Đánh bắt xa bờ: Hồn treo cột buồm!

Đánh bắt xa bờ: Hồn treo cột buồm!
Tàu đánh bắt xa bờ là những con tàu có vốn đầu tư bạc tỉ, công suất máy từ 90 CV trở lên, hoạt động ở những vùng nước sâu hơn 30 m. Song, cũng chỉ chịu được sóng gió cấp 5.
Đánh bắt xa bờ: Hồn treo cột buồm! ảnh 1
Đoàn tàu Bình Định đang neo tại Cảng Sông Đốc - Cà Mau sau chuyến đi đánh bắt xa bờ hàng ngàn cây số

Nguyễn Văn Long, một thuyền trưởng thâm niên 15 năm ở ngư cảng Sông Đốc - Cà Mau, nói rằng với cơn “siêu bão” như Chanchu thì ngay cả những tàu đánh cá hiện đại của nước ngoài cũng phải tìm nơi trú ẩn, còn tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân VN chỉ là món đồ chơi của sóng gió đại dương.

Yếu còn ra gió

Thoạt nhìn, những con tàu đánh bắt xa bờ đồ sộ mang biển kiểm soát khắp nơi neo đậu ở cảng Sông Đốc có vẻ rất chắc chắn, an toàn. Thế nhưng, ông Nguyễn Hoàng Thiên, cán bộ phụ trách thủy sản của UBND thị trấn Sông Đốc, chủ 2 tàu cào xa bờ, khẳng định tàu đánh bắt xa bờ hiện nay giỏi lắm chỉ chịu đựng được sóng gió cấp 5, do vỏ làm bằng gỗ, kiểu dáng thiết kế lạc hậu.

Theo thuyền trưởng Nguyễn Văn Long, thông thường sóng gió cấp 6-7 thì các tàu này phải rút vào các hòn đảo neo đậu chịu đựng, đến cấp 8 trở lên thì ngư phủ chỉ còn cách... nhìn trời biển khấn vái và trông chờ may rủi!

Ông Nguyễn Hoàng An, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau, cho biết thêm ngành thủy sản quy định 5 năm chủ tàu phải tổng kiểm tra an toàn một lần và mỗi năm phải duy tu, bảo dưỡng tàu để đề phòng những tai nạn bất ngờ trên biển như vỏ tàu mục bị phá nước, máy hỏng khiến tàu trôi dạt giữa biển... Tuy vậy, do sợ tốn kém, nhiều chủ cho tu sửa tàu sơ sài nên dễ dẫn đến tai nạn.

Hồ Văn Nam, thuyền viên tàu BĐ 218.TS, kể: “Lần đó tụi em đang câu mực cách Côn Đảo gần 100 hải lý thì đáy tàu thủng đột ngột. Thuyền trưởng vớ bộ đàm kêu cứu, các tàu khác xúm lại giúp bịt lỗ thủng, bơm nước ra...”.

Theo quy định của ngành thủy sản, tàu cá xa bờ VN chỉ được phép hoạt động đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế biển từ bờ ra đến tọa độ 112,5 độ kinh Đông ( khoảng 250 hải lý trên biển Đông) hoặc cách nơi trú ẩn an toàn không quá 100 hải lý. Thực tế các thuyền trưởng đều cho tàu vượt ra khỏi giới hạn trên dù biết chắc không bảo đảm an toàn.

Các chủ tàu Tư Biểu, Năm Thiên cho biết, tàu thì yếu nhưng các thuyền trưởng vì muốn đánh bắt được nhiều nên đã đưa tàu đi xa, có khi vi phạm lãnh hải nước bạn. Theo ông Nguyễn Hoàng An, trong năm 2005 toàn tỉnh chỉ có 15 tàu đánh cá bị nước ngoài bắt giữ nhưng 4 tháng đầu năm 2006 đã có 16 chiếc vi phạm lãnh hải bị hải quân Thái Lan, Malaysia kéo về xử phạt.

Vì chén cơm manh áo

Nguyễn Văn Lộc, thuyền viên tàu câu mực BĐ 220.TS, cho biết mỗi chuyến biển đoàn tàu Bình Định đi xa hàng ngàn cây số để đánh bắt, lênh đênh trên biển hằng tháng trời. Dù có thâm niên gần 5 năm câu mực khơi nhưng anh Lộc vẫn thừa nhận, mỗi khi sóng to gió lớn là tất cả thủy thủ đều sợ xanh mặt. Thế nhưng thủy thủ chấp nhận đối mặt với hiểm nguy vì khơi càng xa, biển càng động thì đánh bắt càng trúng.

“Chỉ có áp thấp nhiệt đới hoặc bão tàu mới kiếm nơi trú ẩn. Còn sóng to gió lớn cỡ nào thuyền trưởng cũng ra lệnh cho neo tàu tại chỗ chịu đựng”- anh Lộc cho biết.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Long lý giải: “Hiện nay ngư trường Cà Mau, Kiên Giang đã quá tải vì tàu cá từ miền Trung và các tỉnh tranh nhau khai thác, cho nên chúng tôi buộc phải cho tàu ra thật xa đánh bắt, cũng chỉ vì chén cơm manh áo thôi”.

Ông Nguyễn Hoàng An thừa nhận, mặc dù ngành thủy sản có quy định vùng hoạt động cho từng loại tàu nhưng thực tế không thể nào kiểm tra được. Nếu phát hiện tàu ra đánh bắt ngoài vùng biển quy định cũng không thể xử lý vi phạm vì... chưa có chế tài cụ thể!

Cứ thế, năm này qua tháng khác, những con tàu đánh bắt xa bờ nhưng không bảo đảm an toàn hàng hải vẫn mang hàng chục ngàn sinh mạng của ngư dân đánh cược với đại dương.

“Không có một bảo đảm nào cho sinh mạng thủy thủ tàu đánh bắt xa bờ”- Hồ Văn Tín, thuyền trưởng một tàu cá Bình Định, tâm sự. Chỉ cho chúng tôi xem đoàn tàu câu mực ọp ẹp của Bình Định đang neo đậu nghỉ ngơi ở ngư cảng Sông Đốc sau hàng tháng trời rong ruổi giữa trùng dương, anh rầu rĩ: “Sóng yên biển lặng thì chúng có thể bình yên đi xa hàng ngàn cây số, nhưng biển có bao giờ yên ắng hoài! Ngư dân có câu: “Lấy chồng ngư phủ hồn treo cột buồm”. Không hiểu ngư phủ đánh bắt xa bờ hồn treo ở đâu...?”.

Theo Người lao động

MỚI - NÓNG