Dân lại vây nhà máy xử lý rác thải

Nhà máy xử lý rác thải nằm ngay cạnh ngòi Cầu Đồng
Nhà máy xử lý rác thải nằm ngay cạnh ngòi Cầu Đồng
TP - Hơn 4 tháng nay, hàng trăm người dân ở nhiều thôn thuộc 2 xã Cao Xá, Ngọc Lý (huyện Tân Yên, Bắc Giang) nơi có dự án nhà máy xử lý rác thải dự kiến đặt ở đây tập trung kiên quyết không cho chủ đầu tư tiếp cận với mặt bằng. 

Theo ông Nguyễn Văn Tuyển, Phó phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Tân Yên, dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải của Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Môi trường sạch (địa chỉ tại thôn Lăng Cao, xã Cao Xá) được triển khai trên bãi Ắng, thuộc thôn Lăng Cao nằm tiếp giáp 2 xã Cao Xá và Ngọc Lý với tổng diện tích 37 ha, giá trị đầu tư gần 250 tỷ đồng.

Đặc biệt, với chức năng xử lý chất thải sinh hoạt, dự án được kỳ vọng là sẽ “gỡ khó” cho khoảng 50% số xã trên địa bàn huyện trong vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt vốn là tiêu chí tốn tiền nhất trong xây dựng nông thôn mới. 

Khu vực thực hiện dự án lại là khu đất đồi bãi hoang hóa, trước đây người dân thường đốt lò gạch. Thực hiện dự án này, UBND huyện Tân Yên đã thu hồi đất, bồi thường tài sản trên đất (chủ yếu là các vỏ lò cũ) cho người dân ở thôn Lăng Cao (xã Cao Xá) và các thôn Cầu Đồng 9, Cầu Đồng 10 thuộc xã Ngọc Lý.

Tháng 4, UBND tỉnh Bắc Giang có quyết định giao đất cho Cty Đầu tư và Phát triển công nghệ Môi trường sạch với tổng diện tích đợt 1 là 31,16 ha, trong đó diện tích thuộc xã Cao Xá là gần 28 ha, thuộc xã Ngọc Lý là hơn 3,3 ha. Tuy nhiên, hơn 4 tháng nay dự án vẫn “đắp chiếu” do người dân ngăn cản thi công.

Dân lại vây nhà máy xử lý rác thải ảnh 1 Máy móc thi công xây dựng nhà máy xử lý rác thải nằm đắp chiếu hàng tháng nay

Hơn 300 hộ dân kêu cứu

Theo quyết định số 2109 về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ TN&MT đối với dự án “Đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp” của Cty Cổ phần đầu tư và Phát triển công nghệ Môi trường sạch thì dự án chỉ đánh giá phần tác động đối với các khu vực thuộc xã Cao Xá (huyện Tân Yên). Tuy nhiên, theo người dân, các thôn Cầu Đồng 9, Cầu Đồng 10 mới là các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp. Đây cũng là nguyên nhân khiến gần 300 hộ dân hai thôn Cầu Đồng 9 và 10 gửi đơn kêu cứu khắp nơi.

UBND huyện Tân Yên cũng xác nhận trong một văn bản trả lời gần đây, khoảng cách từ đất thổ cư của gia đình ông Nguyễn Văn Bắc (thôn Cầu Đồng 10) đến chỉ giới đất dự án là khoảng 200m, đến khu vực trung tâm của nhà máy khoảng 350m.

Theo người dân nơi đây, dự án nằm sát ngòi Cầu Đồng, là nơi cung cấp nguồn nước ngầm (tất cả người dân thôn Cầu Đồng 9, 10 sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt) và khoảng 15 ha hoa màu dọc theo dòng chảy.

Nhìn bằng mắt thường, địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy chỉ cách trung tâm thôn Cầu Đồng 10 khoảng 1.000m và Cầu Đồng 9 hơn 500m. Do đó, điều người dân lo ngại ô nhiễm về khói bụi, tiếng ồn, không khí, nguồn nước không phải là không có cơ sở.

Dân lại vây nhà máy xử lý rác thải ảnh 2 Người dân bức xúc, kéo đến đông kín nhà văn hóa thôn Cầu Đồng 9 khi có phóng viên về

Người dân lo sợ, chính quyền thẳng tay

Ông Giáp Văn Tuấn, thôn Chung, xã Cao Xá cho biết, nơi đây có kênh Cầu Đồng, là nơi đánh bắt thủy sản, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Đa phần người dân ở khu vực này vẫn dùng nước giếng khoan, khi dự án xây dựng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước nơi đây.

Ý kiến của một số người dân cho rằng, dự án không tính toán đến lợi ích của người dân đồng thời không bảo đảm về khoảng cách tối thiểu giữa khu xử lý rác thải và khu dân cư theo quy định của Bộ Xây dựng. Theo Thông tư số 32/2009/TT-BXD ngày 10/09/2009 của Bộ Xây dựng, khoảng cách ly vệ sinh từ khu xử lý chất thải rắn đến khu dân cư ít nhất là 3 nghìn mét, đến các công trình xây dựng khác ít nhất 1 nghìn mét…

Ông Nguyễn Quang Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết, mấy ngày nay, người dân vẫn tiếp tục tập trung đông tại khu vực dự án. Ông Lượng cho rằng, đây là “nhà máy”, thực hiện chức năng chủ yếu là phân loại, sơ chế rác chứ không phải “khu xử lý rác thải” nên không áp dụng tiêu chuẩn theo Thông tư số 32 được (?).

“Việc người dân tụ tập đông chủ yếu do một số đối tượng kích động, lôi kéo, làm ảnh hưởng đến dự án và sự phát triển chung của huyện. Do đó, trước mắt chúng tôi vẫn tiếp tục làm công tác tuyên truyền, sau đó nếu tình hình không chuyển biến chúng tôi sẽ áp dụng hình thức bảo vệ thi công” - ông Lượng nói. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Mai Thanh Dung, Cục trưởng Cục Thẩm định & Đánh giá tác động Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho biết: Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “Đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp” đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 2109 (ngày 31/10/2013). Theo đó, nhà máy được xây dựng tại địa bàn xã Cao Xá (Tân Yên, Bắc Giang) gồm nhiều hạng mục, trong đó có một lò đốt chất thải sinh hoạt với công suất 3.000kg/giờ.

Với việc dự án hiện nằm trên cả địa bàn xã Ngọc Lý, ông Dung cho biết: Trước đây, khi thẩm định dự án, khu đất để xây dựng nhà máy rất rộng nên khó phân biệt được ranh giới chính xác. Nay trước thực tế dự án không chỉ nằm trên địa bàn xã Cao Xá, chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư của Dự án là Cty Cổ phần Đầu tư & Phát triển công nghệ Môi trường sạch cần có báo cáo về vấn đề này để xem xét.

 Kiến Nghĩa

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.