Đất liền - HQ996 - Trường Sa

HQ996 trong Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2013. Ảnh: Trường Phong.
HQ996 trong Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2013. Ảnh: Trường Phong.
TPO - Tiếng còi tàu ngân dài, thuyền trưởng Đoàn Văn Sơn từ từ bẻ lái, con tàu HQ996 rời cảng Cát Lái (TP HCM) để đưa đoàn công tác ra thăm quần đảo Trường Sa. Gần 2 thập kỷ làm nhiệm vụ đặc biệt này, không ngoa khi nói rằng HQ996 là chiếc cầu nối tình cảm của đất liền với Trường Sa.

“A lô, Tổ phục vụ xin thông báo…”

Nửa tháng lênh đênh trên biển trong “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, chúng tôi ấn tượng với những người lính hải quân trên tàu HQ996. Họ tận tình, tận lực phục vụ đoàn đại biểu ra thăm Trường Sa.

Nếp sinh hoạt trên tàu, cứ hơn 5h sáng mỗi ngày là loa tàu thông báo “Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”. Trong khi đoàn đại biểu xếp hàng đi đánh răng, rửa mặt thì Trần Sơn Tùng và các bạn của mình trong Tổ phục vụ lần lượt mang thức ăn đến các phòng và phòng ăn tập thể.

Để có được bữa sáng cho gần 200 người, Tùng và các bạn phải dậy từ gần 4h. Tùng sinh năm 1990, quê Hải Phòng. Đây là lần đầu tiên Tùng phục vụ trên tàu HQ 996.

Trước đây, Tùng từng đi bộ đội tại đảo chìm 18 tháng. “Đơn vị phân công mình phục vụ trên tàu HQ996. Mấy ngày đầu thì mệt lắm, nhưng dần dần rồi quen”, Tùng nói.

Tổ phục vụ của Tùng có nhiệm vụ lo cơm, nước cho các đại biểu ngày bốn bữa: sáng, trưa, tối và đêm. Trước mỗi bữa ăn, tàu đều thông báo “A lô, Tổ phục vụ xin thông báo, đã đến giờ ăn, kính mời thủ trưởng và các vị đại biểu…“

Ăn sáng và dọn dẹp xong là chuẩn bị luôn bữa trưa. Nghỉ đến 14h chiều lại chuẩn bị cho bữa tối. Sau đó là phục vụ ăn đêm”, Tùng kể. Làm đến 23 – 24h đêm mới đi ngủ, nhưng sáng hôm sau khoảng hơn 3h sáng cả đội sẽ dậy để chuẩn bị bữa ăn sáng.

Đất liền - HQ996 - Trường Sa ảnh 1

Tàu HQ996. Ảnh: Trường Phong.

Cùng ở tổ phục vụ với Tùng có Nguyễn Văn Vũ. Vũ sinh năm 1989, quê Bình Thuận, làm nhiệm vụ trên 3 chuyến tàu ra Trường Sa. “Hầu như mình đi thăm gần hết các đảo ở Trường Sa rồi”, Vũ cười.

Vũ kể, làm ở Tổ phục vụ, sợ nhất là những ngày sóng to, gió lớn. “Những hôm biển động, sóng đánh mạnh, phải buộc nồi cơm vào bếp để không bị đổ. Có lúc, cơm bị sống, không phải vì không biết nấu, mà sóng đánh to quá, cơm sôi không đều”, Vũ nói.

Trung úy Lê Minh Tuấn, đầu bếp trên tàu chia sẻ, không gian nấu ăn hẹp, thuyền lắc lư, nhiệt độ lại cao nên nấu ăn rất khó. “Nhiều khi gia vị cũng không đủ, rau xanh thì chỉ đảm bảo được 3 ngày đầu của hành trình. Chúng tôi phải cân đối sao cho hợp lý”, anh Tuấn nói.

Nhiều khi, nấu cơm xong, khi mang thức ăn lên cho đại biểu, gặp cơn sóng đánh, tàu bị lắc lư, người bị ngã, đổ hết thức ăn.

“Kinh nghiệm là bước chân to ra, một tay bám vào thành tàu, và lần theo từng bước một”, Vũ nói.

Bằng cách này, Vũ có thể leo cầu thang lên tầng trên, mang cơm cho lãnh đạo. Dù thế, cũng rất nhiều lần các thành viên trong nhóm bị đổ thức ăn, còn người thì sứt đầu, người chảy máu tay vì sóng đánh bay vào thành tàu.

