Dân chơi off-road

Các tay đua off-road thi tài trên địa hình cát. Ảnh: T.N.L.
Các tay đua off-road thi tài trên địa hình cát. Ảnh: T.N.L.
TP - Sáng thứ bảy một ngày nắng tháng Tư. Thành phố nhỏ Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) hiền hòa yên lặng bỗng trở nên xao động khi vang lên tiếng còi hụ của cảnh sát dẫn đường, rồi tiếp theo là một đoàn ô tô mấy chục chiếc, xe nào cũng vằn vện, hầm hố.

Những chiếc xe hai cầu, đa phần là bán tải với các nhãn hiệu Ford Ranger, Nissan Navara, Mitsubishi Triton, Toyota Hilux, Land Cruiser, Mitsubishi Pajero… xe nào cũng trang bị tời kéo, ống thở kiểu Snorkel chuyên dùng cho xe địa hình, bánh béo gân guốc. Có những xe trông như chiếc máy cày với bánh lớn cực đại thường chỉ thấy trong mấy bộ phim hành động Mỹ.

Đủ kiểu dân chơi

Hôm nay, giải đua xe địa hình toàn quốc diễn ra ở khu vực đồi cát mũi Dinh. Dân chơi xe địa hình (off-road) được dịp phô trương lực lượng. Tại khu vực phía nam, ngoài TPHCM, Đồng Nai và đặc biệt là Bình Dương có phong trào chơi xe rất mạnh. Trong cuộc thi lần này, các tay đua Bình Dương cũng tham gia rất đông đảo.

Off-road, hiểu đơn giản là trò chơi lái ôtô hoặc xe máy bốn bánh kiểu ATV (all-terrain-vehicle- xe đi mọi địa hình) trên loại địa hình không có đường làm sẵn, thường là cát, sỏi, lòng sông, bùn, tuyết, đá và các loại địa hình tự nhiên khác. Thường dân chơi off-road ở Việt Nam chỉ có hai dạng. Một là dân chơi thứ thiệt, chơi chỉ để mà chơi. 

Tất nhiên để chơi xe off-road thì phải có tiền, nếu không muốn nói là rất nhiều tiền và luôn sẵn sàng chi tiền. Dường như dân chơi dạng này chiếm đa số trong giới off-road. Một thành viên CLB Xe địa hình TPHCM tả sơ qua về điều kiện nhập môn đối với một người mới như sau: Bỏ ra khoảng 600 triệu đồng mua một chiếc xe bán tải. 

Bỏ thêm khoảng 400 triệu độ lại xe gồm thay lốp đặc chủng, chế lại mâm, độ thêm tời, thứ không thể thiếu với dân off-road, ống thở (để có thể đi vào địa hình ngập nước) và vô vàn thứ linh tinh khác. Bỏ thêm khoảng 600 triệu cho việc sửa chữa xe. Sau khoảng hai năm, chiếc xe mang đi bán còn khoảng 300 triệu đồng. Lúc đó cũng coi như qua giai đoạn nhập môn.

Loại dân chơi thứ hai là những người làm nghề độ xe hoặc có liên quan đến xe cộ, có thể là dân buôn bán xe hay chủ gara. Các cuộc off-road, do vậy chính là thời điểm họ show hàng, thể hiện trình độ và đẳng cấp độ xe của mình. Dân off-road Sài Gòn vẫn hay nhắc tới Ba Tài, chủ một gara chuyên độ xe và Ba Tài cũng thường xuyên tham gia các chuyến off-road. Trong cuộc thi tại Ninh Thuận lần này, anh cũng có mặt.

Dân chơi off-road ảnh 1

Người ta nói chơi off-road cũng chia ra nhiều kiểu. Có người chơi xe mới ngay từ đầu. Lựa chọn hàng đầu của nhóm người này là những chiếc xe việt dã hai cầu, thường là các dòng xe bán tải. Loại thứ hai là chơi xe cũ nhưng phải là những dòng đã nổi tiếng về khả năng đi off-road như Toyota Land Cruiser hay Mitsubishi Pajero, chiếc xe việt dã hai cầu từng thắng giải đua địa hình Paris-Dakar danh tiếng. Đây chính là những đối tượng tham dự cuộc đua hôm nay  ở mũi Dinh, Ninh Thuận.

