Để thực sự là đại biểu của dân

Để thực sự là đại biểu của dân
TP - Sự kiện QH khóa VIII tiến hành bầu Thủ tướng (lúc đó gọi là Chủ tịch HĐBT) với 2 ứng cử viên có thể coi là một cột mốc quan trọng trong hoạt động của cơ quan quyền lực cao nhất đất nước.

Khi một ứng viên ngần ngại xin rút vì “đồng chí kia được Bộ Chính trị giới thiệu, tôi là đảng viên phải chấp hành kỉ luật Đảng”, thì đồng chí Tổng Bí thư  khi đó “quyết” ngay:

“Vậy thì Bộ Chính trị sẽ giới thiệu cả hai đồng chí để QH bầu”. Không khí dân chủ ùa vào nghị trường, trách nhiệm đặt lên vai các đại biểu của dân. QH đã được đặt đúng ở vị trí cơ quan quyền lực tối cao của đất nước.

20 năm đổi mới, đã có thêm nhiều phiên họp, nhiều cuộc bầu cử các chức danh Nhà nước và Chính phủ. Cũng có những trường hợp bãi miễn các chức danh đã được bầu.

Tiếng nói trên diễn đàn QH thực sự tiếp thêm nguồn sinh lực cho công cuộc dân chủ hóa đời sống xã hội và luôn được cử tri mong đợi…

Người dân nhớ mặt, thuộc tên và trân trọng những đại biểu thường xuyên đăng đàn với một ý thức trách nhiệm rất cao với dân, với nước. Nhưng dường như mong muốn còn nhiều hơn thế.

Làm sao để mọi hoạt động của đất nước đều phải nằm trong tầm ngắm của những đại biểu dân? Làm sao để người dân tiếp xúc với đại biểu của mình thuận tiện hơn, gần gũi hơn, để tiếng nói của cuộc sống vang lên mạnh mẽ hơn trên diễn đàn, trở thành quyết sách đúng đắn chỉ đạo thực tiễn?

Làm sao để các bộ luật ra đời đi ngay được vào cuộc sống, các đại biểu QH có thể độc lập xây dựng luật mà không cần “dựa” vào Bộ chủ quản như hiện nay?

Làm sao để các chức danh do QH bầu được chọn lựa thật sự dân chủ, được giám sát chặt chẽ bởi tai mắt nhân dân?

Một khối lượng công việc rất lớn và không dễ dàng đòi hỏi những đổi mới mang tính đột phá ngay từ cơ quan lập pháp. Phải nâng tỷ lệ ĐB chuyên trách lên cao hơn để toàn tâm, toàn ý gánh vác công việc.

ĐB là cán bộ quản lý trong bộ máy Đảng, bộ máy Nhà nước còn chiếm phần lớn, công việc hành chính choán hết thời gian, một năm hai lần “vào vai đại biểu”, thời gian tiếp xúc cử tri cũng eo hẹp, làm sao đảm đương được vai trò đại diện cho dân?

Lại còn tâm lý nể nang đây đó vì “ngành dọc”, “ngành ngang”, vì địa phương còn phải tranh thủ “ý kiến” Bộ ngành Trung ương, làm sao có thể phát huy dân chủ, phê bình thẳng thắn, truy cứu trách nhiệm đến cùng các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ?

Đấy là chưa kể, nhiều vấn đề phức tạp, cần mổ xẻ, chuyên môn sâu, mà đại biểu thiếu thời gian đầu tư, tìm hiểu cặn kẽ, rất khó có “đất” để phát biểu.

Vì thế, có cử tri đã nhận xét rằng, có đại biểu ứng cử ở địa phương mình cả mấy kì họp mà chưa thấy một lần “đăng đàn”, có đăng đàn thì chỉ nói chung chung, và không đeo đuổi, bảo vệ quan điểm của mình đến nơi, đến chốn.

Người dân cũng chờ đợi ở các đại biểu QH sự quyết đoán, có bản lĩnh, chính kiến và trách nhiệm khi tham gia bàn luận, giải quyết các vấn đề đặt ra.

Phải tăng nhanh số đại biểu chuyên trách, và đặc biệt là chuyên nghiệp hóa hoạt động của QH. Có như thế, QH mới phát huy được vai trò cơ quan quyền lực cao nhất và mỗi đại biểu cũng làm tốt trách nhiệm của mình, thực sự xứng đáng là người đại diện của nhân dân!

MỚI - NÓNG