Đền Trần trước giờ khai ấn

Trước giờ khai ấn. Ảnh: PV.
Trước giờ khai ấn. Ảnh: PV.
TP - Đến hẹn lại lên, đêm 14 tháng Giêng hằng năm, hàng vạn người lại đổ về đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) chờ thời khắc khai ấn đền Trần lúc nửa đêm. Giá nhà nghỉ tăng gấp nhiều lần, khách sạn cháy phòng, chen lấn đến ngộp thở cũng không thể ngăn cản họ tìm về nơi được cho là thiêng, có thể cầu công danh, phú quý.

Vạn người cầu công danh, phú quý

Không chờ đến đêm, ngay từ sáng sớm ngày khai ấn, hàng vạn du khách từ khắp nơi đã đổ về đền Trần. Nhìn biển số để đoán du khách từ đâu đến thì hầu như các tỉnh phía Bắc đều tề tựu, từ miền núi Tây Bắc: Cao Bằng, Lào Cai đến cả những biển số xe Lâm Đồng, TPHCM… Từ 10 giờ sáng, hàng trăm chiếc xe đỗ kín bãi gửi xe của ban tổ chức. Đoàn người nối đuôi nhau hành hương đền Trần. Những dãy lều trọ san sát đã kín chỗ. Nhiều người có mặt tại đây từ sáng, chờ đến đêm để chờ lễ khai ấn.

Trong khuôn viên đền Trần, hàng trăm du khách thập phương khệ nệ những mâm lễ trên vai, túi ny lon to nhỏ đến thắp hương khấn vái. Dòng người đôi lúc có hiện tượng chen lấn nhau để được đặt đồ lễ lên trước. Đôi khi, có du khách “tranh thủ” với tay sờ vào thanh kiếm trên bàn lễ như một cách lấy may cho mình.

Gặp gỡ anh Trần Anh Tuấn, một người trong đoàn xe đề dòng: “Họ Trần Việt Nam”, anh chia sẻ: 5 năm nay, không năm nào tôi không về đền Trần Nam Định để thắp nén hương tưởng nhớ các vua Trần có công với đất nước. Sau cũng là để mong cho một năm thuận lợi, thăng quan tiến chức. Anh Tuấn tiết lộ: Đền Trần thiêng nhất cho người cầu công danh. Ngay như bản thân anh, 5 năm nhân viên, mà chỉ 3 năm đi lễ lên vèo vèo phó phòng rồi trưởng phòng. “Chả thế mà có bác cùng đoàn, sinh năm 1956 mà vẫn ham xin lộc để thăng tiến công danh”, anh Tuấn chỉ một thành viên trong đoàn.

Đền Trần trước giờ khai ấn ảnh 1

Cũng là một người lâu năm gắn bó với Lễ khai ấn đền Trần, ông Trần Văn Bảo (55 tuổi, Hà Nội) bật mí: Ấn đền Trần “thiêng” nhất vẫn phải xin được sau giờ Tý (sau 11 giờ đêm), nếu tới sáng thì mất dần ý nghĩa. Năm ngoái, ông Bảo phải vận dụng hết quan hệ của mình để 1 giờ sáng là xin được ấn. “Năm nay, cũng cố gắng xin được ấn sớm đúng giờ Hoàng đạo”, ông Bảo nói.

Danh tiếng cầu công danh của đền Trần đã khiến không ít người mong muốn lấy bằng được “Ấn đền Trần”. Bà Võ Thị Trĩ, năm nay đã 80 tuổi, quê ở Bình Dương, lần đầu ra lễ đền Trần. Bà Trĩ bảo: Tôi có con dâu họ nhà Trần, thuộc ban lễ rước, phục vụ. Đến tuổi này rồi cũng chẳng cầu khấn gì cho mình, chỉ cầu khấn cho con trai thành danh, cháu nội học hành giỏi giang, đỗ đạt. Được biết, đoàn của gia đình bà Trĩ gồm 8 người, đã bay ra Bắc từ đầu tuần để thăm quê con dâu và tham dự lễ khai ấn đền Trần.

Giá phòng khách sạn tăng gấp 5 lần

Lượng người đổ về Nam Định trong ngày 14 âm lịch đã biến thành phố thành một khu du lịch đắt đỏ. Các nhà hàng, khách sạn tha hồ “chặt chém” du khách. Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong trưa 10/2 (tức ngày 14 tháng Giêng âm lịch), trước giờ khai ấn đền Trần, hàng loạt khách sạn ở Nam Định cháy phòng, trong khi nhiều nhà nghỉ hét giá cao gấp nhiều lần so với ngày thường. Tại Hotel Vila T.Bình cách đền Trần khoảng 1km, bà chủ tên T. cho biết chỉ còn 2 phòng trống. Phòng đơn một giường  rộng khoảng 12m2 giá 1,5 triệu đồng, còn phòng đôi rộng khoảng 15m2 có giá 2 triệu đồng qua đêm.

Thấy khách phàn nàn giá cao gấp nhiều lần so với thường lệ, bà T. phân bua rằng “cả năm mới có một ngày khai ấn”, trong khi lượng khách rất đông và đa phần đều đặt trước từ Tết. “Ở đây có sân rộng đỗ ô tô, có dịch vụ ăn uống và đi vào đền Trần gần nhất nên gộp giá như vậy không đắt. Nếu nhận phòng thì phải đặt tiền trước”, bà T. nói.