Còn một dạng chơi off-road khác là dân độ xe cũ, từ những chiếc Toyota dành cho dân lâm nghiệp ra đời cách nay 30-40 năm, đến những chiếc Jeep lùn của quân đội Mỹ, những chiếc Uaz-469 của quân đội Liên Xô (dân Việt Nam quen gọi là U-oát). 

Những người này không chú trọng tốc độ, không tham gia các cuộc đua tốc độ mà chỉ muốn được sống với loại xe mình hâm mộ và đam mê trên các cung đường off-road tuy gian nan nhưng không kém phần lãng mạn và bay bổng. Và cũng phải nói thêm rằng, chơi xe cũ không có nghĩa là tiền chi ra cho thú chơi ít hơn xe mới. Nhiều người nói để phục chế một chiếc xe có tuổi đời 30 năm để đủ điều kiện đi off-road còn tốn hơn mua xe mới rất nhiều.

Bùi Hảo, kiến trúc sư đến từ TPHCM hôm nay tham dự giải đua với tay lái phụ chính là cô bạn gái của anh. Sau khi nghe loa phóng thanh kêu tên, chiếc xe bán tải Nissan Navara tiến vào vị trí xuất phát. Bên cạnh anh, ở vị trí xuất phát thứ hai là một chiếc Ford Ranger của CLB xe địa hình Bình Dương. Đây là vòng thi đấu thứ nhất. Hai xe sẽ chạy chung một đường đua, được đánh dấu bằng cờ hiệu. Khu vực đua là địa hình đồi cát xen lẫn các bụi cỏ, khá mấp mô, nhiều đoạn dốc, chạy tít đến tận bờ biển phía xa. 

Có lệnh xuất phát, hai xe lập tức tăng ga. Xe nào chiếm được đường trước sẽ có ưu thế lớn. Chiếc Nissan Navara của Bùi Hảo xuất phát chậm hơn khoảng 2 giây và bị chiếc Ford Ranger bỏ xa vài trăm mét. Chiếc Navara cố tăng tốc hòng đuổi kịp. Nhưng có lẽ vì nôn nóng, đánh lái gấp, nó đâm thẳng vào một gờ cát khá cứng, chiếc xe tung lên không trung, các bánh xe quay vèo vèo.

 Chạy thêm khoảng 500m, chiếc Nissan Navara bỗng từ từ dừng lại. Thì ra một bánh sau đã vỡ tung. Bùi Hảo điều khiển xe chạy về điểm xuất phát, bánh sau bị xé tan như chiếc váy đụp, xe di chuyển bằng ba bánh cộng một chiếc vành. 

Một số tay đua chưa vào thi bảo, rất có thể do khi xì lốp xe để xe bám đường, Bùi Hảo đã hơi quá tay và khi bánh xe đập vào thành cát cứng, chiếc lốp đã bị nghiến nát. Không nao núng, Bùi Hảo mang lốp sơ cua ra thay, chuẩn bị thi các vòng tiếp. Nhưng chắc chắn sau cú vỡ lốp này, tiền chi cho việc thay thế và sửa chữa không thể dưới 10 triệu đồng, chưa kể các chi phí phát sinh khác.

Dân chơi off-road ảnh 2

Chiếc BJ40 của Minh Vulcan lúc được rã ra làm lại và khi hoàn thiện lần thứ nhất.

Cuộc săn lùng xe cổ

Trong giới off-road Sài Gòn, Phan Ngọc Minh  (Minh Vulcan 4x4) chơi xe có số má. Anh là nhà phân phối chính thức của hai hãng đồ chơi off-road lừng danh thế giới là Warn của Mỹ và ARB của Úc. Nhưng câu chuyện sau đây nói về chuyện Minh Vulcan độ chiếc Toyota BJ40 model 1979 mà anh rất mê. Minh tìm đủ mọi cách để lùng ra một chiếc còn tạm gọi là nguyên bản. 

