Đất nước cần nguồn nhân lực chất lượng cao

Đất nước cần nguồn nhân lực chất lượng cao
TP - “Đất nước đang cần đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, cần cả thầy, cả thợ có trình độ, kiến thức, kỹ năng thực sự. Chúng ta vừa tập trung sức để phát triển giáo dục đào tạo các cấp học, vừa nâng cao chất lượng, tăng quy mô hợp lý để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho phát triển đất nước” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tại buổi đối thoại với đại biểu ĐH Đoàn X sáng qua 14-12.

> Thủ tướng đối thoại với thanh niên: Đất nước ta thiếu cả thầy lẫn thợ
> ĐH Đoàn toàn quốc - những hình ảnh ấn tượng
> Thủ tướng phê duyệt hơn 280.000 biên chế công chức năm 2013

Trăn trở về nguồn nhân lực

Thủ tướng chia sẻ cùng thanh niên những vấn đề quan trọng của đất nước và những vấn đề tuổi trẻ quan tâm nhất. “Tôi thực sự tự hào và vui mừng nhận thấy TN ta nhận thức tốt, có kiến thức, có bản lĩnh và nhiều suy nghĩ sâu sắc về các vấn đề của đất nước, của dân tộc, quốc tế và thời đại.

Những vấn đề đặt ra không chỉ là nguyện vọng chính đáng, những điều băn khoăn trăn trở mà còn là những ý tưởng, những cởi mở rất đáng quan tâm để chúng tôi cân nhắc công tác lãnh đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng giải đáp thắc mắc của đại biểu
Thủ tướng giải đáp thắc mắc của đại biểu.

Thủ tướng đề cập vấn đề trong thời đại ngày nay giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là chìa khóa để hội nhập và phát triển nhanh, bền vững. Vì vậy, cả xã hội cần chăm lo việc học tập, phát huy sáng tạo và chăm sóc phát huy tài năng trẻ.

Mong Đoàn là chỗ dựa thực sự cho các hoạt động sáng tạo, là vườn ươm cho các tài năng trẻ. Thủ tướng trăn trở về chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, một bộ phận không nhỏ thanh niên còn thiếu việc làm, thu nhập không ổn định và thấp, đời sống khó khăn.

“Chính phủ luôn mong các bạn trẻ tham gia chủ trương định hướng chuyển dịch kinh tế, cơ cấu lao động trong từng lĩnh vực của nền kinh tế. Đối với mỗi TN cần nỗ lực, trách nhiệm cao nhất trong học tập văn hóa, học nghề, nỗ lực lập nghiệp cho chính bản thân, để mỗi TN thực sự giỏi ít nhất một nghề, hoặc giỏi một lĩnh vực”.

Nói về niềm tin và lý tưởng của TN, Thủ tướng tin tưởng đại bộ phận thanh niên Việt Nam ngày nay có mục tiêu lý tưởng đúng đắn và có niềm tin sâu sắc vào tương lai phát triển tươi sáng của đất nước ta.

Mục tiêu lý tưởng phấn đấu của Đoàn, của TN cũng chính là mục đích lý tưởng của Đảng và của toàn dân tộc ta vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh vững bước đi lên CNXH. Đó là mục tiêu lý tưởng chính đáng, rất hiện thực và cũng rất đáng tự hào.

Thủ tướng nói: “Đảng, Chính phủ và cả hệ thống chính trị của ta cần phải làm tốt hơn trọng trách chăm lo lợi ích chính đáng, chăm lo giáo dục đào tạo thanh niên tiếp tục bồi dưỡng, vun đắp lý tưởng cao đẹp, đạo đức cách mạng trong sáng cho thế hệ trẻ. Tổ chức Đoàn và bản thân mỗi TN tích cực nghiêm túc tự giáo dục, tự rèn luyện mình với tinh thần xây cái hay cái đẹp tạo thói quen tốt, chống thói hư tật xấu để cái hư cái xấu mất dần đi, để thế hệ trẻ, thế hệ thanh niên cùng cả dân tộc ta xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ luôn nhận rõ trọng trách trước đất nước, dân tộc và trước thế hệ trẻ.

Chính phủ sẽ làm hết sức mình cùng toàn Đảng, toàn dân chăm lo để thanh niên phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn. TN được học tập, đào tạo tốt hơn, vui chơi giải trí lành mạnh hơn, có việc làm và thu nhập tốt hơn, có môi trường sống văn minh công bằng và để thế hệ trẻ mãi sống trong độc lập tự do, bình yên hạnh phúc.

