng trải qua thực tiễn, tinh thông nghiệp vụ. Ví dụ như trong lĩnh vực tư pháp, đại biểu chuyên trách đọc hồ sơ phải biết được oan sai; xem xét báo cáo phải phát hiện chỗ nào là ngụy biện, chỗ nào là thực chất…

Tán thành quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) nhấn mạnh, ĐBQH phải là người trung thực, dám thể hiện bản lĩnh của mình để xứng đáng là người đại diện cho cử tri và nhân dân.

“Với đại biểu chuyên trách phải quy định mỗi kì họp phải phát biểu trước quốc hội một lần” - ĐB Đương góp ý.

Tín nhiệm thấp phải từ chức

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo do Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày, người được lấy phiếu tín nhiệm mà có quá nửa (hoặc hai phần ba) tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể từ chức. Trường hợp không từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) đề nghị quy định này cần phải ghi rõ hơn, cụ thể “nên thay đổi từ "không tín nhiệm có thể từ chức" thành "phải từ chức". ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu ý kiến, khi người được lấy phiếu tín nhiệm mà có 2/3 đánh giá tín nhiệm thấp thì cần quy định thêm người này được quyền từ chức. Vì với kết quả 2/3 tín nhiệm thấp, Quốc hội không cần thiết phải bỏ phiếu tín nhiệm một lần nữa.

Liên quan nội dung này, một số ĐB đề nghị không cần đợi đến 2/3 tỷ lệ phiếu thấp mới bỏ phiếu hay cho từ chức mà chỉ cần 1/2 số phiếu tín nhiệm thấp, người được lấy phiếu cũng nên từ chức, nếu họ không từ chức sẽ thực hiện xử lý theo quy định.

MỚI - NÓNG