Đấu giá tài sản từ thiện: Thiếu chuyên nghiệp

Đấu giá tài sản từ thiện: Thiếu chuyên nghiệp
TP - Sự cố “bùng” hơn 70 tỷ đồng từ kết quả đấu giá các hiện vật trong đêm “Hoa hậu Trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung” đã gây bức xúc dư luận. Nhiều người hoài nghi về tính khả thi của các hoạt động này.

> Thêm sự thật vụ đấu giá từ thiện ảo
> 'Nạn nhân' đấu giá từ thiện ảo 74 tỷ đồng nói gì? 

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, Ban tổ chức phải chịu trách nhiệm khi sự vụ đổ bể. Mọi chuyện được xới xáo lại qua buổi tọa đàm hôm qua (10-12), tại Học viện Tư pháp.

Minh họa: Khều
Minh họa: Khều.

Trách nhiệm trước hết thuộc ban tổ chức

Đó là quan điểm của phần đa luật sư, tiến sỹ luật học, cũng như các chuyên gia pháp lý có mặt trong buổi tọa đàm Những khía cạnh pháp lý của hoạt động bán đấu giá tài sản phục vụ cho mục đích từ thiện do Học viện Tư pháp tổ chức. Nhân vật tâm điểm của các câu hỏi chất vấn chính là Giám đốc Cty CP đá quý Gia Gia - ông Đinh Gia Diên

(đơn vị tổ chức chương trình đấu giá từ thiện đêm “Hoa hậu Trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung”). Bởi theo đánh giá của các chuyên gia pháp lý, trên thực tế, phần lỗi trước tiên để xảy ra sự cố “bùng” từ những người được coi là các doanh nhân tên tuổi tham gia đấu giá (chưa kiểm chứng thông tin, chưa xác minh danh tính) chính là Ban tổ chức.

Khởi xướng là câu hỏi của Tiến sỹ Nguyễn Văn Huyên - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp: “Thông thường, trong các buổi đấu giá tài sản, Ban Tổ chức có thể đề nghị người tham gia đấu giá đặt cọc một khoản tiền tối đa đến 15% giá trị tài sản. Khi đấu giá thành công, nếu những người trúng giá từ chối, họ sẽ mất đi khoản tiền đặt cọc trước đó. Vậy Cty CP đá quý Gia Gia đã làm được điều này chưa?”.

Tiến sỹ Phan Chí Hiếu - Giám đốc Học viện Tư pháp tiếp: “Trước khi mở phiên đấu giá, Ban Tổ chức có công bố quy chế tham gia đấu giá, nói cách khác, đó là “luật chơi” cho những người tham gia đấu giá chưa?”. Sau hồi lúng túng, ông Đinh Gia Diên thừa nhận, trước khi diễn ra đêm đấu giá kể trên, chưa có cá nhân, tổ chức nào đăng ký tham gia đấu giá. Bản thân Ban tổ chức cũng không xây dựng được quy chế riêng cho buổi đấu giá.

Ông Diên đùn đẩy: “Mọi vấn đề pháp lý cũng như đơn vị hưởng thụ từ cuộc đấu giá chính là Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh. Toàn bộ vật phẩm đấu giá và tiền từ thiện sẽ chuyển hết cho Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh, Cty CP đá quý Gia Gia chỉ đứng ra với vai trò đơn vị tài trợ kinh phí tổ chức”.

Luật sư Hằng Nga (Đoàn luật sư Hà Nội) nêu một khía cạnh khác, các hợp đồng kinh tế giữa Ban tổ chức và những người tham gia đấu giá đã thống nhất sử dụng “đô la Mỹ” làm đồng tiền chung. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hợp đồng trên đương nhiên vô hiệu.

“Chỉ cần Ban Tổ chức tham khảo ý kiến chuyên gia pháp lý hoặc các luật sư, sự cố trên đã không xảy ra” - luật sư Hằng Nga nhấn mạnh. Đồng tình với quan điểm này, tiến sỹ Mai Anh - Trưởng khoa Đào tạo thẩm phán - Học viện Tư pháp nói thêm: “Qua nghiên cứu cách làm của Ban tổ chức thấy rằng, dường như những rủi ro tất yếu sẽ xảy ra, bởi tính ràng buộc về mặt pháp lý giữa các bên tham gia đấu giá hầu như không có”.

