Đập đồ chữa nóng giận

Đập đồ chữa nóng giận
TP - Ở Hà Nội vừa xuất hiện dịch vụ “trả tiền để đập phá”. Nhà cung cấp cho phép người chơi vào một căn phòng có toàn đồ dễ vỡ với một vài cái gậy bóng chày để đập thoải mái. Lớp trẻ đón nhận dịch vụ này rất nhiệt tình, số người nữ tham gia đông hơn hẳn so với nam.

119.000 đồng trở lên là được… đập

“Fury room” là tên “Căn phòng giận dữ” đang “sốt xình xịch” trên phố Đê La Thành, có nhiều gói combo cho người chơi. Rẻ nhất, 119.000 đồng/lượt chơi được phép đập 15 đồ sứ, 5 chai thủy tinh và một sản phẩm điện tử loại nhỏ. Ít người đăng ký combo này vì như Thanh Thủy (ĐH GTVT) giải thích: “Tôi đã chơi thử, đồ ít, thiết bị điện tử nhỏ đập không đã tay. Lần này tôi chuyển qua gói 198.000đồng, thấy nhiều đồ hơn hẳn, đập đã hơn”.

Tôi cùng bạn đăng ký gói 368.000 đồng cho hai người, được phép đập 15 đồ sứ, 20 đồ thủy tinh và hai cái tivi chừng 14inch. Trước khi vào “Fury room” người chơi bắt buộc phải mặc đồ, đội mũ, đeo kính bảo hộ.

Căn phòng giận dữ rộng chừng chục mét vuông, bên trong chỉ có duy nhất một cái bục gỗ để đựng đồ. Các loại gậy bóng chày, gậy golf, xà beng bằng sắt, búa… được treo trên tường. Người chơi có thể tùy thích tìm một thứ vừa tay.

Đập đồ chữa nóng giận ảnh 1 Phải mặc đồ bảo hộ trước khi vào phòng để tránh các mảnh vỡ khiến bạn bị thương. Ảnh: Nguyễn Đạt.

Không có cảm giác “xả stress”. Bước vào phòng tôi chỉ thấy căng thẳng. Căn phòng lắp ghép với bốn bức tường chỉ cao hơn đầu người chừng 50cm, bên trên trống trơn. Cảm giác nếu quá tay đập mạnh, mảnh vỡ có thể bắn thẳng ra ngoài. Bên ngoài là quán cà phê. Phòng không cách âm cho nên mọi “giận giữ” bên trong đều truyền trực tiếp ra bên ngoài.

Hai đứa con gái chúng tôi run rẩy đập một hồi rồi gạt mồ hôi đi ra. Bạn tôi bảo: “Còn không xả bằng đứng trước biển và dồn hết sức gào to”. Tuấn Đạt (du học sinh Mỹ) nhận xét: “Giá không cao nhưng trang thiết bị quá lạc hậu. Bên Mỹ tôi từng đi chơi loại này, lần đỉnh điểm mất hơn 100usd nhưng đập đã luôn. Phòng kín cách âm chuẩn, đồ thủy tinh rất ít, chủ yếu là đồ gỗ, thiết bị điện tử, ma nơ canh… Còn có nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau trên mặt nạ, tùy gu và tâm trạng, người chơi có thể chọn mặt nạ khác nhau, cảm giác như chơi hóa trang vậy. Phòng cũng phân cấp: mức điên tiết vừa, điên và bùng nổ, mức càng cao thì chi phí càng đắt”.

Hồng Hà (THPT Đống Đa) vừa thưởng thức cốc đồ uống “trong combo” vừa hào hứng tuyên bố: “Lần sau lại đến, đập đã tay, chứ về nhà muốn đập toàn phải giả vờ hậu đậu làm rơi bát của mẹ, kết quả lần nào cũng ăn mắng”.

L.Chi (nhân viên kiểm toán) mách tôi: “Nếu đập chưa đã có thể đăng ký mua thêm đồ, đồ sứ hơn mười ngàn một món, đồ điện hơn trăm ngàn một món. Kể ra đắt hơn mua combo nhưng đang điên thì kể gì!”.

Đập đồ chữa nóng giận ảnh 2 Mỗi phòng thế này có thể chứa tối đa ba người chơi.

Nhiều người giận dữ

Anh Nguyễn Ngọc Thịnh (sinh năm 1990) chủ nhân Fury Room cho biết: Fury room ra mắt từ tháng năm, ban đầu mô hình còn mới nên khách hàng tương đối ít. Trong tháng đầu tiên, số lượng khách chỉ khoảng 25-27 người. Sang tháng thứ 2, con số này đã bắt đầu tăng gấp 5 lần”. Tình hình kinh doanh khả quan đến nỗi anh Thịnh có dự định sẽ mở tiếp chi nhánh trong TPHCM.

Cũng theo thông tin của anh Thịnh, đối tượng khách hàng của Fury room chủ yếu là nhân viên văn phòng và học sinh bị ức chế thi cử, trong số này nữ chiếm 80%.

Anh Thư (kế toán) kể: “Phòng tôi đã đến đây hai lần, cảm thấy rất xả stress. Hồi trước, mỗi khi căng thẳng tôi hay đi massage, nhưng cách ấy làm giảm giận dữ hơi chậm. Cách đập phá này rất hiệu quả với tôi, đặc biệt là trong những bức xúc với đồng nghiệp. Hơi có tưởng tượng và liên tưởng một tí, cảm thấy đập đến đâu hết giận đến đấy”.

