Đại tang sớm bên bờ biển Đà Nẵng – Quảng Nam

Đại tang sớm bên bờ biển Đà Nẵng – Quảng Nam
TPO - Cho đến nay, đã có thông tin về 31 người tử nạn, 30 người bị thương, 143 người mất tích. Xác 25 nạn nhân sẽ cập cảng Đà Nẵng vào sáng 22/5. Người dân lập bàn thờ bên biển cầu nguyện cho các thuyền viên.

Thông tin mới nhất về hậu quả khốc liệt của cơn bão số 1:

Đại tang sớm bên bờ biển Đà Nẵng – Quảng Nam

Chính quyền TP Đà Nẵng xuất nóng 250.000.000đ hỗ trợ các nạn nhân và gia đình.

 7h15 phút sáng nay, 20/5/2006, phóng viên TPO có mặt tại đồn Biên phòng 248 (TP.Đà Nẵng), nơi toàn bộ tin tức từ hiện trường tai nạn liên tục được truyền về.

Chiếc máy ICOM  đèn nhấp nháy báo hiệu từng tin dữ. Lẫn trong gió biển ầm ào là tiếng đàn ông đứt quãng: “Anh Liên (Trung tá Nguyễn Đình Liên - Đồn trưởng ĐBP 248 - PV) phải không? Thêm 2 người chết nữa rồi. Lam à! Lại vớt thêm 3 người chết nữa nghe... Bây giờ tàu đang trên đường về. Dầu cạn rồi!”.

Đến 10h30, sáng nay, 20/5, theo nguồn tin mới nhất của TPO nhận được, có 31 người chết, 30 người bị thương và 143 người mất tích. 8 tàu bị chìm và 8 tàu mất liên lạc...

Trung úy Mai Sông Lam , người trực bên máy đã mấy ngày nay, cả đêm lẫn ngày, bơ phờ vì thiếu ngủ: “Khủng khiếp quá, cứ một chốc lại có người chết, tàu chìm. Trực máy cũng phải có thần kinh thép đấy...”.

Đại tang sớm bên bờ biển Đà Nẵng – Quảng Nam ảnh 1

 Mẹ và vợ các nạn nhân ngóng chờ bên bờ biển

Người dân quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng những ngày này sống trong không khí vô cùng lo lắng,  đau buồn. Đêm qua, họ đã thức trắng bên bờ biển Liên Chiểu – Thuận Phước, dõi nhìn vô vọng ra đại dương đen ngòm, với chung mong muốn có một “phép màu” nào đó bỗng chốc đưa người thân của họ về với đất liền.

 Họ đứng chờ và thắp hương, những bó hương lập lòe bên biển đen và khói nghi ngút... Khói hương quyện vào nỗi đau quặn lòng của những ông bố, bà mẹ, những người vợ cùng biết bao đứa con thơ trẻ từ nay vĩnh viễn vắng bóng người con, người chồng, người cha. Họ thức trắng đêm qua đến sáng nay, hàng trăm con mắt thẫn thờ ngước nhìn ra biển, mặc cho cái nắng đầu hạ ở miền Trung như thiêu đốt...

Chị Nguyễn Thị Thanh – người mới hôm qua còn nằm liệt giường, nhưng hôm nay đã gắng gượng chống chọi với gió lạnh ban đêm bên biển và cái nắng chói chang buổi trưa -  nức nở: “Hết cả rồi, tôi chẳng còn sức mà khóc nhưng rồi nước mắt cứ tuôn”.

Cả 2 chiếc tàu của gia đình chị do anh Đỗ Văn Đường và bố chị là ông Nguyễn Văn Din  mất tích hiện vẫn chưa liên lạc được. Cô Hồ Thị Lịch – người thân của gia đình anh Đường nói: “Tàu hay người mất tích thì cũng hết hy vọng rồi, biển xa thế, lại đang sóng dữ dội, chỉ mong tìm thấy xác thôi. Bàn thờ này để cầu nguyện cho xác anh em nếu chìm thì hãy nổi lên để đưa vàp đất liên...”.

Bên cạnh ban thờ của gia đình chị Thanh, có 4 – 5 người phụ nữ ôm mặt khóc than, những giọt nước mắt hòa tan trên cát. Đó là những người thân của gia đình chị Lê Thị Huệ.

Tàu DNA 90053 của chồng chị Huệ là anh Nguyễn Út Thanh đã bị chìm vào đêm 19/5. Hiện nay thi thể các nạn nhân trên tàu đang được gấp rút đưa vào đất liền.

 Ông Nguyễn Văn Trà – bố anh Thanh, run rẫy bên bờ cát chờ xác con, cặp mắt nhăn nheo nhỏ những giòng lệ khô: “Biết anh em trên tàu ai còn ai mất. Làm nghề biển bao năm, thật không ngờ lá xanh rụng trước lá vàng”... 

Đại tang sớm bên bờ biển Đà Nẵng – Quảng Nam ảnh 2

 Ông Hồ Văn Bó đang cầu nguyện cho 2 con

 Cách đó không xa, ông Hồ Văn Bó (66 tuổi, trú tại tổ 14 Hà Đông, phường Xuân Hà) đang lập bàn thờ thắp hương cầu nguyện cho hai đứa con trai mất tích.

