Đề nghị Chính phủ báo cáo về nạn chạy chức, chạy quyền

Đề nghị Chính phủ báo cáo về nạn chạy chức, chạy quyền
TP - Một lần nữa, nạn chạy chức, chạy quyền lại được nhiều đại biểu lên tiếng mạnh mẽ tại diễn đàn Quốc hội. Họ coi tệ nạn này là nguyên nhân cơ bản của những yếu kém, tồn tại...

“Tôi đề nghị Chính phủ cần làm rõ việc chạy chức, chạy quyền và báo cáo trước Quốc hội”- Bà Đinh Thị Thảo (đại biểu Hòa Bình) lên tiếng.

Bà Thảo nói tiếp: “Các phương tiện thông tin đại chúng đã chỉ cho cử tri biết những đối tượng chạy chức ở cấp cao, là cấp Thứ trưởng, như là nguyên Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Việt Tiến và cả cấp thấp như Trưởng thôn. Nhưng chạy đến ai, ai chịu trách nhiệm trước việc này thì chưa nói đến”.

Bà Thảo cũng phân tích khá thuyết phục rằng chính tình trạng chạy chức, chạy quyền là nguyên nhân làm nghèo đất nước, kéo đất nước tụt hậu so với các nước xung quanh. Bà đề nghị Chính phủ cần sớm làm rõ và đưa ra khỏi đội ngũ công bộc của dân những cá nhân đã thoái hoá, biến chất.

“Cần có quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra vụ việc và xử lý nghiêm minh, cần chấm dứt tình trạng cán bộ, công chức mắc khuyết điểm ở cấp dưới lại chuyển lên công tác ở đơn vị cấp trên như một số nơi hiện nay đang làm, như vậy gây bất bình trong dư luận quần chúng”- Bà Thảo bức xúc.

“Bây giờ bầu cử giới thiệu có một thì biết chọn ai. Tôi đề nghị Đảng xem xét Thủ tướng sắp tới là ai, Chủ tịch Quốc hội là ai, Chủ tịch nước là ai, tôi đề nghị Bộ Chính trị cử ra 2-3 người, rồi Quốc hội chọn, có như thế mới là bầu cử thực sự. Tôi thấy, kỳ này chúng ta phải mạnh dạn”.

Đại biểu Lê Thanh Long

Ông Lê Thanh Long (đại biểu Long An) có cách phân tích rất xác đáng về vấn đề này.

Ông nói, trách nhiệm người đứng đầu là có, nhưng quyền lực của người đứng đầu như thế nào, có ngang tầm với trách nhiệm hay chưa lại chưa được làm rõ. 

“Ví dụ Bộ trưởng chịu trách nhiệm về những vấn đề thuộc lĩnh vực của mình, nhưng với đội ngũ cán bộ cấp dưới thì ông Bộ trưởng có quyền tuyển chọn, có quyền xử lý như thế nào để giữ kỷ cương của ngành đó lại chưa rõ ràng”- Ông Long dẫn chứng.

Ông nói thêm: “Tôi nhớ có đồng chí phát biểu là, mình chưa xử nó thì nó đã xử mình rồi. Cơ chế như thế thì làm sao nghiêm được. Chạy chức và chạy quyền là  ở chỗ đó. Bởi vì có nhiều người tác động quá. Một cán bộ cấp Thứ trưởng không phải do ông Bộ trưởng mà do chỗ khác bổ nhiệm”.

Hệ quả của nó, theo ông Long  “đã do chỗ khác  bổ nhiệm thì chạy chỗ khác. Do đó, có chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy tù, đủ mọi chuyện chạy chính là chỗ này”.

Ông Long nói rất hình ảnh: “Cũng như ông thuyền trưởng, chỉ huy tàu chạy,  anh bảo chạy hướng Tây nó lại không nghe lời anh, cứ chạy hướng Đông thì sao?”.

“Bây giờ phải để cấp trên bổ nhiệm cấp dưới. Nếu nói hành chính là bổ nhiệm thì Thủ tướng bổ nhiệm Chủ tịch tỉnh. Bởi vì anh là người chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân về bộ máy Nhà nước mà anh không bổ nhiệm được, không cách chức được thì làm sao điều hành được” - Ông Long đề xuất.

Liên hệ với việc cuối kỳ họp này Quốc hội sẽ bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao, ông Long còn có những đề xuất rất cụ thể. Ông cho rằng, nói đến bầu cử là phải có lựa chọn.

“Đảng lãnh đạo thì Đảng giới thiệu ra 2-3 người để cho cơ quan dân cử người ta chọn. Nếu trong kỳ họp này, chúng ta có bầu một số đồng chí cấp cao của Chính phủ hay của cơ quan Nhà nước thì tôi đề nghị Bộ Chính trị đưa ra 2-3 người để Quốc hội bầu chọn, như thế mới bầu được thực sự”- Ông Long kiến nghị.

MỚI - NÓNG