P.Trọng Anh (THPT Trần Phú) nhận xét: “Tôi thấy cái phòng này giống như nơi giải quyết tăng động. Rất phù hợp với những người thừa năng lượng. Các bạn trường tôi đến đây rất đông. Sau kỳ thi tôi thích đến đây để đập phá. Lúc ấy không nghĩ gì cả, đầu trống rỗng. Cứ đập như một cái máy, đập đến khi cả cái tivi dẹp lép, tay cũng mỏi nhừ thì thôi. Sau đó về ăn cơm ngủ một giấc. Mai dậy sẽ thấy đỡ hơn nhiều”.

Tiến sĩ xã hội học Lê Ngọc Phan trả lời câu hỏi của phóng viên TPCN về cách xả stress bằng đập phá đồ đạc cho rằng: “Đây là một cách xả stress của xã hội hiện đại. Trong khi chúng ta luôn bị kêu gọi phải cư xử đúng mực, kiềm chế cáu giận và không được làm hỏng đồ đạc cũng như ảnh hưởng đến người khác thì có một nơi cho phép ta tung hê tất cả. Những căn phòng trút giận có tác dụng rõ ràng trong việc làm giảm nhanh những cơn giận dữ và có tính giải trí nhất định. Ở các quốc gia phát triển như Nga, Mỹ, Nhật, Úc… các dịch vụ loại này rất nhiều. Nhịp độ cuộc sống càng nhanh, áp lực công việc càng nhiều, người ta càng dễ bị stress và mất kiểm soát hành vi. Ở Mỹ chẳng hạn, các dịch vụ xả stress còn bao gồm cả việc chửi bới qua điện thoại hoặc ở các cuộc thi khóc. Điểm chung của các nước là dân văn phòng luôn nằm trong đối tượng bị stress nhiều nhất”.

Đập đồ chữa nóng giận ảnh 3 Những bức tranh tường khổ lớn có nội dung hài hước về các cơn giận là “đặc điểm nhận dạng” của Fury room.

Đập phá không phải là cách giải quyết giận dữ

Tuy nhiên, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Mai Hoa khẳng định: “Đập phá đồ đạc chỉ là cách phát tiết tức giận tức thời, nó không giải quyết được tận gốc vấn đề. Thậm chí, trong một vài trường hợp, việc này còn giống như uống nước muối để giải khát. Nó chỉ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Người đang giận thường bị kích động (nhịp tim, huyết áp), và xả cơn giận ra sẽ làm sự kích động tăng lên. Nó sẽ khiến các ý nghĩ hung hãn bị kích hoạt trong tâm trí và thậm chí làm chúng gia tăng”.

Tiến sĩ Lê Ngọc Phan cũng nhấn mạnh: “Đập phá đồ đạc không giải quyết được mọi vấn đề. Nó chỉ hớt được phần ngọn, còn cái gốc là nguyên nhân sự việc phải do chính đương sự tự cởi bỏ”.

Stephen Shew, người sáng lập Công ty Battle Sports cung cấp những phòng trút giận rất nổi tiếng ở Canada khuyến cáo: “Phòng trút giận không phải thuốc chữa bá bệnh cho cơn giận của bạn. Chúng tôi luôn nói với mọi người chúng tôi không phải chuyên gia trị liệu hay bác sĩ. Chúng tôi không nói chúng tôi sẽ kiểm soát được cơn giận của bạn. Chúng tôi cũng không nói đó là nơi thích hợp cho tất cả mọi người. Phòng trút giận chỉ đơn giản là một phương pháp thay thế để chống lại căng thẳng. Nó là một công cụ để vui vẻ”.

Đập đồ chữa nóng giận ảnh 4 Khách hàng của Fury room đa số là nữ giới trẻ tuổi.

Để đối phó và giải quyết nhẹ nhàng những cơn giận, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hoa đưa ra “ba bước hạ hỏa” đã được các bệnh nhân của chị kiểm nghiệm:

1.Ngay khi cơn giận bốc lên đầu, hãy hít thật sâu và thở ra nhẹ nhàng. Cách làm này khiến tâm trạng của bạn lắng lại, huyết áp không bị đẩy vọt lên cao. Cứ hít liên tục năm đến bảy hơi cho đến khi cảm thấy hạ hỏa.

2. Thả lỏng toàn thân, nhất là phần cổ vai gáy và các cơ. Nếu có thể hãy nằm xuống thư giãn. Uống một cốc nước mát và nhắm mắt lại không nghĩ gì.

3. Khi tâm trạng bình ổn, bạn hãy ghi mọi điều ra giấy hoặc gõ bằng máy tính. Mọi điều khiến bạn tức giận, bùng nổ, mất kiểm soát, muốn đánh nhau, muốn đập phá, gào thét v.v…

Sau đó nữa, một bước vô cùng quan trọng: hãy chung sống bình tĩnh với những cơn stress, nỗi buồn, sự giận dữ, cảm giác tổn thương. Chấp nhận chúng, không bài xích và né tránh, dần dần bạn sẽ nhận ra vấn đề của mình nằm ở đâu.

MỚI - NÓNG