Buổi tọa đàm tại Học viện Tư pháp. Ảnh: B.H
Buổi tọa đàm tại Học viện Tư pháp. Ảnh: B.H.

Những bùng nhùng pháp lý

Câu chuyện hành lang pháp lý để điều chỉnh những sự việc kiểu này đã hâm nóng buổi tọa đàm. Theo tiến sỹ Mai Anh, pháp luật Việt Nam chưa thực sự có những cơ chế rõ ràng cho các hoạt động đấu giá vì mục đích từ thiện. Mặc dù về cơ bản, chúng ta đã có Bộ luật Dân sự và các chế định pháp lý liên quan điều chỉnh, nhưng đó chỉ là hoạt động đấu giá tài sản thông thường; còn với đấu giá vì mục đích từ thiện, các quy định vẫn còn bỏ ngỏ.

Không đồng tình với quan điểm trên, đấu giá viên Nguyễn Hoàng Giang - Cty CP Đấu giá Nhân văn lập luận, các hoạt động đấu giá đã có quy định cụ thể ở Nghị định 17/CP ngày 4-3-2010 của Chính phủ. Điều cơ bản là ban tổ chức các buổi đấu giá từ thiện đã không tuân thủ các quy định của pháp luật, do đó mà các hoạt động đấu giá dễ dàng đổ bể.

Phân tích buổi đấu giá các hiện vật với số tiền 74 tỷ đồng, ông Giang nhận xét Ban tổ chức đã có nhầm lẫn, thể hiện nhiều dấu hiệu chưa minh bạch. Trước tiên, khi tổ chức đấu giá các hiện vật, Ban tổ chức không thực hiện thao tác định giá tài sản từ các đơn vị có chuyên môn, thẩm quyền, thể hiện bằng văn bản định giá.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng không lập danh sách những người tham gia đấu giá, hoạt động một cách tùy hứng, từ đó không thể xác định chính xác danh tính, năng lực tài chính... những người tham gia đấu giá; buổi đấu giá không có sự hiện diện của đấu giá viên cũng như công chứng viên để xác lập các giao dịch dân sự khi hoạt động mua bán tài sản từ đấu giá hoàn thành.

Thẩm phán Lê Thị Bích Lan - TAND TP Hà Nội phân tích, lâu nay, người dân, các doanh nghiệp cũng như các nhà khoa học pháp lý hay thực hiện các giao dịch dân sự theo thói quen, chưa ý thức được các quy định cụ thể của pháp luật. Về tính chất, có thể coi đêm đấu giá vì mục đích từ thiện là một hoạt động xã hội, không phải một đêm đấu giá chuyên nghiệp, do đó, cần có những cơ chế áp dụng đặc thù.

“Nếu có tranh chấp, các bên có thể khởi kiện vụ án dân sự. Căn cứ đơn khởi kiện cùng các tài liệu kèm theo của các bên liên quan, Tòa án sẽ xem xét, giải quyết từng trường hợp cụ thể” – Thẩm phán Lan khuyến cáo.

Nên giao cho trung tâm đấu giá chuyên nghiệp

Các hoạt động đấu giá từ thiện ở Việt Nam, cách thức tổ chức còn nhiều bất cập. Khi xảy ra sự cố, các bên tìm cách đổ lỗi cho nhau. Để khắc phục tình trạng này, cần có một Trung tâm đấu giá chuyên nghiệp đứng ra tổ chức, hoặc chí ít là có những tư vấn pháp lý, chuyên môn cho Ban tổ chức.

 

Đấu giá vì từ thiện cũng là đấu giá thông thường

Trong các hoạt động đấu giá vì mục đích từ thiện, phải làm rõ được hai nội dung cơ bản: Người trả giá có đầy đủ tư cách chủ thể, đại diện cho Cty hay tập thể đó không, họ có phải thực hiện nghĩa vụ cho giá mà họ trả hay không? Đối với việc trả giá không rõ danh tính, không được ủy quyền hợp pháp, giao dịch đương nhiên vô hiệu, vậy trách nhiệm bồi thường được thực hiện như thế nào?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG