Đầu Xuân luận chuyện yến sào

Phân xưởng sơ chế của Cty Yến sào Khánh Hòa
Phân xưởng sơ chế của Cty Yến sào Khánh Hòa
TP - Từng mảng trời rợp cánh yến trên đất Việt những xuân xưa thường chỉ gợi cảm hứng cho thi ca nhạc họa, còn bây giờ lại thôi thúc các đại gia dốc vốn đầu tư vào ngành sản xuất yến sào với giá trị giao dịch sẽ lên tới hàng tỷ đô la.

Lần theo cánh yến, câu chuyện về thưởng thức yến sào, khai thác yến sào và đầu tư nuôi yến đầu xuân này trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết!

Kỳ 1: Đệ nhất bát trân

Cổ sử triều đình Trung Hoa ghi lại từ hàng nghìn năm trước, món yến sào đã được gọi là “nhất phẩm bát trân”, tức món đầu bảng trong 8 loại thức ăn quý nhất chỉ dành cho các bậc đế vương và khoản đãi đại khách, được các danh y xác nhận có công dụng đặc biệt bồi bổ cơ thể, tăng cường sinh lực, trau chuốt dung nhan, thậm chí… cải lão hoàn đồng!

Lộc trời bất tận

Khi yến sào được đưa vào các phòng thí nghiệm hiện đại, kết quả phân tích hoạt chất khiến giới khoa học thời nay không khỏi sửng sốt về trình độ thưởng lãm của cổ nhân. Không phải ngẫu nhiên mà giá yến sào xưa nay vẫn đắt như vàng trắng về cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Đầu Xuân luận chuyện yến sào ảnh 1

Mùa khai thác yến sào.

Tại tâm điểm giao dịch yến sào thế giới đặt tại Hồng Kông - nơi không hề khai thác hoặc sản xuất yến sào nhưng có khả năng tiêu thụ và phân phối yến sào khổng lồ, hằng ngày mỗi biến động của bảng giá yến sào đều được cập nhật và chăm sóc kỹ.

Yến sào thiên nhiên từ Ấn Ðộ, Srilanka, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam liên tục chảy về đây, mức giá lên tới cả chục nghìn USD/kg đối với yến huyết- mặt hàng yến sào quý nhất.

Trên chiếc ca nô cưỡi sóng sầm sập đi tham quan hang Tò Vò chi chít tổ yến ngoài khơi huyện đảo Cù Lao Chàm ( Hội An- Quảng Nam), tôi được nghe những câu chuyện thú vị về chim yến từ các chuyên gia yến đảo.

Theo các chuyên gia nghiên cứu điểu học: có 95 loài chim yến sống khắp nơi trên thế giới, riêng ở Việt Nam chim yến cho tổ ăn được có hàng chục giống khác nhau thuộc 2 phân loài: yến đảo (Aerodramus fuciphagus germani), và yến nhà (Aerodramus fuciphagus amechanus) .

Ở nhiều nước châu Á, hầu hết các đảo yến được chính phủ khoán cho tư nhân khai thác bằng những hợp đồng thắng thầu thời hạn vài ba năm. Mục tiêu lợi nhuận khiến họ đua nhau khai thác yến sào triệt để, không quan tâm gì đến trách nhiệm bảo tồn đàn Yến.

Hậu quả là yến đảo của Ấn Ðộ và Srilanka hầu như biến mất. Trong khi đó, nguồn tài nguyên yến sào Việt Nam đều đều phát triển khắp các tỉnh ven biển từ Nghệ An đến Cà Mau, Kiên Giang, Bình Dương, Bình Phước. Trong đó, tập trung chủ yếu ở Khánh Hòa với sản lượng yến sào dẫn đầu cả nước.

Xứng danh “nhất phẩm”

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, thạc sỹ Lê Hữu Hoàng - Tổng Giám đốc Cty Yến sào Khánh Hòa cho biết: Năm 1990 khi mới thành lập, Cty chỉ quản lý 8 hòn đảo có 40 hang yến.

Sau nhiều năm áp dụng các bí quyết nhân đàn, di đàn, hiện nay với 4.585 lao động thạo nghề, Cty không chỉ sở hữu khai thác trên 160 hang yến thuộc 32 đảo yến trong vùng biển Khánh Hòa mà còn liên doanh, liên kết đầu tư khai thác yến sào với các tỉnh bạn. 

Có 3 nhà máy tinh chế và sản xuất nước yến sào cao cấp cho ra gần 60 triệu sản phẩm/năm cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu sang các nước châu Mỹ, châu Á. Năm 2013, Cty doanh thu 3.150 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 324 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 7,6 triệu đồng/người/tháng.

“Mỗi lần trèo lên vách đá chót vót đều là một cuộc mạo hiểm tính mạng, nên đã lên tới nơi thì tổ nào cũng đục, hất bỏ hết trứng lẫn chim non chưa biết bay”. 

Ông Trần Chi

Trong nhiều năm liền, tổ chức CITES - Cơ quan thực thi Công ước quốc tế về các loài động vật quý hiếm đã đánh giá Cty Yến sào Khánh Hòa là nhà quản lý khai thác, phát triển bền vững yến sào tốt nhất Đông Nam Á. Năm 2014, Cty tiếp tục hoàn tất đề tài khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất các giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam”.

