ĐBSCL: Những bệnh viện xây mãi không xong

ĐBSCL: Những bệnh viện xây mãi không xong
TP - Các công trình xây dựng bệnh viện mới phải điều chỉnh liên tục do ngay từ đầu, đã không có thiết kế quy chuẩn để tuân thủ. Việc xây dựng diễn ra theo cung cách “đến đâu hay đó”.
ĐBSCL: Những bệnh viện xây mãi không xong ảnh 1
Công trình Bệnh viện Đa khoa Cà Mau đang hoang phế

Cà Mau: Công trình hàng trăm tỷ đồng bị bỏ hoang

Bệnh viện đa khoa Cà Mau qui mô 500 giường do Sở Y tế Cà Mau làm chủ đầu tư, xây dựng tại khóm 6 (phường 6, TP Cà Mau), khởi công năm 2000 với dự toán ban đầu 64,4 tỷ đồng.Xây dựng được nửa chừng thì phát hiện một loạt sai sót trong thiết kế.

Với những thiếu sót ấy, công trình xây dựng phải dừng lại để điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh vốn đầu tư dự kiến lên 121 tỷ đồng (gần gấp đôi dự toán ban đầu). Toàn bộ công trình dừng lại 2 năm nay, trở thành hoang phế, cỏ sậy um tùm. Lợi dụng tình hình đó, kẻ trộm vào lấy cắp toàn bộ hệ thống điện.

Ông Nguyễn Việt Hùng-Giám đốc Sở Xây dựng, kiêm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng bệnh viện - nhận định: “Ban quản lý dự án thuộc ngành y tế chưa đủ năng lực điều hành dự án lớn, lại thay đổi nhân sự trong quá trình thực hiện dự án nên tình hình càng phức tạp. Chúng tôi đang tính chuyển đổi chủ đầu tư, điều chỉnh hồ sơ thiết kế, dự toán kinh phí để tiếp tục xây dựng”. Cũng theo ông Hùng, công trình bệnh viện phải điều chỉnh cả tổng mặt bằng và bố trí lại các phòng chức năng.

Cần Thơ: Sai ngay từ đầu

ĐBSCL: Những bệnh viện xây mãi không xong ảnh 2
Công trình Bệnh viện Đa khoa Trung ương-Cần Thơ sau 10 năm xây dựng

Bệnh viện Đa khoa Trung ương-Cần Thơ 700 giường thuộc Bộ Y tế được khởi công xây dựng năm 1995 tại phường An Bình (Ninh Kiều, Cần Thơ). Mới xây xong phần thô, các bác sỹ vào thăm đã phát hiện nhiều phòng chức năng không đặt được trang thiết bị… chữa bệnh.

Sau nhiều cuộc họp đã dẫn đến việc điều chỉnh thiết kế lần thứ nhất tốn 18,9 tỷ đồng. Vẫn chưa xong bởi còn tồn tại nhiều bất hợp lý. Cuối năm 2005 điều chỉnh thiết kế lần thứ 2 tốn hơn 5 tỷ đồng. Lần điều chỉnh thứ 2 liên quan đến 8 khoa và cũng chỉ ở mức “để có thể hoạt động khám chữa bệnh”.

Đến cuối tháng 4/2006, đã thực hiện được 113 tỷ đồng, còn 71 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch năm 2006 Bộ Y tế mới ghi 28 tỷ đồng. Chưa kể trang thiết bị cho bệnh viện khoảng 200 tỷ đồng, trước mắt chuyển từ bệnh viện cũ sang số trang thiết bị trị giá dưới 10 tỷ đồng mà đa số chỉ còn chưa đến 30% chất lượng. Thi công kéo dài, công tác bảo vệ sơ sẩy nên xảy ra 2 vụ phá hoại vào ngày 6/3 và 26/3/2006, nhiều hệ thống dây điện bị cắt nát.

Thiếu quy chuẩn thiết kế bệnh viện

Các công trình xây dựng bệnh viện mới điều chỉnh liên tục là do thiết kế từ đầu đã không có quy chuẩn để tuân thủ. Việc xây dựng diễn ra theo cung cách “đến đâu hay đó”.

Trước mỗi lần thiết kế hay điều chỉnh thiết kế, các ban quản lý dự án phải tổ chức “tham quan học hỏi” trong và ngoài nước kiểu cưỡi ngựa xem hoa với người có chuyên môn xây dựng, hoặc như người mù đi sờ voi với người không có chuyên môn xây dựng là các bác sỹ được giao kiêm nhiệm quản lý. Sau nhiều lần điều chỉnh thiết kế, các bệnh viện ngày càng “không giống cái gì”.

Có lý do khách quan là trước nay nước ta chỉ tiếp thu bệnh viện từ các chế độ cũ mà ít tự tổ chức xây dựng. Tuy nhiên, đất nước thống nhất đã hơn 30 năm mà đến nay vẫn chưa có quy chuẩn thiết kế các bệnh viện thì đáng ngạc nhiên. Điều này đã và đang gây lãng phí lớn và chất lượng chữa bệnh cho nhân dân chậm được nâng cao.

MỚI - NÓNG