Đất ở TT - Huế: Nhà nước thất thu, dân bức xúc

Đất ở TT - Huế: Nhà nước thất thu, dân bức xúc
TP - Đô thị mới được mở mang, phát triển đến đâu chưa biết, chỉ thấy xuất hiện ngày càng nhiều những cánh đồng hoang ven đô... Quỹ đất bị lãng phí, ngân sách bị thất thu, người dân trở nên khốn đốn, nảy sinh kiện tụng vượt cấp.

Xã Thủy An, TP Huế, là nơi tập trung nhiều nhất dự án khai thác quỹ đất, phát triển đô thị (gọi chung là dự án). Xã có 9/11 thôn “dính” dự án, với tổng diện tích khoảng 500 ha. 18 dự án tồn tại ở đây phần lớn đang trong tình trạng “treo”.

Dự án làng Đại học Huế (100 ha) ở phía tây của xã, chủ trương thực hiện từ năm 1996, nhưng hiện đang khởi động ỳ ạch. Hàng trăm hộ dân vùng quy hoạch “treo” phải chịu cảnh “đi chẳng được, ở không xong”, con cái dựng vợ gả chồng xong đành ở với bố mẹ; nhà cửa, xuống cấp không được sửa chữa, xây mới; số hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSĐ) chỉ đếm trên đầu ngón tay, (tỷ lệ thấp nhất thành phố).

Có một nghịch lý, trong khi các nhà đầu tư dễ dàng được UBND tỉnh giao đất thực hiện dự án, thì hơn 1.000 học sinh trên địa bàn xã Thủy An phải học trong những ngôi nhà lụp xụp, có những phòng học đã trên dưới 50 năm tuổi.

Thậm chí, phải học ở khu văn chỉ thờ Đức Khổng Tử; ở lò gạch, kho thóc gần kho thuốc sâu; ở đình chùa, hội trường UBND xã, sân HTX sát bãi rác thải... Ngay cả sân bóng dành cho thanh thiếu niên xã Thủy An cũng bị các dự án “thôn tính”.

Hiện nay, người dân xã Thủy An còn phải hứng chịu nhiều ấm ức xung quanh vấn đề thu hồi, đền bù, giải toả đất nông nghiệp. Có dự án thực hiện đền bù đất theo giá cũ, chỉ 1 tuần trước khi tỉnh áp mức giá đền bù mới, nhưng đến nay đã hơn 2 năm vẫn chưa triển khai; khiến khoản chênh lệch đền bù trước và sau ngày 1/1/2005 là 30 lần.

Kiểu đền bù “chạy giá” của chính quyền đã gây nhiều bức xúc cho nông dân. Kiến nghị của HTX nông nghiệp An Tây và UBND xã Thủy An nhiều lần gửi chính quyền thành phố nhưng đến nay, vẫn chưa được giải quyết.

Hoạt động sản xuất tại 1,5 ha đất nông nghiệp khu vực Kiểm Huệ hoàn toàn bị tê liệt hơn 1 năm nay. Ngậm ngùi nhìn ruộng đồng hoang hoá, bà Lê Thị Thêm (68 tuổi) rầu rĩ: “Đất ruộng không còn, gia đình đành phải thuê lại 3 sào đất của người quen để trồng lúa, nhưng cả năm nay chẳng thu được hạt nào vì kênh mương tưới tiêu bị bịt kín hai đầu”.

Nghiêm trọng hơn, đầu năm 2003, HTX An Tây nhận được thông báo của UBND  TP Huế yêu cầu xã viên ngừng canh tác để giao Cty Quản lý và Sửa chữa đường bộ II thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, mà không hề kèm theo bất cứ quyết định thu hồi đất nào do UBND tỉnh phê duyệt.

Hoạt động san lấp đã ồ ạt diễn ra ngay sau đó, cho đến khi một quan chức tỉnh ngẫu nhiên phát hiện thì việc thi công mới tạm dừng. Từ đó đến nay đã 8 vụ lúa trôi qua, nông dân không sản xuất trên diện tích hơn 6 ha bị “chiếm ngang”, mà tiền đền bù thì chẳng ai chịu chi trả?

Ông Trần Hoàng - Trưởng thôn Kinh Tế - một trong những nông dân có đất ruộng bị thu hồi qua 8 vụ lúa vẫn chưa được đền bù, không giấu được nước mắt: “Để lo cho 6 miệng ăn khi không còn ruộng lúa, vợ chồng phải xoay chạy đủ nghề, ai thuê gì làm nấy, nhưng cuộc sống vẫn trăm bề thiếu thốn. Công ăn việc làm bấp bênh, đói nghèo và tệ nạn xã hội đang rình rập xóm, thôn”.

Ông Lê Thành Long (75 tuổi) ở thôn Kinh Tế- người có 2,2 sào ruộng bị thu hồi, cho rằng, quy trình thu hồi đất, đền bù gây thiệt hại cho dân là do chính quyền chưa công khai dân chủ, thiếu sòng phẳng; khi có trục trặc thì đổ lỗi cho nhau.

Xin nói thêm, thôn Kinh Tế là địa bàn đang có nhiều bức xúc nhất về đời sống xã hội ở xã Thủy An bởi các dự án. Người dân mặc dù đã sinh sống, làm ăn từ nhiều đời nay, nhưng hiện chưa thể an cư.

Nhà cửa, đất đai không được chuyển nhượng, vì “dính” quy hoạch treo dự án Đại học Huế từ 10 năm nay. Những phần đất ruộng, được giao theo Nghị định 64 sản xuất trong 20 năm ở HTX An Tây, đã bị thu hồi để thực hiện dự án khai thác quỹ đất nhưng hiện vẫn bỏ hoang.

Đất đai, ruộng vườn quanh nhà còn bị xé nát bởi công trình đường vành đai Đại học Huế; người dân muốn làm chuồng trại chăn nuôi, trồng cây cũng chẳng dám vì chẳng biết khi nào sẽ bị di dời.

MỚI - NÓNG