Đáng mừng, là các loài chim yến tiết dịch làm tổ tạo ra yến sào chất lượng tốt nhất đều có ở Việt Nam. Trong các loại yến sào, giá trị cao nhất thuộc về loại yến huyết màu đỏ hồng như máu, rồi đến yến hồng có màu da cam, yến quang màu trắng ngà, yến thiện màu trắng đục. Sau đó mới tới yến bài, yến địa, yến vụn, yến muối, yến chảy. Mỗi ký yến sào có từ 80 - 100 chiếc tổ yến. 

Giá cả tùy loại, hiện chênh lệch từ 35-231 triệu đồng/ ký. Ngoài khơi Nha Trang có 1 trong số 20 hang yến thuộc Hòn Nội đạt các tố chất thạch nhưỡng đặc biệt nào đó khiến tỷ lệ tổ yến huyết- loại tổ quý giá nhất trong tất cả các loại yến sào- nhiều vụ thu hoạch đạt tới 100%. Đây là hiện tượng rất hiếm ở hầu hết các hang đảo yến sào trong thiên nhiên.

Nhiều nhà hàng, khách sạn hạng sang hiện nay trên cả nước có bán món súp yến, chè yến, yến chưng với giá từ 160.000đ - 500.000đ/1 chén nhỏ.

Đời người gắn với đảo chim

Lớn lên trong một gia đình có tới 3 đời gắn bó với nghề khai thác yến sào, gần 30 năm làm việc ở các đảo xa, ông Võ Văn Cam đội trưởng Đội Kỹ thuật của Cty kể 22 thành viên trong đội thường xuyên xa nhà theo chiến lược liên kết phát triển hang yến đảo của Cty, ra tận các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu. 

Nhờ đầu tư kỹ thuật tốt, sản lượng yến ở Côn Đảo, Ninh Thuận và Phú Yên ngày càng tăng nhanh. Công tác an toàn lao động cho công nhân hiện rất chu toàn, đầy đủ, trang thiết bị toàn loại tốt nhất.

Ở nhiều nơi khác, yến sào cũng đem lại thu nhập tốt cho công nhân làm việc trong ngành này. Sản lượng yến sào Cù Lao Chàm (Hội An) dù chỉ đạt khoảng 1,3 tấn/năm nhưng do thương hiệu đã ổn định, giá bán lẻ trong nước loại yến sào vụn rẻ nhất vẫn đạt 50 triệu đồng/kg. 

Còn giá xuất khẩu bình quân mỗi ký yến sào của Cù Lao Chàm lên tới 5.500 USD/kg, là nguồn thu ngân sách đáng kể của xã đảo. Lần ghé thăm Cù Lao Chàm mới đây, tôi tình cờ được dự lễ cúng tổ Nghề Yến tưng bừng vui nhộn, và nghe thành viên Đội Quản lý-Khai thác yến Cù Lao Chàm phấn khởi tiết lộ nghề khai thác yến đã cho họ mức thu nhập bình quân không dưới 150 triệu đồng/người/năm.

Cụ Trần Chi trên 90 tuổi ở huyện đảo Vạn Ninh ( Khánh Hòa) hồi tưởng: Tới nay không tính hết đã có bao nhiêu thế hệ trai tráng họ Trần quanh vùng biển này gắn đời mình với đời yến. Nhiều thập niên trước năm 1975, nghề đục yến thuê cho các ông chủ người Hoa trúng thầu đảo yến đồng nghĩa với cảnh đời hẩm hiu, sống nay chết mai giữa muôn trùng sóng gió. 

Chuyện gãy thang, rớt đá, vỡ đầu nát thây là tai nạn thường tình, xã hội không cần quan tâm. Mỗi lần trèo lên vách đá chót vót đều là một cuộc mạo hiểm tính mạng, nên đã lên tới nơi thì tổ nào cũng đục, hất bỏ hết trứng lẫn chim non chưa biết bay.

Giờ nghe con cháu kể chuyện làm nghề khác xưa quá. Công nhân yến sào được chăm lo bảo hiểm đủ thứ, cuộc sống sung túc, chim không bị diệt mà còn được nhân đàn. Giới bình dân giờ cũng có thể ăn yến, uống yến được. Thật đáng mừng!

Sẵn bờ biển dài, khí hậu ôn hòa, môi trường thuận lợi, nhiều hang động và chủng loại yến sào quý giá cùng hàng vạn lao động thạo nghề, Việt Nam hoàn toàn đủ cơ hội trở thành cường quốc yến sào, nếu nhà nước kịp thời đưa ra chủ trương chính sách đúng đắn, quy hoạch hợp lý ngành nghề đầy triển vọng này. (Còn nữa)

Theo TS. Ngô Thị Kim, Viện Công nghệ sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, kết quả phân tích cho thấy, yến sào rất giàu nguyên tố đa, vi lượng và khoáng chất, 18 loại acid amin hàm lượng cao như Aspartic acid, Serine, Tyrosine, Phenylalanine, Valine, Arginine, Leucine v.v…

Chúng có tác dụng phục hồi nhanh chóng tổn thương vì nhiễm xạ hay hóa chất, kích thích sinh trưởng hồng cầu, năng lượng cao nhưng cơ thể dễ hấp thụ, đặc biệt tốt để phát triển thể chất cho trẻ em, bồi bổ thần kinh, kích thích tiêu hóa, giúp làm đẹp da, chống lão hóa cho người cao tuổi.…

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.