Ngày làm việc thứ 6, kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XI:

Đại biểu Quốc hội day dứt về chất lượng xử án

Đại biểu Quốc hội day dứt về chất lượng xử án
Sáng nay (27/3), Quốc hội thảo luận về báo cáo công tác cả nhiệm kỳ của Chánh án TAND tối cao, VKSND tối cao. Nhiều đại biểu cho rằng phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ tư pháp không đạt chuẩn mực của nhiệm vụ, thậm chí có sự thoái hóa, biến chất.
Đại biểu Quốc hội day dứt về chất lượng xử án ảnh 1
Các ĐBQH thảo luận tại tổ. Ảnh : VietnamNet

Trong nhiệm kỳ qua, tuy có giảm thiểu số vụ án oan, nhưng tình trạng án sai , dẫn tới việc một vụ án phải xử đi xử lại nhiều lần (phần lớn là án dân sự, hôn nhân và gia đình...) làm thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của đương sự.

Một số vụ án hành chính, lao động với quyết định của tòa đã gây nghi ngờ cho công chúng vì sự minh bạch, công tâm khi xét xử. Dường như người đi kiện có sẵn một đáp số là: Kiện để cho...ra kiện; chứ không mong có phán quyết công bằng. Vì công dân kiện một cơ quan hành chính thì cầm chắc phần thua sẽ thuộc về người dân.

Trước những vấn đề tồn tại nêu trên, Đại biểu Nguyễn Đình Xuân nhận xét: Trong nhiệm kỳ qua, hình ảnh “ông quan toà” không được trang trọng. Với con số hàng trăm nghìn đơn thư xin giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, ông Xuân đặt vấn đề: “Tại sao một vụ án đã được xử 2 lần, tức là sơ thẩm, phúc thẩm vẫn phải xử giám đốc thẩm. Có vụ phải xử 6-7 lần, trong khi càng xử nhiều thì lòng tin người dân càng lung lay”.

Ông Xuân tự lý giải: “Có nguyên nhân thiếu người, năng lực hạn chế, nhưng không thể không nói tới đạo đức, phẩm chất của một bộ phận cán bộ làm công tác xét xử có vấn đề”.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng cần đánh giá tình hình tiêu cực trong cán bộ của hai ngành VKSND và TAND, ông nói: “Tôi xin thú thật là tiếp xúc cử tri, trong số đó có người nhà của tôi, phải nói là có vấn đề tiêu cực và có thể là tương đối phổ biến. Nếu bây giờ mình làm một người dân bình thường mà liên quan đến toà án, đến công việc tư pháp thì mới thấy hết tất cả phức tạp, khổ sở của người dân”.

Một biểu hiện rất cửa quyền và quan liêu khi tòa án trả lời khiếu nại của người dân nhiều khi không kèm theo những lý giải có cơ sở thuyết phục và người dân cứ khiếu nại nhiều lần, vượt cấp.

Đại biểu Nguyễn Thị Hoài Thu khẳng định Toà án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nhà nước, hiến định đã ghi nhận, “Tuy nhiên, cái người dân trông đợi anh cao nhất phải đúng nhất, chứ không đúng thì làm sao dân tâm phục, khẩu phục. Cái đúng nhất nó còn hơn cả cái cao nhất, cái đúng nhất có thể ở cấp sơ thẩm, chứ không phải đợi đến cấp giám đốc thẩm rồi thậm chí tái thẩm mà cũng còn sai”, bà nói.

Vậy xử lý về trách nhiệm đối với thẩm phán xử sai đã đúng mức chưa, hay vẫn xuê xoa, dẫn đến việc vận dụng luật vào công tác xét xử không đúng. Luật pháp có quy định cụ thể bằng các điều khoản, bằng chứng đã có trong hồ sơ mà vẫn xử sai thì có hay không khái niệm "đường dây chạy án”, chạy việc vào hai ngành tòa án, kiểm sát; Có hay không những kiểm tra viên, chứ chưa nói là kiểm sát viên, đi “rung cây”, để buộc người phạm tội phải hối lộ.

Bà Thu khẳng định có thể chứng minh được việc cán bộ luật ra trường không xin được việc làm, vì không đủ sức để xin vào, trong khi ngành tòa án, kiểm sát liên tục kêu thiếu người. “Cần thật sự nghiêm khắc. Nếu còn có những con người như vậy thì tốt nhất là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, kể cả chịu trách nhiệm hình sự. Có như vậy nhân dân mới tin”.

Không chỉ dừng lại ở lòng tin của người dân, mà người xử án sai, gây thiệt hại cho công dân thì phải chịu trách nhiệm, hoặc nhẹ hơn cũng là trách nhiệm dân sự. Về vấn đề này, có lẽ sẽ phải bổ sung một số quy định về trách nhiệm của thẩm phán , của tòa án và viện kiểm sát.

Về sự quan liêu của tòa án và viện kiểm sát, đại biểu Nguyễn Đình Xuân cho biết: Ông đã nhận được rất nhiều đơn và đã chọn lọc ra những đơn nào thấy có tình, có lý hoặc có vấn đề thì gửi cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao đề nghị xem xét. Các cơ quan này trả lời rất nhanh là “chúng tôi đã rút hồ sơ lên xem xét”. Nhưng từ đó đến nay ông chưa nhận được một công văn nào trả lời khiếu nại hợp lý, sẽ xử lại theo kiểu giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng cũng nhận được rất nhiều đơn từ khiếu nại, tố cáo của nhân dân, ông đã chuyển cho Tòa án nhân dân tối cao xem xét. Ông nhận được trả lời rất nhanh, nhưng chỉ đơn giản là “đã xem xét hồ sơ và thấy không đúng”. “Nhân dân muốn nói đó là hồ sơ sai, phải nghiên cứu lại, nhưng các đồng chí chỉ xem hồ sơ và bảo là nó không đúng thì dễ dàng quá”. Như vậy, quyền giám sát của Đại biểu cũng không được tôn trọng đúng mức, nói gì đến khiếu nại của người dân.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết kể đã rất cảm động khi nhận được thư cảm ơn của cử tri, nói rằng nhìn thấy dấu quốc huy trên thư trả lời rất xúc động, biết là Nhà nước quan tâm. “Nhưng quả thật tôi thấy đau lòng. Chúng tôi chưa làm được gì nhiều cho cử tri, gửi lên thì các đồng chí ở trên cứ gửi một thư trả lời ngắn gọn đã xử đúng luật. Có thể nói là đã không tạo điều kiện cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”.v.v...

Một vấn đề nữa là: Vai trò của luật sư, hiệu quả tranh tụng tại tòa vẫn chưa đúng với yêu cầu của cải cách tư pháp, chưa đúng với tinh thần hiến định. Tòa và viện vẫn còn áp đặt các quan điểm của mình và hầu như phủ nhận những nỗ lực đưa ra chứng cứ, cơ sở pháp luật của luật sư để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho thân chủ của mình.

Một kết luận thường thấy trong các bản án là: Luật sư A...đại diện cho đương sự B đã đưa ra một số ý kiến nhưng không đủ cơ sở pháp lý để xem xét.

Đã hết một nhiệm kỳ 5 năm, cũng đã qua 5 năm thực hiện tinh thần cải cách tư pháp, trách nhiệm của Viện Kiểm sát, của Tòa án nhân dân cũng được nâng lên.

Nguyên tắc xét xử khách quan, đúng luật đã được vận dụng, nhưng cũng còn nhiều vụ án sai, và điều này đòi hỏi phải tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tòa án và Viện kiểm sát.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.