Đi bộ

Phố đi bộ Hồ Gươm
Phố đi bộ Hồ Gươm
TP - Háo hức như người Hà Nội được… đi bộ. Các tuyến phố quanh hồ Gươm mấy ngày qua bỗng tràn ngập không khí hội hè khi thí điểm cấm lưu thông các loại xe. Nhảy dây, kéo co, múa lân, biểu diễn ca nhạc, triển lãm tranh giữa phố...

Thế nhưng, có vẻ đi bộ sẽ rất gian khó, với người Hà Nội. Dù chỉ thí điểm buổi tối các ngày cuối tuần.

Bởi không gian quanh hồ Gươm rộng, lượng xe cộ của cư dân sống trong khu vực cấm rất lớn, nhiều bất tiện. Không như mấy tuyến phố nhỏ Hội An hay tuyến đường Nguyễn Huệ trong Nam. Nhưng khó nhất, là thói quen sẵn sàng vượt qua mọi quy tắc của “người thủ đô”. Còn để xem người Hà Nội ứng xử đến đâu.

Nhớ một dạo Hà Nội ồ ạt ra quân xử phạt người đi bộ vi phạm luật giao thông. Nay không thấy ai nhắc đến. Hết người vi phạm hay hết người đi bộ?

Đi bộ là hình thức vận động đầu tiên và căn bản nhất của người và động vật. Tuy nhiên, hơn loài vật ở chỗ loài người nhờ văn minh nên có quyền chọn cho mình hình thức di chuyển khác ngoài việc sử dụng trực tiếp đôi chân.

Những con phố đi bộ Hội An trầm mình lặng lẽ như bản tính con người nơi đây. Nắng ráo thì đi bộ. Mưa lụt nước lên thì ngồi lên thuyền thả trôi… giữa phố. Đi bộ, để thấy dòng chảy đích thực của thời gian dưới mỗi bước chân.

Đi bộ, để thấy xung quanh cái gì cũng rộng. Cũng thoáng. Và thân thiện. Để thấy mỗi người có một gương mặt riêng. Giống như bỏ thức ăn nhanh, về với mâm cơm quê nhà nơi tất cả chúng ta đều từng có, và từng rời xa.

Người bộ hành nổi tiếng nhất Việt Nam Nguyễn Quang Thạch, suốt 20 năm “cõng” sách đến mọi nơi chốn trên đất nước để “Sách hóa nông thôn”. Từ năm 20 tuổi, nay đã 41. Với việc quyên góp từng cuốn sách, đến nay Thạch đã xây dựng được 9.000 tủ sách ở khắp các vùng nông thôn Việt Nam. Năm 2015, Thạch đi bộ liên tục 1.750 km từ Hà Nội đến TPHCM để đánh thức tình yêu sách trong cộng đồng. Dự định sắp tới người đàn ông gầy gò hỏng một bên mắt ấy sẽ tiếp tục đi bộ 1.300 km từ New Delhi đến Bombay để đem đến cơ hội đọc sách cho hàng triệu trẻ em Ấn Độ. Nguyễn Quang Thạch vừa vinh dự là người Việt Nam đầu tiên nhận giải Vua Sejong về xóa mù chữ của UNESCO - Liên Hợp Quốc năm 2016.

Con người đi bộ trên mặt trăng và đi bộ trên mặt đất – điều nào vĩ đại hơn?

Suốt chiều dài lớn lên của loài người, hình ảnh người bộ hành - người thầy vai đeo sách đến các vùng nghèo đói để khai sáng, đã trở thành biểu tượng rất đẹp cho sự nhẫn nại văn minh đẩy lùi bóng tối.

Giữa kỷ nguyên điện tử mọi thứ diễn ra trong chớp mắt chỉ bằng mấy đầu ngón tay, vậy mà người bộ hành cõng sách vẫn không cô đơn.

Như vẻ đẹp riêng của người đi bộ trên mặt trăng và đi bộ trên mặt đất.

MỚI - NÓNG