Dàn trải, chất lượng kém, lãng phí, thất thoát nghiêm trọng

Dàn trải, chất lượng kém, lãng phí, thất thoát nghiêm trọng
Phiên họp chiều 16/5/2006, QH nghe các báo cáo về việc sử dụng đất đai, sử dụng vốn ODA, trong đó nổi lên vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) còn dàn trải, chất lượng kém, lãng phí, thất thoát nghiêm trọng.
Dàn trải, chất lượng kém, lãng phí, thất thoát nghiêm trọng ảnh 1
QL2 - một trong những dự án của PMU18 vừa khánh thành đã hỏng nặng

Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, trong báo cáo thẩm tra nêu rõ: Nhìn tổng thể 5 năm 2001-2005 hoạt động đầu tư XDCB có quy mô ngày càng lớn, tạo ra cơ sở vật chất rất quan trọng cho đất nước.

Nhưng đầu tư còn dàn trải chậm được khắc phục, lãng phí và thất thoát lớn. Nhiều công trình, dự án chất lượng không đảm bảo, vừa đưa vào khai thác đã tốn kém nhiều tỷ đồng để sửa chữa. Công tác quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn vay cho đầu tư, đặc biệt là vốn ODA còn bị buông lỏng, hiệu quả sử dụng chưa cao.

Tình trạng đầu tư không theo quy hoạch, chưa xác định đúng tính bức thiết và lợi thế của từng vùng, địa phương đã phát sinh lãng phí. Điều này ông Nguyễn Đức Kiên đã đưa ra con số cụ thể về chi đầu tư XDCB năm 2004 từ nguồn vốn trong nước vượt dự toán 7.539 tỷ đồng.

Nhiều dự án nhóm B, C thi công kéo dài vượt quá thời gian quy định (nhóm B không quá 3 năm, nhóm C không quá 2 năm), trong đó Bộ Giao thông Vận tải có tới 196 dự án thuộc 2 nhóm này phải kéo dài thời gian so với quy định. Tình trạng không tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục quản lý đầu tư XDCB chậm được khắc phục; nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng trong thời gian dài vẫn chưa chược phê duyệt quyết toán.

Sau khi Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về quản lý đầu tư XDCB, công tác quản lý các dự án đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA vẫn chưa có chuyển biến rõ nét. Đặc biệt một số bộ, ngành thành lập nhiều ban quản lý dự án và được giao quá nhiều quyền, nhưng không xác định rõ trách nhiệm, buông lỏng thanh ra, kiểm tra nên mắc nhiều sai phạm.

Ban quản lý PMU18 của Bộ Giao thông Vận tải tồn tại trong nhiều năm là điển hình về buông lỏng quản lý, nhiều vi phạm nghiêm trọng chậm được phát hiện và khắc phục. Vẫn diễn ra tình trạng sử dụng vốn đầu tư không đúng mục đích, trái pháp luật như Bộ Giao thông Vận tải sử dụng vốn đầu tư XDCB giao thông lại để xây dựng trụ sở, mua ô tô, thiết bị điều hành dự án không đúng quy định đến 143, 6 tỷ đồng; quyết định đầu tư 28 dự án không có trong danh mục của kế hoạch 5 năm với tổng mức đầu tư 1.460,7 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trong báo cáo về sử dụng nguồn vốn ODA cũng thừa nhận chất lượng các công trình xây dựng thấp, công tác quản lý xây dựng chưa được chú ý. Năng lực trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức tư vấn kỹ thuật, giám sát thi công và lực lượng thi công xây dựng còn yếu kém.

Việc giám sát thi công thiếu chặt chẽ, chưa trung thực, có sự thông đồng giữa người giám sát với bên nhà thầu để thay đổi, bớt xén vật liệu, làm sai thiết kế, dẫn đến chất lượng thấp. Các khuyết điểm, tồn tại này có phần trách nhiệm của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương; chưa kiên quyết xóa bỏ cơ quan chủ quản, loại bỏ tình trạng khép kín trong đầu tư và xây dựng, chưa có một chương trình toàn diện, có hiệu quả trong việc chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng gắn với chống tham nhũng.

Ngày 17/5/2006, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường thảo luận về nhiệm vụ kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2006-2010.

TTXVN

MỚI - NÓNG