Đề xuất cơ chế dân góp đất vào dự án

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hà. ảnh: hồng vĩnh
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hà. ảnh: hồng vĩnh
TP - Ngày 6/11, thảo luận dự thảo Luật Đất đai 2003 sửa đổi, có ĐBQH kiến nghị, không áp dụng cơ chế thu hồi đất vì mục đích kinh tế, mà dùng cơ chế góp vốn quyền sử dụng đất.

> Nông dân có thể góp vốn bằng đất làm dự án

Sở hữu toàn dân là cần thiết

Nhất trí cao về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai do nhà nước đại diện chủ sở hữu, nhiều ĐBQH cũng đề nghị làm rõ cơ chế nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế-xã hội, tránh lợi dụng quy định để thu hồi đất tràn lan.

Phó trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà nhấn mạnh, quy định ‘‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” là cần thiết, đảm bảo sự thống nhất tinh thần và nguồn lực vật chất, sức mạnh tổng hợp, chống các nguy cơ đe dọa chủ quyền quốc gia, cũng như để đảm bảo động viên mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của Việt Nam.

‘‘Tuy nhiên, Luật Đất đai 2003 với hơn 200 văn bản hướng dẫn, hơn 150 văn bản liên quan vẫn chưa làm rõ được cơ chế đại diện quyền sở hữu đối với đất đai và phòng ngừa tham nhũng, lạm dụng trong quản lý, sử dụng đất đai”, bà Hà nói.

Đối với các dự án phát triển kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư, ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) kiến nghị không áp dụng cơ chế nhà nước thu hồi đất, mà nên dùng cơ chế góp đất vào dự án.

‘‘Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng được chuyển nhượng, cho thuê góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với nhà đầu tư. Đây là một phương thức quản lý hiệu quả, giải quyết tài chính trong phát triển đô thị đã được áp dụng rộng rãi ở các nước phát triển, hiện nhiều nước châu Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng dùng cơ chế này. Các dự án được cộng đồng đang sử dụng đất thảo luận, sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người bị thu hồi đất”, ông Hoàng nói.

Tránh tùy tiện trong thu hồi

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho biết, tại kỳ họp thứ 4, thứ 5, nhiều ĐBQH đề nghị không thu hồi đất phục vụ dự án kinh tế - xã hội, mà nên trưng mua quyền sử dụng đất; nhưng đến thời điểm này vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của cơ quan soạn thảo. Theo ông, cần làm rõ khái niệm ‘‘thu hồi đất vì mục đích kinh tế - xã hội” để tránh lợi dụng, cần loại các dự án chỉ phục vụ lợi ích thuần túy của nhà đầu tư ra khỏi diện Nhà nước thu hồi đất.

‘‘Nếu vẫn giữ nguyên việc Nhà nước thu hồi đất cho mục đích kinh tế - xã hội thì tình trạng khiếu kiện đất đai vẫn là điểm nghẽn, chưa có lời giải”- ĐB Vinh nhận định. Ông Vinh kiến nghị, chỉ với dự án do Nhà nước quyết định phê duyệt đầu tư thì Nhà nước mới thu hồi đất. Các dự án Nhà nước chỉ ra thông báo hoặc chấp thuận đầu tư thì phải trưng mua quyền sử dụng đất. Việc thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi là quan hệ dân sự được pháp luật bảo vệ.

‘‘Các dự án phát triển kinh tế - xã hội quy định chung chung như tại điểm g khoản 1 Điều 62 sẽ dẫn đến tùy tiện trong áp dụng. Tại Hà Nội có khá nhiều dự án bị ách tắc do cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng, theo đó là đơn thư, là khiếu kiện vô cùng phức tạp. Đã có dự án nhà thầu đòi phạt chủ đầu tư hàng trăm tỷ đồng do chậm bàn giao mặt bằng”, ĐB Hà phát biểu.

Giá đất bao nhiêu là đúng, đủ?

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà cho rằng, nguyên tắc xác định giá đất tại Điều 112 chưa rõ ràng, cụ thể. ‘‘Chính quyền dựa vào đâu để nói với người dân là giá bồi thường đã được tính đúng, tính đủ, người dân căn cứ vào đâu để thấy rằng quyền lợi của mình đã được đảm bảo?”, ĐB Hà băn khoăn.

ĐB Trần Ngọc Vinh nói rằng, thẩm quyền của UBND gồm giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và cả định giá đất là quá lớn. ‘‘Để minh bạch về định giá đất, phải thành lập một cơ quan có thẩm quyền quyết định về giá đất độc lập với cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai, tránh tình trạng một cơ quan vừa đá bóng, vừa thổi còi, làm thiệt hại đến quyền, lợi ích của người dân bị thu hồi đất”, ông Vinh kiến nghị.

ĐB Huỳnh Minh Hoàng kiến nghị, phải để thị trường quyết định giá đất qua đấu giá, chứ không phải giá đất Nhà nước công bố hằng năm. Nếu theo cơ chế thị trường, người bán phải có quyền quyết định giá bán, không thể bị xem là người đứng ngoài cuộc. Họ phải được tham gia, giám sát hội đồng đấu giá, ông nói.

‘‘Nhà nước cần thành lập cơ quan định giá đất, người dân có quyền giới thiệu các tổ chức định giá đất độc lập, tham gia đấu thầu định giá đất để xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sao cho có lợi cho người bị thu hồi đất, bỏ hẳn cơ chế giao đất xin - cho”, ông Hoàng kiến nghị.

Cần giảm độc quyền về đất đai

‘‘Quy định của pháp luật và thực tế nhiều năm qua đã tạo cơ hội cho không ít cá nhân, tổ chức giàu lên nhanh chóng từ đất đai, trong đó có cả sự tham nhũng. Cần giảm bớt các trường hợp cần tới sự quyết định giá đất của cơ quan nhà nước, khuyến khích sự đồng thuận giữa các bên có chung lợi ích từ đất đai theo cơ chế thị trường; tách thẩm quyền quyết định giá đất ra khỏi thẩm quyền quyết định về đất đai, nói cách khác là không tập trung quyền quyết định toàn bộ về đất đai vào một cơ quan nhà nước, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền để giảm tính độc quyền” - trích phát biểu tại Hội trường của ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.