Con ông, một người là Hồ Ngọc Minh - thuyền trưởng của tàu DNA 6018 (chủ tàu là ông Bùi Văn Vịnh), người kia là Hồ Văn Phát, cũng đi cùng tàu. Con tàu đã biệt tăm tích ngoài khơi không còn dấu vết, không tin tức.

Hai anh em Minh – Phát ra đi, để lại hai người vợ trẻ cùng cả thảy 5 đứa con dại, đứa lớn nhất mới 7 tuổi, nhỏ nhất 3 tuổi. “Cầu trời khấn Phật phù hộ cho các con tôi được cứu vớt để về với vợ con” – lời khấn cầu tuyệt vọng của người cha lạc đi trong gió biển ầm ào.

 Tại xã Bình Minh (Thăng Bình – Quảng Nam), không khí tang tóc cũng bao trùm lên miền quê, nơi có 4 thôn thì cả bốn đều có người bị mất tích.

 Nặng nề nhất là 2 thôn Bình Tân, Bình Tịnh. Mấy hôm nay không có đêm ở những nơi này. Tiếng khóc kể, kêu than vang dậy và bây giờ thì tắc nghẹn.

Bao nhiêu đàn ông, trai trẻ đã đổ ra biển để nuôi sống cả gia đình. Chỉ còn có người già, phụ nữ, trẻ em ở nhà. Và những người đàn bà bây giờ không ai đủ cứng cáp để làm chỗ dựa cho ai nữa, nỗi đau không có điểm tựa càng nhân lên gấp bội.

Đại tang sớm bên bờ biển Đà Nẵng – Quảng Nam ảnh 3

Lập ban thờ cầu cho thi thể các thuyền viên được nổi lên

Số y tá, bác sĩ của xã, được tăng cường từ huyện về túc trực ngày đêm bên những người mấy hôm nay không một miếng cơm vào bụng. Làm sao có thể ăn được khi cả 3 cha con đi thì đều không trở về!

Ông Hùng (Bình Tịnh) đi trên tàu QNA 12 may mắn thoát hiểm, vừa trở về nhà từ sáng sớm, đã gục ngay ngoài sân khi biết tin 2 con trai ông đều chung số phận với 23 người trên con tàu QNA 53 được tin báo chính thức đã chìm.

Bà Học không còn nói được câu nào, sau hung tin về 2 con trai, dù đã thấy chồng bình yên trở về. Chị Ba nằm gần như bất động mấy hôm nay, người nhà phải đổ nước cháo để chị duy trì sự sống. Chị thều thào: “Đau quá, cả chồng và 2 đứa con trai duy nhất, chúng còn quá trẻ, đã không về với tôi nữa rồi...".

Đại tang sớm bên bờ biển Đà Nẵng – Quảng Nam ảnh 4

Hàng trăm người dân tập trung bên vờ biển Liên Chiểu – Thuận Phước chờ tin người thân

Bình Minh hôm nào đìu hiu bốn bề cát trắng, không một vạt cỏ che chân giữa cái nắng ghê rợn, nhà thưa thớt với những vách nứa xiêu vẹo, từ khi có nghề câu mực đã nhanh chóng đổi thay. Cửa  nhà khang trang, người xe tấp nập và những ngày sáng trăng câu mực trở về, khắp nơi rộn ràng như lễ hội.... Bây giờ là nỗi đau bao trùm. Nhưng biết làm gì nếu không bám biển?

Diễn biến hậu quả khốc liệt của cơn bão Chanchu còn rất phức tạp và chắc chắn số người chết, mất tích sẽ không dừng lại... TPO tiếp tục cập nhật đến bạn đọc trong thời gian sớm nhất...

Nhiều biện pháp khắc phục hậu quả

 9h30 sáng nay, phóng viên TPO đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về phương pháp cứu nạn và hỗ trợ những nạn nhân cùng gia đình gặp nạn.

 Ông Minh cho biết: “8h sáng nay, UBND TP đã có quyết định chi nóng 250.000.000đ cho công tác cứu nạn và hỗ trợ. Theo đó, mỗi nạn nhân thiệt mạng được hỗ trợ 2.000.000đ, mỗi nạn nhân thiệt mạng nhưng không xác định tung tích được ủng hộ 1.500.000đ lo an táng. Mỗi thuyền viên tham gia cứu hộ được 500.000đ, còn mỗi tàu tham gia cứu hộ được hỗ trợ 10.000.000đ”.

 Ông Trần Văn Minh cũng cho biết thêm: UBND Tp đã chỉ đạo cho các Sở, ban ngành có liên quan như Sở LĐTB&XH, Sở NLTS, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Công An, Cảng Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện C Đà Nẵng... tham gia công tác cứu hộ và chia xẻ mất mát đau thương cùng người dân quận Thanh Khê.

 Ông Trịnh Lương Trân – GĐ Sở Y tế TP Đà Nẵng cũng cho biết hiện Sở đã làm việc với Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và Bệnh viện C để sẵn sàng tiếp nhận thi thể các nạn nhân trở về. Ông Trân cũng cho biết nhiều khả năng tình trạng các thi thể sẽ thối rữa và không còn nguyên vẹn, nên Sở chỉ đạo sẽ dùng phooc – môn để xử lý...

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".