Từ chuyện đất:

Day dứt đời cựu Bí thư Tỉnh ủy

Day dứt đời cựu Bí thư Tỉnh ủy
TP - Căn nhà cấp bốn, lợp tôn, giữa vườn cây trái trên đất hương hỏa ở xã Vĩnh Thạnh (Lấp Vò, Đồng Tháp) yên tĩnh, trong lành, ông Lê Minh Châu nghỉ hưu đã 9 năm nhưng chưa được mấy ngày thanh thản.

Không phải vì cuộc đời theo cách mạng từ lúc 16 tuổi nhiều gian truân, hay vì 16 vết thương từ thuở chiến tranh khiến trong người ông còn mảnh đạn, mà vì tình đồng đội, đồng chí của ông nhiều ngang trái.

Day dứt đời cựu Bí thư Tỉnh ủy ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Châu: “Nghỉ hưu rồi chẳng ai nghe hết trơn”

Lý lịch mảnh đất mau mắn bị thu, bán, chuyển tiền sang Mỹ

Ông Châu nhận sổ hưu ngày 28-8-2001. Ngày 11-6-2002, UBND TX Sa Đéc (Đồng Tháp) ra quyết định thu hồi hơn 1.406 m2 đất đã có sổ đỏ của gia đình ông, ở ấp Tân An, xã Tân Quy Tây.

Thuở nhỏ, ông đi học phổ thông phải lên vùng đất đó. Đang học dở lớp 8, ông cùng mấy người bạn bỏ học, đi theo cách mạng. Đánh giặc khắp nơi, làm nhiều việc, năm 1995, khi ông đang làm Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đồng đội cũ bảo ông, nghỉ hưu về thị xã sống.

Dịp ấy, hợp tác xã nuôi cá làm ăn thua lỗ, UBND TX Sa Đéc phải bán khu ao hồ đầy cỏ dại ở ấp Tân An để lấy tiền trả nợ. Việc bán công khai, vợ ông Châu vay tiền ngân hàng mua 5.000m2, giá cả bằng mức như nhiều người khác mua trả tiền sòng phẳng.

Ông cho con trai đứng tên sổ đỏ, cấp ngày 27-9-1995. Năm 1999, ông Châu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Thời gian này, vợ con ông đổ nhiều công sức, tiền của, san lấp khu đất để trồng rau màu. Nghỉ hưu, ông về căn nhà cấp bốn trên đất hương hỏa ở Lấp Vò, dự tính ít năm sẽ làm căn nhà nhỏ trên đám đất đã mua và chuyển lên đó ở.

Ông nhận được quyết định “thu hồi đất” mà người ký là một cán bộ cấp dưới từng giúp ông mua đám đất. “Thật ra, cán bộ TX Sa Đéc không xấu với tôi. Nguyên do nằm ở trên tỉnh”, ông khẽ khàng nói.

Sự việc có liên quan đến chuyện của bác sỹ Nguyễn Ngọc Bách, ở phường 1 (TX Sa Đéc). Vị bác sỹ này có vợ định cư ở nước ngoài trước năm 1975, ông ở lại trong nước đã đơn phương đến tòa án thị xã làm thủ tục ly dị.

Khi ly dị, vị bác sỹ khẳng định giữa hai vợ chồng không có tài sản chung. Nhưng sau khi đã làm thủ tục ly dị vợ, ông ta làm đơn đòi đất “của vợ chồng” ông ta. Rõ ràng, về mặt pháp lý và thực tế hôn nhân, việc đòi đất này không thể chấp nhận. UBND TX Sa Đéc hai lần bác đơn của ông Bách.

Ông Bách khiếu nại, lúc đầu chỉ vị trí mảnh đất “của vợ chồng ông” không rõ ràng, về sau chẳng biết ai giúp đỡ, ông ta cho rằng mảnh đất ấy nằm trong đám đất UBND TX Sa Đéc đã bán cho ông Châu.

Ngày 3-5-2002, UBND tỉnh Đồng Tháp có công văn chỉ đạo UBND TX Sa Đéc phải “thu hồi một phần đất” của ông Lê Minh Châu để cấp cho ông Bách. Quyết định của UBND TX Sa Đéc ghi rõ lý do “để giải quyết đơn khiếu nại tranh chấp đất giữa ông Nguyễn Ngọc Bách với UBND TX Sa Đéc”.

