Đề án 'Sữa học đường' bị bỏ rơi: Các bộ vẫn đùn đẩy nhau

Đề án 'Sữa học đường' bị bỏ rơi: Các bộ vẫn đùn đẩy nhau
TP - Tại các quốc gia, người đứng đầu đất nước sẽ bảo trợ và chính phủ thực hiện chương trình Sữa học đường. Còn tại Việt Nam, do các bộ, ngành đùn đẩy nhau nên không đơn vị nào chịu trách nhiệm chính xây dựng đề án để trình Chính phủ quyết định.

>> Đề án 'Sữa học đường': Bị bỏ rơi vì virus máy tính?

Đề án 'Sữa học đường' bị bỏ rơi: Các bộ vẫn đùn đẩy nhau ảnh 1
Không được uống sữa hàng ngày, đừng mong trẻ em Việt Nam phát triển chiều cao - Ảnh: Hồng Vĩnh

Bộ NN&PTNT: “Có phải việc của chúng tôi đâu”?

Trao đổi với Tiền Phong, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ NN&PTNT) Lê Văn Bầm cho rằng, Đề án Sữa học đường bị thất lạc bởi đây không phải việc của Vụ cũng như của Bộ NN&PTNT.

“Cơ quan thì thay đổi địa điểm nhiều lần, làm sao chúng tôi còn giữ được những tài liệu từ năm sáu năm trước. Đề án Viện Chăn nuôi trình lên cũng chỉ để tham khảo, dừng ở mức đề xuất, thế thôi. Đây có phải việc của Bộ NN&PTNT đâu. Đề án này phải do Bộ Y tế thực hiện” - Ông Bầm nói.

Theo GS Kawabata Aiyoshi (Nhật Bản), mức độ ảnh hưởng lớn nhất đối với sự phát triển chiều cao là chế độ dinh dưỡng (31%), tiếp đến là di truyền (23%), luyện tập thể dục thể thao (20%), các yếu tố môi trường (16%), tâm lý - xã hội (10%)...

Tại Nhật Bản, thử nghiệm chế độ dinh dưỡng trong một trường tiểu học cho thấy, sự chênh lệch chiều cao có thể tới 5 cm sau 5 năm đối với các nhóm học sinh có chế độ dinh dưỡng khác nhau.

Bà Lê Minh Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) cũng cho rằng, Bộ Y tế phải vào cuộc trong việc này. Bởi Sữa học đường là chương trình của quốc gia, cần phải bảo đảm tuyệt đối về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo bà Hà, Sữa học đường phải do nhà nước đặt hàng các nhà máy sữa để chế biến, có mẫu mã, bao bì riêng. Sản phẩm sữa học đường không mang tính thương mại. Giá thành sản phẩm sẽ giảm đi rất nhiều do các công ty sữa không phải bỏ tiền cho quảng cáo, tiếp thị cũng như chi phí phân phối sản phẩm.

TS Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội cho rằng, đề án này rất cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, để xây dựng đề án như một chương trình mục tiêu quốc gia, chứ thực tế, một mình Bộ Y tế, hay Bộ GD&ĐT, NN&PTNT thì không làm nổi.

Ông Vang kể, trước đây, khi Viện Chăn nuôi trình đề án, cũng có nhiều ý kiến xì xèo. “Nhiều người cứ nhìn chúng tôi ngờ ngợ, tại sao mấy ông Viện Chăn nuôi lại làm Đề án Sữa học đường. Hay các ông này muốn mở rộng chương trình bò sữa, tổ chức bán sữa” - Ông Vang nói.

Năm 2006, chương trình Nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam, do Ủy ban Thể dục - Thể thao chủ trì xây dựng cũng chết yểu, không được Chính phủ phê duyệt do không có sự phối hợp tham gia của các bộ, ngành khác, đặc biệt là Bộ Y tế.

Đề án của ngành thể dục thể thao lại chỉ đề cập nhiều đến việc phát triển các hoạt động thể dục thể thao, trong khi yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến nâng cao tầm vóc là dinh dưỡng chỉ được điểm qua rất sơ sài.

“Đáng ra các Bộ Y tế, GD&ĐT  phải làm, nhưng không bộ nào muốn ôm nên đẩy cho ngành thể dục, thể thao soạn thảo” - TS Lê Nguyễn Bảo Khanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) nói với Tiền Phong.

Bộ Y tế: “Chúng tôi đang khởi động”

Trao đổi với Tiền Phong, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) Lê Thị Hợp cho biết, Viện đang ở giai đoạn khởi động xây dựng một đề án tổng thể về dinh dưỡng học đường. Tuy nhiên, việc thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí để triển khai trên diện rộng.

“Trước đây, chúng ta đã triển khai phát miễn phí sữa đậu nành cho trẻ em tại một số địa phương. Tuy nhiên, chất lượng sữa đậu nành không thể bằng sữa bò tươi” – Bà Hợp nói

TS Lê Nguyễn Bảo Khanh cho rằng, chúng ta quá chậm trong việc triển khai chương trình Sữa học đường. Từ trước đến nay, Việt Nam mới chỉ quan tâm đến dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi và bà mẹ mang thai.

Một bước quan trọng khác là dinh dưỡng học đường lại bị bỏ ngỏ. TS Khanh cho biết, dinh dưỡng học đường (trẻ giai đoạn học tiểu học) là cửa sổ cơ hội cuối cùng để phát triển trí tuệ cũng như chiều cao của mỗi đứa trẻ.

Nếu trẻ em đã qua giai đoạn dậy thì thì việc bổ sung dinh dưỡng có tác động rất thấp, thậm chí không hiệu quả trong việc tăng chiều cao. Điều này cũng lý giải tại sao, Việt Nam đã chăm sóc khá tốt cho trẻ em dưới năm tuổi và bà mẹ mang thai nhưng, do không có quá trình bổ sung tiếp theo ở giai đoạn cửa sổ cơ hội, chiều cao trung bình trong nhiều năm của người Việt Nam không thể tăng mạnh được.

Cũng theo TS Khanh, tại Việt Nam, chúng ta mới chỉ có giám sát dinh dưỡng trẻ dưới năm tuổi. Còn việc tổng điều tra dinh dưỡng học đường thì chưa một lần được thực hiện. Hiện, Viện Dinh dưỡng Quốc gia mới thực hiện điều tra dinh dưỡng học đường tại ba vùng sinh thái là thành thị, nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, số liệu cuối cùng vẫn chưa có.

Theo TS Khanh, do thiếu những số liệu điều tra, việc thực hiện đề án sữa học đường gặp không ít khó khăn. Giai đoạn một của đề án chỉ dừng lại ở việc điều tra, lập kế hoạch. Giai đoạn hai là triển khai thí điểm tại một số địa phương, qua đó xây dựng một khẩu phần sữa hợp lý trong ngày cho mỗi trẻ em Việt Nam. Sau đó, sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm, tùy điều kiện về kinh phí để tổ chức trên diện rộng.

MỚI - NÓNG