Nấu cơm đã khó, việc thái thịt, băm chặt ở trên tàu cũng là một khó khăn. Đang thái thịt, Nguyễn Văn Duẩn (sinh năm 1992) bất ngờ cầm tay kêu rú lên “Thái vào thịt rồi”. Cả đám trong nhà bếp nháo nhác.

Duẩn cười, bảo “thái vào thịt chứ có thái vào tay đâu”. “Chỉ cần mình đứng chắc chân và không nghiêng người là được”, Duẩn chia sẻ bí quyết.

Con cá kình giữa đại dương

Tàu HQ996 có độ dài hơn 70 mét, trọng tải choán nước hơn 2 nghìn tấn, được mệnh danh là “Con cá kình giữa đại dương”.

HQ996 thuộc biên chế vùng 4 Hải quân, chính thức đưa vào sử dụng năm 1994, làm nhiệm vụ vận chuyển bộ đội, các đoàn công tác ra thăm, làm việc tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Quê Nam Định, đã 3 lần Duẩn ra Trường Sa. Bây giờ, dù sóng to, gió lớn, Duẩn cũng không sợ bị say nữa. Thế nhưng, với Nguyễn Văn Đạt (sinh năm 1990, quê ở Sóc Sơn), dù cũng đã phục vụ trên 3 chuyến tàu ra Trường Sa, cứ mỗi lần sóng to, gió lớn là Đạt lại nôn thốc, nôn tháo.

“Thủy thủ cũng bị say như thường”, Đạt cười. “Suốt ngày lụi hụi với cơm canh”, lại bị lắc lư theo nhịp sóng, nên nhiều khi đặt mình xuống là ngủ như chết.

“Chúng mình ngủ ngay trên ghế băng của phòng ăn tập thể. Có hôm sóng đánh mạnh quá, rơi từ trên ghế xuống đất”, Phạm Văn Trường (sinh năm 1990), quê Nam Định nói.

Dù vất vả, nhưng trong suốt hành trình, lúc nào Tổ phục vụ cũng đảm bảo cơm ngon, canh ngọt cho các vị đại biểu. Những thành viên bị say sóng, không quen với thức ăn trên tàu, những thành viên Tổ phục vụ có thêm những món như khoai lang luộc, hoa quả, sữa chua để dành tặng. Nhờ đó, cả đoàn đại biểu an tâm đi thăm hỏi, động viên các chiến sỹ đang công tác trên quần đảo Trường Sa.

Đất liền - HQ996 - Trường Sa ảnh 2 HQ996 đưa đoàn hành trình đến với đảo Song Tử Tây. Ảnh: Trường Phong.

Tất cả vì Trường Sa thân yêu

Sinh năm 1988, vừa tốt nghiệp Học viện Hải quân Nha Trang, Phạm Văn Dương (Nam Định) được nhận về công tác tại tàu HQ996. Tính đến nay, Dương đã 3 lần cùng đoàn công tác lái tàu đưa đoàn đại biểu ra thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Là lái tàu, Dương phải tính toán được hải đồ, sức gió, hướng gió và dòng chảy. “Quan trọng nhất là quan sát và xác định được các bãi đá ngầm”, Dương nói.

Thường những chuyến thăm Trường Sa chỉ diễn ra từ tháng 3 đến tháng 7. Sau đó mùa biển động thì không đi thăm được nữa.

“Chuyến đầu tiên, mình nhớ đi đúng vào tháng 12/2011 để chuyển quân. Ăn cơm xong, lên cabin lái tàu thì bị say sóng, nôn ra hết”, chàng trai trẻ thành Nam kể.

Qua một hai lần say sóng, khi cơ thể chị đựng được, Dương bảo sẽ thấy bình thường. Dương chia sẻ, nếu mũi tàu nâng cao hơn thì sẽ đi nhanh hơn nhưng rung lắc hơn. Nếu mũi tàu ngập sâu hơn, gặp dòng hải lưu thì tàu sẽ bị bị “ăn” theo, vì thế, theo Dương, lái tàu phải có kinh nghiệm “vật trái, vật phải” để tàu đè được sóng.

“Trên tàu, thuyền trưởng là người có kinh nghiệm nhất”. Thuyền trưởng mà Dương nhắc tới là Trung tá Đoàn Văn Sơn, người đã gắn bó và phục vụ rất nhiều đoàn đại biểu ra thăm huyện đảo Trường Sa và các nhà giàn.

“Những việc thả neo, nhổ neo, tính toán độ sâu, hướng gió… thuyền trưởng làm là chuẩn ngày”, Dương cho biết. Theo Dương, những người như thuyền trưởng Sơn có thể nắm trong lòng bàn tay từng dãy đá ngầm trên hành trình ra thăm đảo.

