Đau đầu vì “thừa” 40 tỷ đồng ủng hộ nạn nhân bão Chanchu

Đau đầu vì “thừa” 40 tỷ đồng ủng hộ nạn nhân bão Chanchu
TP - Sau gần 3 tháng kể từ sau bão Chanchu, hiện số kinh phí từ vận động cứu trợ vẫn chưa giải ngân được tại các địa phương là ngót 40 tỷ đồng. Bốn tỉnh, thành phố miền Trung sẽ phải báo cáo cụ thể vụ việc này lên Thủ tướng trước ngày 15/8/2006.

“Phải làm gì với “đồng tiền bát gạo” của đồng bào đã đóng góp ủng hộ nạn nhân bão Chanchu?” - Câu hỏi đau đáu của ông Lê Huy Ngọ - Trưởng BCĐ PCLB TƯ cũng chính là tiêu điểm của Hội nghị giao ban Triển khai CT 22/2006 (ngày 30/6/2006) của Thủ tướng Chính phủ và Công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 1 (tổ chức sáng ngày 9/8 tại thị xã Tam Kỳ - Quảng Nam).

266 người chết và mất tích (chỉ vớt được 20 thi thể); 13 tàu chìm, 5 tàu mất tích ..., đó là thiệt hại sau cơn bão Chanchu mà các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi chịu đựng. Lớn hơn nữa, đằng sau đó là hàng ngàn thân phận cha mẹ, vợ con của các nạn nhân phải tiếp tục đối mặt với cuộc sống khổ nghèo sau bão.

Bão xảy ra ở miền Trung, nhưng dư chấn và nỗi đau của nó lan rộng khắp cả nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Chưa bao giờ nhân tâm người Việt được đánh thức mạnh mẽ đến vậy.

Chỉ trong mấy ngày, hàng ngàn đoàn cứu trợ trong và ngoài nước đổ về những làng biển xơ xác miền Trung, cùng với một cuộc vận động “lá lành đùm lá rách” quy mô lớn do Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam kêu gọi.

Một lượng tiền cứu trợ có thể nói là đạt kỷ lục so với mọi cuộc vận động từ thiện trước tới nay chỉ trong thời gian rất ngắn: 51 tỷ đồng, trong đó phần đồng bào cả nước đóng góp là 31 tỷ (chưa kể hiện vật), phần còn lại là hỗ trợ từ Chính phủ.

Chưa kể hàng chục tỷ đồng khác do các cá nhân, tổ chức tự động ủng hộ và được trao tận tay gia đình các nạn nhân, trong đó có rất nhiều từ bạn đọc thông qua các cơ quan báo chí ...

Ngay tại thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, có thể nói các địa phương gặp thiên tai đã làm hết sức mình, với những động viên tinh thần và hỗ trợ “nóng” về vật chất, tiền bạc.

Đến thời điểm này, số liệu do tỉnh Quảng Nam đưa ra, mỗi gia đình có nạn nhân Chanchu trung bình đã nhận được 100 triệu đồng từ nhiều nguồn, cá biệt có gia đình ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình nhận được tổng cộng trên 800 triệu đồng, số được nhận vài ba trăm triệu không ít.

Tuy nhiên, một nghịch lý hiếm hoi đã xảy ra, đó là vẫn không thể nào... chi hết tiền cứu trợ! Tại Đà Nẵng, ông Trần Phước Chính - Phó chủ tịch UBND thành phố cho biết: Nguồn tiền cứu trợ thu vào là trên 21,3 tỷ đồng (trong đó có 6 tỷ của Chính phủ).

Đến thời điểm này, Đà Nẵng đã duyệt chi trên 10,7 tỷ (trong đó thực chi mới có trên 3 tỷ), còn lại gần 11 tỷ. “Vì sao mới thực chi chừng ấy - Ông Chính lý giải - ví dụ như chi hỗ trợ tiền ăn 6 tháng cho gia đình nạn nhân, không thể chi “một cục” được, mà phải chi theo từng tháng”.

Tại Quảng Nam, theo Phó Chủ tịch tỉnh, Nguyễn Hồng Quang  thu vào 16,7 tỷ (trong đó 8 tỷ từ hỗ trợ của Chính phủ), mới thực chi 3,5 tỷ và 43,5 tấn gạo, còn hơn 13 tỷ. Quảng Ngãi cũng tương tự: Tiền từ các nguồn cứu trợ là trên 12,98 tỷ (trong đó Chính phủ hỗ trợ 6 tỷ), nhưng hiện tiền chưa chi là trên 9,9 tỷ đồng.