Quả là khó tưởng tượng trong quan hệ dân sự, một người tự tiện lấy đất đã bán cho người khác, để giải quyết món nợ nào đó (có thể có) với một người khác nữa. Thế nhưng, quyết định hành chính ở Đồng Tháp lại làm được điều đó! Ông Bách mau mắn có sổ đỏ, mau mắn bán mảnh đất 1.406,46m2 vừa lấy được với giá 800 triệu đồng và mau mắn ra định cư ở nước ngoài, tất cả diễn ra gọn gàng trong năm 2002.

Ông Bí thư Tỉnh ủy vừa nghỉ hưu Lê Minh Châu chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì đất đã mất rồi. Vợ ông khiếu nại đòi quyền lợi hợp pháp, cuối năm 2003, UBND TX Sa Đéc có công văn thông báo bồi thường cho gia đình ông 63.757.084 đồng, cho rằng “đã xem xét tình lý” và nếu không nhận “sẽ lập thủ tục gửi tiền vào ngân hàng theo quy định”. Còn chi phí san lấp, công văn của UBND TX Sa Đéc bảo gia đình ông “kiện ra tòa án” để đòi với ông Bách đã ở bên Mỹ.

Day dứt đời cựu Bí thư Tỉnh ủy ảnh 2
Đám đất làm gia đình ông Lê Minh Châu chưa được yên. Ảnh: Sáu Nghệ

Ở đâu cũng hứa

Khi mới bị mất đất, ông Châu để vợ con đứng đơn khiếu nại, ông ngại xuất hiện bởi thấy có điều gì đó khó coi, khó nghĩ. Không chỉ khó cho riêng ông, mà khó cho cả những cán bộ đương chức.

Mới hồi nào, ông chủ trì nhiều cuộc họp lớn nhỏ, mỗi lời nói ra như là chân lý được cả đội ngũ cán bộ của tỉnh nghe theo, bây giờ ông phải đi trình bày, năn nỉ. Nhưng việc khiếu nại mãi không có kết quả, buộc ông phải xuất hiện. Tất cả cán bộ đương chức ông gặp đều khẳng định, việc tỉnh, huyện lấy đất của gia đình ông là sai, phải sửa.

Sau nhiều công văn của Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ, ngày 3-9-2008, vợ chồng ông Châu được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trương Ngọc Hân mời đến Văn phòng UBND tỉnh dự một cuộc họp có đại diện nhiều cơ quan chức năng dự cùng. Mục đích cuộc họp “xem xét giải quyết hợp tình, hợp lý, để kết thúc khiếu nại”.

Tại cuộc họp, vợ chồng ông đưa ra ba phương án: Đổi đất hoặc nền nhà có giá trị tương ứng; nếu không có đất để đổi thì bồi thường theo giá bằng khoảng 50% giá đất tỉnh quy định; nơi đó mỗi mét vuông đất theo quy định giá là 3,5 triệu đồng, gia đình ông chỉ lấy 1,8 triệu đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Ngọc Hân kết luận: Số tiền san lấp mặt bằng 58 triệu đồng, trước đây UBND TX Sa Đéc hướng dẫn gia đình ông kiện ra tòa đòi ông Bách, nay để UBND tỉnh giải quyết. Về bồi thường bằng tiền, ngân sách không có mà chỉ có thể đổi đất; tuy nhiên yêu cầu gia đình ông Châu có đơn “để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xin ý kiến giải quyết, sẽ trả lời sau”.

Gia đình ông Châu làm đơn theo gợi ý và tiếp tục nhận được sự im lặng cho đến nay. Ông ngậm ngùi “nghỉ hưu rồi chẳng ai nghe hết trơn”. Ông nói, ông buồn nhất là thấy trong việc này, chính quyền làm sai rõ ràng nhưng không kiên quyết sửa sai theo luật, ở đâu cũng hứa sẽ bàn bạc tập thể, cứ như bàn chuyện nhân sự.

“Cần dựa vào luật, như vậy kỷ cương phép nước mới được nghiêm, dân mới tâm phục, khẩu phục, không còn cảnh đi khiếu kiện nhiều năm nhiều tháng”, ông nói.

Những người có quyền lực nhất tỉnh Đồng Tháp, ông đã gặp, và gặp nhiều lần, đều hứa sẽ giải quyết “hợp tình, hợp lý” mà mãi vụ việc không nhúc nhích, chẳng thấy lý, tình đâu cả! Với người không dễ trực tiếp gặp lãnh đạo có quyền lực nhất tỉnh, nếu có việc oan sai, tình cảnh còn như thế nào? Ông Châu nói: “Gia đình tôi bây giờ như con kiến kiện củ khoai”.