Cách đó vài trăm mét, dù ngoài biển thông báo giá thuê phòng là 50 nghìn đồng/giờ (150 nghìn đồng/qua đêm), nhưng nữ lễ tân nhà nghỉ T.N cho biết: Toàn bộ phòng đôi giá 1 triệu/đêm của nhà nghỉ đã cháy từ nhiều ngày nay. Hiện nhà nghỉ này chỉ còn vài phòng đơn giá 500.000 đồng. “Ngày lễ đầu xuân đi xin ấn khách thường đặt trước và không mặc cả. Thậm chí tới chiều tối nhiều đoàn trả thêm tiền cũng không có phòng cho thuê”, nữ tiếp tân cho biết.

Nếu không đặt được phòng nhà nghỉ, khách sạn, du khách vẫn có nơi “ngả lưng” trước giờ khai ấn. Đó là những lều bạt được dựng lên trên đường vào đền Trần. Ở đây, du khách được phục vụ từ nước đến đồ ăn nhẹ và thuê chiếu. Giá mỗi chiếc chiếu cũng rất “mềm”, chỉ từ 80 - 100 ngàn đồng/chiếc nên được nhiều du khách lựa chọn. Ở đây, còn có thêm dịch vụ đặt mua ấn, khách có thể ngủ tại lều, có người mua ấn về tận nơi.

Đền Trần trước giờ khai ấn ảnh 2

Dọn đồ lễ ngay để tránh cướp lộc

Do tâm lý được tận tay xin ấn mới thiêng nên hầu hết khách hành hương không muốn dùng dịch vụ qua cò mua ấn. Nhiều người còn trèo lên cả bàn lễ để được sờ vào thanh gươm thần trên bàn thờ. Có người chờ chực giờ làm lễ xong để quơ được đồ gì đó trên bàn thờ như là một “điềm may”. Nhưng với lực lượng trật tự tăng cường ken đặc như năm nay, những người hành hương thiếu văn hóa như vậy khó có cơ hội làm được.

“Việc cướp thì thực ra không có đâu. Lộn xộn một, hai phút xong báo chí đưa hình ảnh lên chứ không nặng nề đến vậy. Có một bó hoa trên ban thờ, vài ba người lấy là hết chứ làm gì đến mức độ ghê gớm dùng từ cướp. Năm nay chúng tôi kiểm soát bằng cách không trưng bày nữa, lễ xong là chúng tôi thu dọn hết. Thế là xong. Còn cái gì nữa mà lấy”, ông Hoạt nói.

Ông Cao Xuân Hoạt, Trưởng ban quản lý di tích đền Trần cho biết, từ đầu năm đến nay, lượng khách đổ về đền Trần khá đông. Đương nhiên công tác an ninh, trật tự phải tăng cường, đảm bảo tốt hơn. Năm sau phải rút kinh nghiệm, làm tốt hơn năm trước tất cả mọi mặt. Được biết, năm nay, sẽ có khoảng hơn 1.000 cảnh sát giữ gìn trật tự, đồng thời làm triệt để, không để tồn tại tình trạng có ăn mày, ăn xin quanh khu vực lễ hội. “Từ đầu năm đến giờ không có một trường hợp ăn mày, ăn xin nào. Nếu có chúng tôi sẽ mời họ về Trung tâm bảo trợ xã hội để nuôi dưỡng. Trong mấy ngày tới đây cũng quán triệt việc này”, ông Hoạt nói.

Trưởng ban quản lý di tích đền Trần cũng cho biết năm nay ấn sẽ được phát sớm hơn 30 phút, từ 5h ngày 11/2 đồng thời có biện pháp để không còn tình trạng “cướp” lộc sau lễ khai ấn như mọi năm. “Việc cướp thì thực ra không có đâu. Lộn xộn một, hai phút xong báo chí đưa hình ảnh lên chứ không nặng nề đến vậy. Có một bó hoa trên ban thờ, vài ba người lấy là hết chứ làm gì đến mức độ ghê gớm dùng từ cướp. Năm nay chúng tôi kiểm soát bằng cách không trưng bày nữa, lễ xong là chúng tôi thu dọn hết. Thế là xong. Còn cái gì nữa mà lấy”, ông Hoạt nói. Tuy nhiên, theo ông Hoạt, nghi lễ mà không có lễ vật thì không được, nên vẫn khuyến cáo những hành vi vô văn hóa tại lễ hội. “Đó là những hành động vô lễ, không được phép như thế. Theo tôi, không những tuyên truyền tại chỗ mà phải giáo dục từ nhỏ, giáo dục từ trong gia đình. Cả gia đình, xã hội, nhà trường giáo dục, rèn luyện. Tham gia chỗ đông người mà như thế là không được. Bàn thờ gia tiên mỗi nhà thì ai dám động đến. Có người cho phép được hạ thì mới hạ lễ. Người nào cũng lên hạ được đâu”, ông Hoạt nói.

Có mặt tại đền Trần để kiểm tra công tác tổ chức lễ khai ấn, Thứ trưởng VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái đề nghị tỉnh Nam Định, Ban Tổ chức Lễ hội, Ban Quản lý đền Trần kiểm soát chặt chẽ tình hình an ninh trật tự, không để tình trạng ném tiền vào kiệu ấn, tranh “cướp” lộc trên các ban thờ, tạo hình ảnh phản cảm với du khách. Thứ trưởng đánh giá cao việc giãn thời gian phát ấn đến 5g sáng. Ông Ái cho rằng: Khách thập phương lưu lại tại đây 5 tiếng để chờ phát ấn, rất thành tâm, lại vừa giảm tải cho ban tổ chức lễ hội. Qua đó không còn cảnh chen lấn, tranh cướp ấn nữa.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.