Như vậy, sau gần 3 tháng kể từ sau bão Chanchu, hiện số kinh phí từ vận động cứu trợ vẫn chưa giải ngân được tại các địa phương là ngót 40 tỷ đồng.

Chi cách nào?          

"Việc để tồn đọng một lượng tiền khá lớn như báo chí nêu là một việc không bình thường. Các cuộc vận động cứu trợ trước đây do Mặt trận trung ương chủ trì chưa bao giờ có hiện tượng này. Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ"

Ông Nguyễn Ngọc Pha - Chánh Văn phòng Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam

Thực tế các địa phương đã đề ra rất nhiều phương án chi cụ thể đối với số kinh phí còn lại kể trên, nhưng loại trừ phương án chi tiền trực tiếp. Ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Quan điểm của tỉnh là dứt khoát tiền này phải đưa đến cho những đồng bào bị nạn, nhưng không phải là đưa trực tiếp.

Vấn đề là giải quyết căn bản lâu dài cho đời sống của họ, như hỗ trợ đảm bảo học tập lâu dài từ phổ thông tới đại học và giải quyết việc làm ổn định cho con em, thân nhân người bị nạn; hỗ trợ các doanh nghiệp thu nhận số lao động này; mua trang thiết bị dự báo, cứu nạn cho tàu thuyền ...”.

Ngoài ra, Quảng Nam sẽ triển khai việc xây dựng các công trình phúc lợi dùng chung tại những thôn, xã thiệt hại nặng nề sau bão Chanchu, như trạm xá, trường học, đường giao thông, thủy lợi...

Tỉnh Quảng Ngãi cũng vừa phê duyệt phương án hỗ trợ khắc phục hậu quả bão Chanchu, trong đó chú trọng việc hỗ trợ đào tạo nghề (2,2 triệu/1người - khóa ngắn hạn 5 tháng và 12,6 triệu đồng/người - khóa dài hạn 18 tháng); hỗ trợ xây dựng sửa chữa nhà; miễn 100% học phí và các khoản đóng góp cho con em nạn nhân đến hết THPT và trao mỗi em 1 học bổng 300.000 đồng/tháng cho đến năm học 2009-2010; mua bảo hiểm y tế đến năm 2010; hỗ trợ 50% giá trị tàu và ngư lưới cụ đối với tàu chìm, và hỗ trợ 50% thiệt hại đối với tàu bị hư hỏng do tham gia cứu nạn...

Thành phố Đà Nẵng cũng đang bắt tay thực hiện hàng loạt sự hỗ trợ mang tính lâu dài đối với những đối tượng trên. 

Tuy nhiên, dù đã đề ra nhiều phương án để chi, nhưng thực tế số tiền “dôi” ra vẫn còn rất nhiều, và các địa phương đã tỏ ra lấn bấn thực sự về việc này.

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi, cho biết: “Từ nguồn tiền còn lại, tỉnh đang xin lập Quỹ hỗ trợ thiên tai để kịp thời trợ giúp tất cả các trường hợp tai nạn do thiên tai, không chỉ từ biển, với mức hỗ trợ được ấn định cụ thể, bảo đảm tính công bằng. Việc này phải được sự cho phép của Chính phủ, và thông qua HĐND tỉnh”.

Cả Đà Nẵng và Quảng Nam cũng đồng nhất với ý kiến của Quảng Ngãi. Chủ tọa Lê Huy Ngọ hỏi: “Quỹ lấy từ nguồn nào?”. Ông Trần Phước Chính – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đáp: “Từ nguồn nhân dân đóng góp, từ nguồn các nhà hảo tâm và một phần ngân sách”.  

Việc chậm phân phối tiền, hàng cứu trợ cho ngư dân, Thủ tướng yêu cầu:

Bốn tỉnh, thành phố báo cáo cụ thể lên Thủ tướng trước ngày 15/8/2006

TP - Yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có báo cáo cụ thể về tình hình tiếp nhận (vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, đóng góp cứu trợ của các tổ chức, cá nhân), công tác quản lý và phân phối tiền hàng cứu trợ cho các hộ dân bị thiệt hại trong cơn bão số 1 vừa qua, gửi Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2006- ý kiến chỉ đạo này của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng vừa được Văn phòng Chính phủ (VPCP) thông báo hôm qua (9/8).

Trước đó, một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về một số vướng mắc, khó khăn dẫn đến việc chậm phân phối tiền, hàng cứu trợ đối với các hộ dân bị thiệt hại.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB-XH khẩn trương hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tiền, hàng cứu trợ bão lũ, thiên tai theo ý kiến chỉ đạo tại thông báo số 116/TB-VPCP ngày 8/8/2006 của VPCP.

 
MỚI - NÓNG