Nhưng ngược xuôi trong Nam ngoài Bắc cũng chỉ thấy cái thì quá nát, cái thì gần như không tận dụng được gì ngoài tấm giấy đăng ký cũ mèm. Cuối cùng anh tìm thấy một chiếc tại Hà Nội, tuy rất cũ những khả dĩ vẫn còn chấp nhận được. Tuy nhiên, độ một chiếc xe đã gần 40 năm tuổi trong điều kiện Việt Nam thiếu thốn đủ thứ là một bài toán vô cùng nan giải. Và khổ chủ đã phải lên mạng đặt hàng, từ Nhật, Mỹ, thông qua đủ các dịch vụ eBay, Fedex, UPS, các mớ linh kiện bắt đầu đổ về.

 Sau khoảng 9 tháng, với khoản đầu tư tạm tính hơn 14.000 USD, cộng thêm sơn đồng 70 triệu đồng nữa coi như bay 300 triệu đồng. Thế nhưng ngay chuyến đi off-road đầu tiên, với vẻ ngoài bóng bẩy, chiếc xe tỏ ra không chịu đựng nổi sự tàn khốc của cung đường: thân bị xé, khung bị vặn, máy bị lột dên, đèn đóm, mô tơ gạt mưa cũng toi luôn. 

Nói cho công bằng, khi độ lại, xe chạy đường thông thường thì vô tư, nhưng off-road thì thua. Anh Minh hiểu ra rằng để độ một chiếc xe off-road đúng nghĩa là bao nhiêu kiến thức về thiết kế, chịu lực, sức bền vật liệu… và vượt quá tầm của hầu hết các tay thợ sửa chữa Việt Nam, vốn phát triển theo kiểu mày mò, sống lâu lên lão.

Sau lần này, tay chơi có biệt danh “Vulcan” rút ra bài học xương máu: Không phải dân chơi off-road thì không thể độ xe off-road dù có nhiều kinh nghiệm đến đâu. Sau ba tháng xuất xưởng lần thứ nhất, chiếc Toyota BJ40 được đưa trở lại xưởng, nhưng lần này là xưởng của một chủ gara đầy kinh nghiệm ở Củ Chi. 

Thay vì thuê một kỹ sư cơ khí ngành ô tô, lần này công trình “tôn tạo” lần hai chiếc BJ40 được một tay off-road sừng sỏ kiêm thợ độ xe có biệt danh “Comaru” đứng ra giám sát. Cuộc đại phẫu lần hai diễn ra, làm kỹ tới từng chiếc đinh ốc. Cầu, nhíp, cản trước cản sau, hộp số, động cơ… đều được rã ra hết. 

Và Minh Vulcan lại tối, ngày, sáng, đêm với thứ mà anh gọi đùa là “con rơi, con rớt”. Những cuộc điện thoại từ gara đổ đến tới tấp, thông báo hiện trạng xe, lủng cái này, mọt cái kia, cần thay thế cái nọ. “Khi mua người ta tính bằng chiếc, không lẽ giờ bán đi mình tính bằng kg?”, Minh nghĩ thầm.

Nhưng rồi niềm vui lại đến. Một ngày đẹp trời, anh mua được hai bộ piston, bạc và khớp nối còn mới nguyên trong hộp cho máy của xe BJ40: Một tay bán phụ tùng ở quận 5 đã giữ mười mấy năm nay bỗng có người tới hỏi mua, mừng như trúng số, 4 triệu đồng một bộ rẻ như cho. Giả thử cha đó hét 10 triệu đồng, Minh cũng mua ngay.

Sau nhiều tháng ròng rã, chiếc xe nay đã mang một diện mạo mới. Và với chủ nhân của nó, cuộc chơi dường như mới chỉ bắt đầu.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.