Ý tưởng chống ùn tắc giao thông Hà Nội:

Đề xuất làm đường buýt trên cao

Mô hình xe buýt trên cao được ông Hoàng Ngọc Thịnh hiến kế để chống ùn tắc giao thông Hà Nội.
Mô hình xe buýt trên cao được ông Hoàng Ngọc Thịnh hiến kế để chống ùn tắc giao thông Hà Nội.
TP - Cùng với các nội dung về phát triển hạ tầng, tổ chức giao thông, trong hơn 200 ý tưởng có tính chất hiến kế chống ùn tắc giao thông Thủ đô mà Sở GTVT Hà Nội vừa nhận được, có ý tưởng của chuyên gia đề xuất Hà Nội nên làm đường buýt trên cao.

Hơn 200 ý tưởng

Sở GTVT Hà Nội - cơ quan thường trực thay mặt thành phố Hà Nội tiếp nhận các hồ sơ đăng ký tham gia cuộc thi hiến kế chống ùn tắc giao thông vừa có báo cáo thống kê danh sách các đơn vị, tổ chức tham gia cuộc thi tuyển ý tưởng chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tính đến nay, Sở GTVT Hà Nội đã nhận được tổng cộng hơn 200 ý tưởng, hồ sơ tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Với các ý tưởng, hồ sơ đăng ký đã nhận được, trong những ngày tới Sở GTVT sẽ công bố và thông báo cụ thể đến các tổ chức tư vấn tham gia làm phương án dự thi, sau đó Sở GTVT sẽ lựa chọn khoảng 5 đơn vị đủ điều kiện và có ý tưởng tốt nhất để tham gia “sát hạch” thực tế.

Về lộ trình tổ chức, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong khoảng thời gian 12 tuần và dự kiến sẽ kết thúc trước 30/4, Ban Tổ chức (BTC) sẽ bố trí hướng dẫn cho các đơn vị dự thi khảo sát hiện trạng giao thông trên địa bàn Hà Nội; cùng với đó tổng hợp, phân loại các câu hỏi và gửi trả lời đến các đơn vị tham gia dự thi có quan tâm và đặt câu hỏi. Trong thời gian từ cuối tháng 4 đến 10/5, BTC sẽ tổ chức cho các đơn vị tham gia thuyết minh, bảo vệ ý tưởng, phương án dự thi của mình. Trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 25/5, BTC sẽ công bố kết quả và trao thưởng.

Ông Trần Văn Thành, Chủ tịch sáng lập đồng thời là người đại diện cho nhóm tác giả của Tập đoàn Trí Thức Việt (trụ sở: 209-A1/72 đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội), tham dự giải đã nêu nguyên nhân ùn tắc tại Hà Nội hiện nay. Theo ông Thành đây là hệ quả của việc phát triển đô thị không bền vững, đồng bộ. Để giải quyết được bài toán này, trong phần trình bày năng lực và ý tưởng tham gia cuộc thi, ông Thành cho rằng, cần có một giải pháp được thực hiện toàn diện, trong đó tổ chức giao thông, phát triển đô thị phải tuân thủ nghiêm túc quy hoạch.

Cũng liên quan đến việc tổ chức, điều hành giao thông, ông Hoàng Ngọc Thịnh (trú số nhà 15, ngách 65/18, ngõ 65 Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) nêu ý tưởng, trên các tuyến phố đông phương tiện, cần tạo thêm nhiều đường một chiều. Với các ngã ba, đường một chiều cần kẻ vạch phân làn, hợp làn, đồng thời giảm bớt thời gian chờ đèn đỏ đối với làn chạy thẳng để giảm ùn ứ. Triệt để phân làn đường ô tô riêng, xe máy riêng với độ rộng hẹp phù hợp mật độ xe trên đường. Với các vi phạm trên đường, ông Thịnh đề xuất, xử lý nhanh, hiệu quả những vi phạm lấn làn bằng việc giữ xe tại chỗ trên vỉa hè (với xe máy) khoảng một giờ. Việc này nhằm giúp cho người vi phạm cảm thấy hao phí thời gian, ân hận với hành vi của mình. Đối với ô tô cần áp dụng hình thức phạt nguội qua camera, hình ảnh. “Các biện pháp này sẽ không gây cản trở giao thông bởi không phải dừng xe, đứng đợi lập biên bản trên đường”, ông Thịnh phân tích.

Buýt trên cao đẩy lùi xe cá nhân

Để hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc trong thời gian tới, ông Hoàng Ngọc Thịnh khẳng định, mạng lưới vận tải hành khách công cộng vẫn có vai trò chủ lực. Tuy nhiên ông cũng lưu ý, hệ thống đường sắt đô thị trên cao chỉ nên tiếp tục xây dựng thêm một vài tuyến nữa, còn lại đề nghị điều chỉnh quy hoạch, thiết kế để xây dựng thành đường bộ trên cao dành cho xe buýt (gọi tắt là “buýt trên cao”). Loại hình này sẽ kết nối nhanh, cơ động lượng hành khách giữa các khu vực trong, ngoài thành phố.  Theo ông Thịnh, việc phát triển xe buýt trên cao sẽ có những ưu điểm: Thiết kế, thi công, vận hành nhanh, rẻ, không cần công nghệ nước ngoài. Nếu dùng vốn của của dự án đường sắt trên cao sẽ xây dựng được hàng chục tuyến xe buýt trên cao, trong khi năng lực vận chuyển hành khách của đường sắt đô thị chưa chắc đã hơn xe buýt. “Một ưu điểm nữa, do nằm ở trên cao nên đường xe buýt trên cao không bị các phương tiện khác lấn làn, xung đột. Sự cơ động, hành trình đúng giờ và tốc độ đảm bảo chắc chắn xe buýt sẽ lưu thông nhanh hơn xe cá nhân trong giờ cao điểm. Với những ưu điểm này, nếu cạnh tranh với xe buýt trên cao, xe cá nhân sẽ bị xe buýt bỏ lùi”, ông Thịnh khẳng định.

Từ thực tế khảo sát, ông Thịnh cho rằng, các tuyến đường Hà Nội có dải phân cách rộng từ 2 đến 5 mét đều có thể xây dựng được đường buýt trên cao. Việc xây dựng trên cao sẽ dễ làm hơn bởi làm đường dành riêng bên dưới thường vướng mặt bằng. Hiện dải phân cách các tuyến đường như Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Lương, đường Giải phóng, Ngô Gia Tự... theo ông Thịnh đang có đủ điều kiện để làm đường xe buýt trên cao lưu thông hai chiều như hình ông phác thảo (ảnh).

Với mục tiêu tìm ra các giải pháp tổ chức giao thông nhằm chống ùn tắc có hiệu quả, ngày 12/1, Sở GTVT Hà Nội đã công bố cuộc thi tuyển ý tưởng hay về tổ chức và chống ùn tắc cho giao thông Thủ đô đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030. Theo đó, BTC sẽ trao 300.000 USD (tương đương trên 6 tỷ đồng) cho các đơn vị đạt giải, trong đó giải nhất sẽ được nhận 200.000 USD, giải nhì 100.000 USD. Ngoài ra, các hồ sơ đạt tiêu chí dự thi cũng được BTC hỗ trợ hơn 500 triệu đồng

MỚI - NÓNG