Ngày 15-3-2010, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1623, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về việc giải quyết vụ này.

Công văn viết: “Giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT và UBND tỉnh Đồng Tháp kiểm tra, xác minh làm rõ khiếu nại của gia đình ông Lê Minh Châu, kiến nghị biện pháp giải quyết đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2010”. Gia đình ông Châu lại le lói hy vọng.

Ẩn ức

Trước câu hỏi của PV Tiền Phong: “Liệu có chuyện một số cán bộ ở tỉnh thâm thù ông?”, ông Châu cho rằng, làm việc không tránh khỏi có người ghét. “Có một nhóm người, khi tôi đương chức đã muốn chơi xấu, khi tôi về hưu rồi mới quất vụ này”, ông cho biết.

Thời điểm ông Châu nghỉ hưu là thời điểm khó khăn cho bản thân ông và cả tỉnh Đồng Tháp. Lúc đó xảy ra vụ án “Mai Văn Huy buôn lậu”, ông Châu bị cách chức và cùng nhiều cán bộ khác phải ra tòa làm chứng. Ban đầu, có người đoán, sẽ lộ ra sự dính líu tiền bạc của ông. Thế nhưng, xử sơ thẩm năm 2002, phúc thẩm năm 2003, càng xử càng rõ ông không dính líu.

Nói về trách nhiệm quản lý nhà nước, ông đồng ý phải chịu. Nhưng ông nói thêm, cơ chế quản lý kinh tế thì mò mẫm, cơ chế lãnh đạo thì cũng còn nhiều điều khó. Ông nêu ví dụ, khi ông làm Chủ tịch UBND tỉnh, Cty Xuất nhập khẩu do ông Võ Hùng Dũng làm giám đốc, lỗ và thất thoát trên 180 tỷ đồng nhưng không xử lý kỷ luật được vì một vị lãnh đạo tỉnh lúc đó “tranh thủ hết chỗ này tới chỗ nọ”.

Nhưng như thế, đoàn kết nội bộ lại có vấn đề và có trách nhiệm của ông trong đó? Ông Châu im lặng, trầm ngâm nhìn gió thổi ngọn cây, một lúc mới trả lời: “Việc mất đoàn kết của Đồng Tháp kéo dài từ trước đó, chớ không phải giai đoạn tôi làm Bí thư Tỉnh ủy”.

Ông Lê Minh Châu rời nhà năm 1960, trình độ học vấn dở dang lớp 8, sau này có học mấy năm chính trị trong và ngoài nước. Cuộc đời ông, thời gian cầm súng nhiều hơn cầm bút, ít được học về quản kinh tế, xã hội, nhưng rồi phải “quản lý toàn diện” một tỉnh cả chục năm, trong cảnh tranh giành đủ thứ với cơ chế xin-cho rối rắm, phức tạp.

Ông nói, ông được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh cũng do tình trạng mất đoàn kết, dự kiến ban đầu là người khác nhưng do không đạt được thống nhất, cuối cùng người ta chọn ông như một giải pháp tình thế. Từ đó, ông bước vào thời kỳ có quyền cao chức trọng nhưng cũng là thời kỳ để lại nhiều day dứt cho ông đến tận bây giờ.

Chính thời kỳ ấy, gia đình ông mua được một đám đất để rồi chục năm sau khi nghỉ hưu, ông phải đeo đuổi khiếu kiện mà chưa có hồi kết. Cuối đời, ông về sống trên đất vườn tổ tiên để lại hoa trái trong vườn không nhiều, gia đình ông, con cái đã ra ở riêng hết, ông và vợ nuôi cá và mấy con heo, thỉnh thoảng đồng đội cũ đến thăm; sống yên ổn nhưng không nguôi trăn trở. 

Những người có quyền lực nhất tỉnh Đồng Tháp, ông đã gặp, và gặp nhiều lần, đều hứa sẽ giải quyết “hợp tình, hợp lý” mà mãi vụ việc không nhúc nhích, chẳng thấy lý, tình đâu cả! Với người không dễ trực tiếp gặp lãnh đạo có quyền lực nhất tỉnh, nếu có việc oan sai, tình cảnh còn như thế nào?
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.