'Đến án còn chạy được thì không có gì là không chạy được'

GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng, đến án mà còn chạy được thì không có cái gì không thể không chạy được
GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng, đến án mà còn chạy được thì không có cái gì không thể không chạy được
TPO - GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH cho rằng, hoạt động tư pháp rất chặt chẽ, có kiểm soát giữa điều tra, truy tố, xét xử, thế mà vẫn chạy được án thì có lẽ không có cái gì không thể chạy được.

Sáng 24/3, Ban Nội chính T.Ư đã tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp để góp phần đảm bảo lợi ích cho hoạt dộng kinh doanh tại Việt Nam”.

Tại Hội thảo GS. TS Trần Ngọc Đường cho rằng, trong đời sống xã hội hiện nay đang nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến “chạy”, ví như chức, chạy quyền. Nhưng, đến án mà còn chạy được thì có nghĩa là không có cái gì là không thể chạy được.

Bởi theo GS Đường, hoạt động tư pháp có quy trình, thủ tục hết sức chặt chẽ. Từ khâu điều tra, truy tố, xét xử đều có sự kiểm tra, giám sát lẫn nhau, thế mà người ta vẫn có thể chạy được án. Điều này cho thấy, hoạt động tư pháp còn nhiều lỗ hổng cần phải tìm cách “bịt lại”.

Trong báo cáo nghiên cứu về phòng chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp, PGS. TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao cũng thẳng thắn “vạch” ra nhiều nguy cơ tiêu cực, tham nhũng của lĩnh vực tư pháp.

Nguy cơ đó xuất hiện ngay từ khâu tiếp nhận đơn khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự. Theo đó, thẩm phán có thể “gây khó khăn” cho người dân, doanh nghiệp để được tòa án thụ lý giải quyết vụ việc hoặc cung cấp thông tin cho bên bị đơn, cá nhân, tổ chức có liên quan với mục đích “vòi vĩnh”. Nhiều trường hợp phải “bôi trơn”, “lót tay” mới được nhận đơn, thụ lý vụ việc.

Bên cạnh đó có tình trạng thẩm phán ưu tiên xem xét, giải quyết những vụ án có giá trị lớn hoặc vụ án có sự “tác động” của đương sự, dẫn đến việc “bỏ mặc” các vụ án khác. Và khi bị thanh tra, kiểm tra thì tìm cách tạm thời đình chỉ giải quyết các vụ án này.

Cũng theo ông Độ, ngay trong quá trình lập hồ sơ, thu nhập chứng cứ và xét xử vụ án cũng có nhiều nguy cơ tiêu cực, tham nhũng. Biểu hiện của dạng tiêu cực này hành vi vòi vĩnh lợi ích vật chất hoặc phi vật chất từ đương sự, người có quyền lợi hoặc nghĩa vụ liên quan để làm hoặc không làm một việc có lợi cho một bên.

Ngoài ra thẩm phán cũng “tìm cách” để chấp nhận hoặc từ chối các tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp để đưa vào hồ sơ vụ án, bỏ quan hoặc không xem xét các tài liệu, chứng cứ quan trọng, làm sai lệch vụ án. Thậm chí có thể còn gặp gỡ, tư vấn tạo lợi thế cho đương sự không đúng quy định của pháp luật, đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, toàn diện.

Dù vậy, ông Độ cho biết, rất khó phát hiện và chứng minh dạng tham nhũng này, trừ khi có chứng cứ chứng minh việc nhận hối lộ hoặc lợi ích phi vật chất khác. Bởi vì rất khó phân biệt lỗi cố ý với sai lầm khi nhận định tình tiết, hoặc thực hiện quyền tự quyết.

MỚI - NÓNG