Đại Mỹ - dân đào địa đạo vào nhà

Đại Mỹ - dân đào địa đạo vào nhà
TP - Làng nhỏ ven sông ven núi này tan hoang như vừa bị bom rải thảm. Ít ỏi những ngôi nhà chưa bị đổ sập, muốn vào nhà, người dân phải khoét đào như kiểu đào hầm khoét núi...

Bão qua đã mấy ngày, nhưng thôn Đại Mỹ (xã Đại Hưng - Đại Lộc, Quảng Nam) vẫn bị đóng ngập trong cát bùn có nơi cao tới 2 - 3 m, lút ngang mái nhà!

Đại Mỹ - dân đào địa đạo vào nhà ảnh 1
Những đứa trẻ Đại Mỹ bên hoang tàn sau bão lũ

Bùn lấp ngang ... mũi !

Chừng hơn ba tiếng đồng hồ từ cầu Hà Nha (QL 14B) xe chúng tôi mới bò được vào Đại Mỹ. Con đường từ đầu thôn đến cuối thôn ngổn ngang cây cối bùn đất.

Sông Kôn nước đã hiền hòa, nhưng làng Đại Mỹ ven sông giờ chỉ còn một đống tan hoang đổ nát. Nhà trôi, nhà sập, nhà chìm trong bùn cát. Không điện, không nước, cái đói bao trùm ngôi làng.

Vợ chồng anh chị Nguyễn Hồng Kiệp - Phạm Thị Tâm mừng như bắt được vàng vì lần đầu tiên có nhà báo đến, đem theo mỳ tôm, quà cứu trợ.

“Hết sạch rồi mấy anh ơi! Mấy ngày nay không cơm ăn, nước uống. Gạo sống cũng chẳng còn để nhai. Buổi tối, cả gia đình tui  quây chiếu nằm tạm trên nền xi măng lạnh lẽo” - Anh Kiệp nói.

Đại Mỹ - dân đào địa đạo vào nhà ảnh 2
Anh Phạm Văn Thạnh bên đống đổ nát của ngôi nhà vừa khánh thành được 1 tháng

Ngôi nhà anh Phạm Văn Thạnh và chị Huỳnh Thị Cam bị bùn cát dồn lên tới tận nóc. Chỉ còn khoảng nhỏ xíu sát mái như cái lỗ cho mấy đứa nhỏ chui ra chui vào. Gia đình anh quây bạt che tạm qua nắng mưa sau bão.

Chắc chỉ mấy ngày nắng nữa, nhà anh chắc chỉ còn cách dùng búa tạ đục khối bùn đã cứng như bê tông kia! Ba mẹ con chị Nguyễn Thị Tuyết, bàn thờ chồng ở vị trí cao nhất trong căn chòi gỗ ọp ẹp, vậy mà nước lũ cuốn dựng bàn thờ, may mà mấy mẹ con kịp bơi thoát.

Bà cụ 85 tuổi Nguyễn Thị Sự, than trời: “Đời tui chưa bao giờ gặp cảnh hãi hùng như ri. Ai đời bão lũ qua rồi, ngó lại bùn lấp tới ngang mũi!”.  

Thống kê của chị Lương Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch xã Đại Hưng: Gần 300 hộ ở Đại Mỹ thì có đến hơn 250 hộ bị nhà sập, vùi lấp trong bùn cát”.

Cần thêm nhiều tấm lòng 

Tiền Phong là tờ báo đầu tiên đưa hàng cứu trợ về Đại Mỹ với 83 suất tiền, quà cho những hộ bị thiệt hại nặng nhất.

Đại Mỹ - dân đào địa đạo vào nhà ảnh 3
Đại diện báo Tiền Phong trao tiền hàng cứu trợ giúp người dân thôn Đại Mỹ

Biết tin có đoàn cứu trợ về, mẹ  Mai Thị Thôi - mẹ liệt sĩ, run rẩy loạng choạng ra trình bày: “Cả làng nát bét rồi các chú ơi. Mau đến cứu đói dân làng đây với”.

Mẹ Thôi có con trai duy nhất Lương Thanh Long là liệt sĩ, hiện đang sống với con gái Lương Thị Lân. Ngôi nhà của mẹ bị bão lũ quét sạch đồ đạc. Mẹ đã 82 tuổi, mấy ngày nay vẫn đem sức già ra dọn dẹp đống đổ nát trước nhà.

“Dân bầy tui phải dời khỏi chỗ ni thôi, không sống nổi. Bão số 6 năm kia đã quét sạch trơn, giờ tới trận bão lụt ni nữa, bà con chịu hết nổi. Mong địa phương tính cách di dời chúng tôi lên khu Khe Cái, Gò Dinh cao hơn một chút để được nhờ!”, thay mặt dân làng, chị Lê Thị Bảy tha thiết giãi bày.

Tận cuối chiều mới cầm lòng rời Đại Mỹ, nắng quái hắt xuống triền sông Kôn càng làm khung cảnh ngôi làng ven sông thêm hiu hắt. Ông Phạm Đức Thịnh - Chủ tịch UBND xã Đại Hưng, siết chặt tay cảm ơn: “Bão lũ đến, Đại Mỹ xơ xác, mà nơi đâu cũng thiệt hại. Xã cũng bó tay chứ chẳng biết làm sao. Cảm ơn các anh, báo Tiền Phong đã nhớ tới dân tôi, tới làng Đại Mỹ đầu tiên”.

Đại Mỹ tan hoang đang cần thêm rất nhiều sự chung tay chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.