Thiếu cả thầy lẫn thợ

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung đặt câu hỏi với Thủ tướng Ảnh: Hồng Vĩnh
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung đặt câu hỏi với Thủ tướng.
Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

ĐB Đào Xuân Yên (Thanh Hóa) đặt câu hỏi về những bất cập trong đào tạo đại học tràn lan, mất cân đối với các trường nghề, trung cấp; Nhiều sinh viên tốt nghiệp nhưng gặp rất nhiều khó khăn khi xin việc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời đây là vấn đề lớn, khó. “Tôi xin khẳng định rằng, nước ta hiện thiếu cả thầy, cả thợ chứ không phải thừa thầy thiếu thợ mặc dù dân số trong độ tuổi lao động là 60 triệu người, chiếm 66% dân số”.

Thủ tướng cho rằng, đất nước cũng đang rất cần những công nhân, kỹ thuật lành nghề. Vậy thì đối với những ai không đậu ĐH-CĐ, con đường học nghề cũng rất tốt.

Con đường lập thân lập nghiệp, vừa học vừa làm rất tốt với mỗi bạn trẻ. Không riêng ở Việt Nam mà trên thế giới vẫn có rất nhiều cán bộ, doanh nhân, tướng lĩnh cũng thành công trên con đường này.

Vì thế, để có được sự thành công, nhân tố quyết định với mỗi người vẫn là phải có hoài bão, quyết tâm, ý chí, sống có nghĩa tình, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Giải đáp câu hỏi của ĐB Bùi Thế Duy, Phó giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam về chính sách thu hút, trọng dụng trí thức trẻ người Việt sinh sống và học tập tại nước ngoài, Thủ tướng khẳng định, nước ta luôn cần đội ngũ nhân lực trẻ có chất lượng cao xây dựng đất nước.

“Đảng và Nhà nước đã có những chính sách đưa những thanh niên này về phục vụ Tổ quốc. Song trên thực tế, Đảng và Nhà nước chưa thể đáp ứng ngay những nhu cầu, những điều kiện của đội ngũ nhân lực được đào tạo chuyên sâu, trình độ cao ở nước ngoài, do hoàn cảnh đất nước còn khó khăn. Đảng và Nhà nước tập trung sức giáo dục đào tạo trong nước, vừa tăng chất lượng vừa mở rộng quy mô, đồng thời tranh thủ kêu gọi sự cống hiến của các bạn trẻ Việt Nam học tập ở nước ngoài”.

ĐB Đặng Tất Dũng, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Leeds, Vương quốc Anh đặt vấn đề về công tác dự báo, tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận thực tế cơ chế quản lý phát triển nhân lực nước ta chưa có tầm nhìn dài hạn.

Đến năm 2010 mới có hệ thống đào tạo tương đối phát triển, nhưng không có một cơ quan quốc gia dự báo vấn đề nhân lực, có tầm nhìn dài hạn. Vì vậy, công tác đào tạo dựa vào khả năng đào tạo, chứ chưa bám vào nhu cầu xã hội.

Phó Thủ tướng cho biết, để khắc phục tình trạng này, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020, với mục tiêu đưa nhân lực Việt Nam trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội.

Về các chương trình, đề án của Đoàn tham gia xây dựng nông thôn mới; Vốn xây dựng các Trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp; Hỗ trợ sinh viên học tập... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ luôn ưu tiên dành nguồn vốn cho các chương trình, dự án của Đoàn, khuyến khích thanh niên tham gia xây dựng, phát triển đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, bằng việc thực hiện cho sinh viên nghèo vay vốn để học tập, Chính phủ đặt ra quyết tâm, mục tiêu là không để bạn nào, em nào thi đỗ cao đẳng, đại học bỏ học vì điều kiện kinh tế, không có tiền đóng học phí. Đảng, Nhà nước nhận thức rõ chúng ta đang rất cần đội ngũ này nhưng mặt khác, đất nước cũng đang rất cần công nhân, kỹ thuật viên lành nghề.

Thủ tướng mong muốn các bạn trẻ tham gia với trách nhiệm cao nhất trong việc học tập văn hóa, học nghề và nỗ lực lập nghiệp cho chính bản thân mình để mỗi thanh niên phải thực sự giỏi ít nhất một nghề hoặc một lĩnh vực, đó cũng là trực tiếp tham gia phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia ở tất cả các cấp độ (sản phẩm, ngành, quốc gia), phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bí thư T.Ư Đoàn Phan Văn Mãi cho biết, chương trình đối thoại của Thủ tướng tại ĐH nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ trong, ngoài nước. Ban Tổ chức nhận hơn 1.000 câu hỏi về nhiều vấn đề giới trẻ gửi Thủ tướng. Tại phiên đối thoại, các Bộ trưởng Bộ GD& ĐT Phạm Vũ Luận; Bộ LĐTB &XH Phạm Thị Hải Chuyền; Bộ GTVT Đinh La Thăng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình... đã giải đáp những câu hỏi của đại biểu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG