Đề nghị giảm tốc độ trong đô thị từ 60 km/h xuống 50 km/h

Tốc độ phương tiện trong đô thị vừa được nâng lên 1 năm nay lại được đề nghị giảm xuống. Ảnh: Sỹ Lực.
Tốc độ phương tiện trong đô thị vừa được nâng lên 1 năm nay lại được đề nghị giảm xuống. Ảnh: Sỹ Lực.
TPO - Một số ý kiến đề nghị hạ tốc độ tối đa trong đô thị từ 60 km/h xuống 50 km/h và cắm biển báo hạn chế tốc độ tại các điểm đen tai nạn giao thông vì cho rằng đây là nguyên nhân chính làm gia tăng tai nạn giao thông gần đây.

Việc xem lại quy định tốc độ tối đa hiện nay Cục CSGT đưa ra trong một số cuộc họp gần đây và được tiếp tục đưa ra tại buổi công bố Kế hoạch tổ chức Tuần lễ an toàn đường bộ lần thứ 4 do Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Tốc độ” do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới và các đơn vị liên quan tổ chức vào chiều nay, 25/4. Cụ thể, Tiến sỹ Lokky Wai, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng giảm tốc độ tối đa trong đô thị đối với ô tô từ 60 km/h xuống 50 km/h.

Đề nghị này khiến nhiều người ngạc nhiên vì cách đây hơn 1 năm, Bộ GTVT quyết định tăng tốc độ trong đô thị và cả quốc lộ thêm trung bình 10 km/h tuỳ theo loại phương tiện; trong đó tốc độ cao nhất thuộc về ô tô con trong đô thị là 60 km/h. Nội dung này thuộc Thông tư 91/2015 của Bộ GTVT, có hiệu lực từ 1/3/2016, được ban hành sau khi hạ tầng giao thông được nâng cấp diện rộng.

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về cơ sở đưa ra đề nghị này, Tiến sỹ Lokky Wai cho hay: “Khi cầm lái với tốc độ cao, khó có thể dừng ngay và ảnh hưởng tác động quán tính mạnh hơn. Khả năng gây ra vết thương nghiêm trọng, tổn thất tính mạng cao. Khi giảm tốc độ giảm thương vong, giảm mức độ nghiêm trọng của các vụ TNGT. Ở Hà Nội là khu vực tập trung đông dân cư, lượng giao thông lớn cần giảm tốc độ, thậm chí các thành phố lớn trên thế giới còn phải giảm 30km/giờ ở các khu vực gần trường học và khu đông dân cư”. Tiến sỹ Lokky Wai không đưa ra các thống kê, nghiên cứu cụ thể cho đề xuất này.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng CSGT cho hay, năm 2016, TNGT do vi phạm chiếm 9,35%, trong đó có 12,9% vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến tốc độ. Ông Dánh đánh giá đây là tỷ lệ cao so với với các lỗi khác. “Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 91 vì đã bỏ tiền ra xây đường tốt, tốc độ tăng lên. Nhưng nghịch lý là giao thông hỗn hợp, người giao thông chấp hành chưa tốt, xây đường nhưng hàng rào chưa có, đường ngang đường tắt nhiều nên đẩy tốc độ lên cao gây gia tăng tai nạn giao thông. Vì thế Cục Cảnh sát giao thông đề nghị xem xét lại” – thiếu tướng Dánh nói.

Lãnh đạo Cục CSGT cho rằng, việc giảm tốc độ trong đô thị sẽ không gây ùn tắc vì khó đạt tốc độ tối đa trong đô thị, thậm chí nếu tăng tốc độ vẫn ùn tắc tại các nút giao thông dạng “thắt cổ chai”. Ông Dánh cũng cho hay, ngoài khu vực đô thị, Cục CSGT cũng đề nghị cắm biển báo hạn chế tốc độ tại các khu vực có nguy cơ tai nạn giao thông.

Vụ trưởng ATGT (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thạch cũng xác nhận: Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ cùng Cục CSGT xem xét đề xuất của Cục CSGT. Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho hay, quy định tốc độ mỗi quốc gia khác nhau; có nhiều quốc gia cho phép di chuyển trong đô thị với tốc độ 80 km/h nhưng nhiều nước chỉ cho phép di chuyển tối đa 50 km/h. Ông Hùng cho biết, việc quy định tốc độ cần đảm bảo cả về yếu tố đảm bảo ATGT và khai thác hết hiệu quả của hạ tầng giao thông.

Kế hoạch tổ chức Tuần lễ an toàn đường bộ lần thứ 4 do Liên Hợp Quốc phát động với chủ đề “tốc độ” nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ quy định tốc độ và khoảng cách an toàn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ thông qua việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy định của pháp luật, hậu quả tai nạn giao thông do vi phạm tốc độ, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước, tuần tra kiểm soát, giám sát, xử lý vi phạm. Thông điệp chính của kế hoạch gồm: “Tuân thủ quy định tốc độ  khi lái xe” và “Nhanh một phút –Chậm cả đời”. TS. Lokky Wai – Trưởng Đại diện Tổ chức Y Tế Thế giới tại Việt Nam nói: “Bằng việc tuân thủ quy định về tốc độ, di chuyển với tốc độ thấp hơn, chúng ta có thể biến những con đường trở nên an toàn hơn cho tất cả mọi người. Chỉ cần giảm 5% tốc độ xe chạy trung bình, chúng ta có thể giảm 30% số vụ tai nạn chết người”.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.