Dân chủ trực tiếp qua lá phiếu

Dân chủ trực tiếp qua lá phiếu
TPO - Mỗi một dân tộc đều phải khẳng định nền độc, lập tự do của mình. Nền độc lập, tự do đó phải có Nhà nước, muốn vậy phải thông qua bầu cử thể hiện ý chí, nguyện vọng của người dân. Đây là một trong những hình thức dân chủ trực tiếp quan trọng nhất.

Đây là nhận định của ông ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông Mão cho rằng, bằng lá phiếu của mình, mỗi người dân sẽ “chọn mặt gửi vàng”, quyết định bầu cho ai vào cơ quan dân cử để đại diện cho mình, thay mặt mình quản lý Nhà nước, điều hành công việc của đất nước, xây dựng đất nước phát triển.

Với hàng ngàn năm lịch sử, mọi người dân Việt Nam đều mong muốn được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một ước nguyện thiêng liêng và qua hàng ngàn năm nhân dân Việt Nam luôn đấu tranh để giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho tổ quốc, xây dựng đất nước ngày càng mạnh giàu.

Theo ông Mão, cách đây 70 năm, ngày 6/1/1946, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã tiến hành cuộc bầu cử bầu ra Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuộc bầu cử diễn ra trong hoàn cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn với thù trong giặc ngoài, được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”.

Nhưng bằng tầm nhìn chiến lược, bằng quan điểm và tư duy mang tính chân lý, chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn để nhân dân trực tiếp cầm lá phiếu bầu ra những người đại biểu xứng đáng vào Quốc hội, khẳng định với thế giới rằng: Nước Việt Nam có độc lập, chủ quyền và không ai có thể xâm phạm được.

"Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 là một sự kiện vô cùng quan trọng, là một bước tập dượt đầu tiên về tính dân chủ trực tiếp của người dân đối với sứ mệnh của non sông đất nước", ông Mão nói.

 Sau 30 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân ta đã giành được độc lập. Và cuộc Tổng tuyển cử vào ngày 22/4/1976, một lần nữa nhân dân cả nước đã thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của mình để bầu ra một Quốc hội thống nhất.

Cho đến nay, chúng ta đã trải qua 13 cuộc bầu cử và lần thứ 14 này, bằng những kinh nghiệm lịch sử, truyền thống cách mạng, cuộc bầu cử đang khẳng định quyền tự do dân chủ của nhân dân trong việc quyết định lá phiếu của mình bầu cho ai, để có một Quốc hội mới với một tinh thần tiếp tục sự nghiệp đổi mới đất nước ở một cao trào mới. 

Sự tin cậy gửi gắm của người dân vào những người được bầu ra thể hiện sự tín nhiệm, giao trọng trách cho Quốc hội để xây dựng một Nhà nước mới, Nhà nước dân chủ, trong sạch, vì lợi ích của nhân dân.

Chính vì thế, theo ông Mão, trách nhiệm của mỗi đại biểu Quốc hội rất nặng nề, to lớn nhưng cũng rất vinh quang. Nhiệm kỳ 5 năm tới là một thử thách to lớn đối với mỗi đại biểu Quốc hội, đòi hỏi mỗi đại biểu phải làm việc hết mình, và cần nhớ tới những lời nói đầy tâm tư trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội khóa XIII rằng: Mình còn món nợ rất lớn đối với nhân dân, chưa làm tròn được sứ mệnh lịch sử của mình trong khóa XIII. 

"Điều đó đòi hỏi mỗi đại biểu Quốc hội khóa XIV phải nhận thức đầy đủ hơn, đề cao tinh thần trách nhiệm để thực hiện đầy đủ sứ mệnh lịch sử vẻ vang to lớn mà nhân dân giao phó, đồng thời thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội mà Hiến pháp đã quy định", ông Mão nhận định.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.