Nói đến những người làm nhiệm vụ trên tàu HQ996, không thể không kể đến những thành viên trực dưới buồng máy. Dương cho biết, đó là những người có tính chịu đựng “siêu việt”.

“Ở dưới đó tiếng ồn lớn lắm, và công việc chính là quan sát, theo dõi hoạt động của máy móc”, Dương kể.

Mang theo đèn pin, leo cầu thang chui xuống tầng hầm, anh Nguyễn Hữu Long cùng đồng đội Nguyễn Văn Lực vào ca trực. Tiếng ồn lớn khiến hai anh chỉ nói chuyện với nhau bằng ám hiệu. Thỉnh thoảng có gì không hiểu, phải ghé sát vào tai để nói chuyện.

Cũng vì thế, nhận được vài câu hỏi ghi trên tờ giấy, anh Long cười, ngồi tần mần viết: “Bạn thấy đấy, ở đây tiếng ồn rất lớn, nhiệt độ rất cao, toàn mùi dầu mỡ và phải liên tục trực, theo dõi mọi hoạt động của động cơ cũng như các phụ tải khác. Khi sóng to, gió lớn thường hay có nguy cơ xảy ra các sự cố, hỏng hóc. Lúc ấy vất vả lắm. Anh em phải ngay lập tức khắc phục để con tàu liên tục hoạt động”.

Đất liền - HQ996 - Trường Sa ảnh 3


Tàu HQ 996 làm nhiệm vụ nối liền tình cảm của đất liền với Trường Sa. Ảnh: Trường Phong

Anh Long kể, đây là năm đầu tiên phục vụ trên tàu HQ996. Trước đó, anh Long đã công tác 17 năm trên tàu Trường Sa 14. Tính đên nay, đã gần 20 năm anh Long công tác tại Trường Sa, trung bình mỗi năm 4 tháng.

“Công việc tuy có vất vả, nhưng rất vinh dự được đưa đón các đoàn đại biểu ra thăm và làm việc tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn Dk1”, anh Long viết.

Làm ở tổ lái tàu nhưng Đỗ Quốc Cường (sinh năm 1981) lại kiêm thêm nhiều nhiệm vụ. Mỗi khi đến các điểm đảo, khi tàu vừa neo, là anh cùng với các thuyền viên phối hợp vận chuyển xuồng, cano xuống biển. Từng đại biểu được nhắc nhở cách trèo thang và được hỗ trợ xuống xuồng rất cẩn thận.

“Quan trọng nhất là không để cho các đại biểu bị tai nạn. Những lúc trèo thang từ mạn tàu xuống xuồng mà gặp sóng to, nếu không cẩn thận dễ bị dập tay, dập chân”, anh Cường chia sẻ.

Giống như thế, anh Nguyễn Văn Hưng cũng kiêm thêm nhiệm vụ chăm lo cho các đại biểu. Những đại biểu xuống xuồng được anh Hưng dìu và bố trí chỗ ngồi cẩn thận. Hưng còn trực tiếp nhắc nhở, dạy cách buộc áo phao cho những người chưa quen.

“Em chịu khó nhé, mấy hôm nữa anh sẽ tìm tặng em một con ốc thật đẹp”, Hưng động viên một thành viên trong đoàn bị mệt sau khi di chuyển từ tàu vào đảo.

Đón sinh nhật giữa biển Trường Sa

Trong “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” năm 2013, rất nhiều thành viên trong đoàn có may mắn được đón sinh nhật giữa biển trời Trường Sa.

Mỗi khi có một thành viên trên tàu đến ngày sinh nhật, tất cả các thành viên trong phòng và một số thành viên trong nhóm (trung đội trên tàu) mang đàn ghita ra ngồi ở boong tàu đàn hát mừng sinh nhật.

Cũng có những tiết mục đặc sắc như múa theo bài hát Hai con vịt, Hai con thằn lằn con… hoặc gửi bài hát qua hệ thống “quà tặng âm nhạc” của tàu.

Cũng có những món quà đặc biệt bằng hiện vật như vài con ốc, viên đá, quả bàng vuông ở Trường Sa. Trưởng đoàn Hành trình, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Long Hải cũng may mắn kỷ niệm sinh nhật đúng dịp đi trên tàu HQ 996 trên biển Trường Sa.

Do là Trưởng đoàn, nên anh Hải được ưu tiên tặng một bông hoa do đoàn thủy thủ mang theo, và tập thể thành viên trên tàu cùng hát vàng bài ca Chúc mừng sinh nhật.

MỚI - NÓNG